Hàng trăm lao động của Dệt Long An có nguy cơ mất việc làm vì hai bản án trời ơi!

Tại hai phiên toà xét xử bà Cúc liên tục yêu cầu làm rõ những sai phạm này của ngân hàng khiến Dệt Long An phải mất oan hơn 100 tỷ đồng, nhưng không được hội đồng xét xử toà án nhân dân huyện Thủ Thừa và toà án tỉnh Long An xem xét giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt Long An đã có nhiều đơn gửi các ban ngành chức năng khiếu nại bản án sơ thẩm số 04/2013/KDTM-ST ngày 16/5/2013 và bản án phúc thẩm số 25/2013/KDTM-PT ngày 30/10/2013 về tranh chấp hợp đồng tín dụng với ngân hàng Techcombank.

Bà Cúc cho biết, chỉ có hợp đồng tín dụng 1936/HĐTD/TH-PN/TCBHCM ngày 24/1/2009 là Dệt Long An có vay của Techcombank 15 tỷ đồng, có nhận tiền giải ngân từ Techcombank. Còn ba hợp đồng còn lại ký năm 2010, Dệt Long An chưa được nhận đồng nào thế nhưng lại bị toà án tuyên xử phải trả cho Techcombank gần 130 tỷ đồng quá vô lý.

Hàng trăm lao động của Dệt Long An có nguy cơ mất việc làm vì hai bản án trời ơi!
Công ty dệt Long An

Hơn 100 lệnh chuyển 63 tỷ đồng trong ngày mà chủ tài khoản không biết

Ngày 28/12/2010, Công ty cổ phần dệt Long An (gọi tắt Dệt Long An) và Ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (gọi tắt Techcombank) có ký ba hợp đồng tín dụng số 36219/HĐTD/TH-PN/TCBHCM, số 36220/HĐTD/TH-PN/TCBHCM, số 88/HĐ/HMTD/TCB-HCM. Trong đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt Long An gửi đến các cơ quan chức năng khẳng định trong ba hợp đồng nêu trên Dệt Long An chưa nhận được đồng nào.

Theo đơn khởi kiện của Techcombank ngày 3/1/2013 (số 53/DKK/2013/AMCMN) gửi cho toà án nhân dân huyện Thủ Thừa tỉnh Long An, trong ngày 31/12/2010 Techcombank đã giải ngân 68 tỷ đồng cho Dệt Long An để thanh toán các chi phí đầu tư tài sản cố định, thanh toán chi phí sửa chữa nhà xưởng, văn phòng làm việc, máy móc, thiết bị sản xuất, bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, thanh toán công nợ mua vật liệu sản xuất.

Tuy nhiên, trong sao kê sổ phụ khách hàng ghi các nghiệp vụ phát sinh do Techcombank cung cấp thì trong ngày ngày 31/12/2010, Techcombank ghi bút toán diễn giải Dệt Long An nộp 4 lần tiền vào tài khoản, tổng cộng hơn 63 tỷ đồng. Bà Cúc thắc mắc, Techcombank cho rằng đã giải ngân cho Dệt Long An trong ngày 31/12/2010 là 68 tỷ đồng, trong khi tài khoản của Dệt Long An trong sao kê sổ phụ khách hàng chỉ thể hiện hơn 63 tỷ đồng vào tài khoản, vậy 5 tỷ đồng của Dệt Long An đi đâu mà Techcombank lập lờ không lý giải?

Cũng trong ngày 31/12/2010, từ hơn 63 tỷ đồng mà Techcombank tự chuyển vào tài khoản của Dệt Long An theo ba hợp đồng tín dụng, Techcombank tự làm hơn 100 bút toán nghiệp vụ diễn giải “thu nợ lãi, thu nợ gốc” để đến cuối ngày tài khoản của Dệt Long An trở về con số 0 đồng!

Theo quy định, ủy nhiệm chi phải do khách hàng lập, ký và ngân hàng chỉ căn cứ vào lệnh đó để trích tiền từ tài khoản khách hàng chuyển trả cho đơn vị thụ hưởng. Việc ngân hàng tự động trích tài khoản của khách hàng là không được phép. Bà Cúc khẳng định, tất cả các chứng từ chuyển hơn 63 tỷ đồng trong ngày 31/12/2010 này Dệt Long An không hay biết và bà Cúc không ký bất kỳ lệnh uỷ nhiệm chi nào cho Techcombank thanh toán số tiền này.

Và trong sao kê phần diễn giải sổ phụ của ngân hàng, không có bút toán nào để thanh toán các chi phí đầu tư tài sản cố định, thanh toán chi phí sửa chữa nhà xưởng, văn phòng làm việc, máy móc, thiết bị sản xuất, bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, thanh toán công nợ mua vật liệu sản xuất như đơn khởi kiện mà Techcombank đã gửi cho Toà án kèm theo hợp đồng tín dụng đã ký, mà là các khoản “thu nợ lãi, thu nợ gốc” do Techcombank tự trích chuyển.

Điều này vi phạm nghiêm trọng các quy định của ngân hàng nhà nước và các quy định của Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia Việt Nam. Bà Cúc cũng cho biết, Ngân hàng Techcombank đã tính lãi vô tội vạ, nhập lãi vào gốc, tính lãi quá hạn cao hơn quy định của pháp luật, nhập tiền phạt vào gốc và tính lãi chồng lãi sai nguyên tắc của tổ chức tín dụng rất nhiều. 

Tại hai phiên toà xét xử bà Cúc liên tục yêu cầu làm rõ những sai phạm này của ngân hàng khiến Dệt Long An phải mất oan hơn 100 tỷ đồng, nhưng không được hội đồng xét xử toà án nhân dân huyện Thủ Thừa và toà án tỉnh Long An xem xét giải quyết. 

Hai bản án, bốn đính chính

Sau gần một năm kể từ khi tuyên án bản án sơ thẩm số 04/2013/KDTM-ST ngày 16/5/2013 và khi bản án phúc thẩm số 25/2013/KDTM-PT ngày 30/10/2013 về tranh chấp hợp đồng tín dụng với ngân hàng Techcombank đã có hiệu lực thì Toà án Nhân dân huyện Thủ Thừa ra Thông báo số 13/TB-TA ngày 25/4/2014 về đính chính, bổ sung bản án số 04/2013/KDTM-ST, Toà án Nhân dân tỉnh Long An cũng ra Thông báo số 34/TB-TA về  sửa chữa, bổ sung bản án số 25/2013/KDTM-PT. Theo công văn số 247/BC-HĐND của Hội đồng dân dân tỉnh Long An ngày 11/7/2014, cả hai thông báo nêu trên đã đưa hai khối tài sản là toàn bộ xưởng dệt và trụ sở của Dệt Long An theo giấy chứng nhận sở hữu công trình số HSG 110 do UBND tỉnh Long An cấp ngày 7/11/2008 cùng với quyền sở hữu nhà số 20/4 đường Kỳ Đông P.9 Q.3 TPHCM vào hai bản án đã xét xử.

Trong khi đó, trong nội dung hai bản án sơ và phúc thẩm, biên bản hoà giải, tờ trình kháng cáo của Toà ánh Nhân dân huyện Thủ Thừa không đề cập đến hai nội dung xưởng và quyền sở hữu nhà  nhà 20/4 Kỳ Đồng. Việc ban hành 4 thông báo số 01/TB-TA ngày 10/6/2013, Thông báo số 13/TB-TA ngày 25/4/2014 của Toà án nhân dân huyện Thủ Thừa chỉnh sửa, bổ sung bản án sơ thẩm số 04/2013/KDTM-ST; thông báo số 05/TB-TA ngày 2/12/2013, Thông báo số 34/TB-TA ngày 26/4/2014 của Toà án Nhân dân tỉnh Long An chỉnh sửa, bổ sung bản án phúc thẩm số 25/2013/KDTM-PT đã không gửi cho các bên đương sự, Viện kiểm sát, đồng thời chưa phối hợp với thành viên hội đồng xét xử khi ban hành là vi phạm nghiêm trọng Điều 240 Bộ luật tố tụng dân sự.

Kết luận số 247/BC-HĐND ngày 11/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An nêu rõ “việc toà án hai cấp đưa hai khối tài sản không được xem xét trong nội dung bản án sơ và phúc thẩm để sửa chữa, bổ sung vào bản án là trái quy định; tước đi quyền tự bảo vệ, và lợi ích hợp pháp của đương sự, quyền tranh luận tại phiên toà, quyền kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của toà án,.. được quy định tại điều 58, 59 Bộ luật tố tụng dân sự.

Ngày 15/4/2016, Chánh án Toà án Nhân dân cấp cao tại TPHCM đã có công văn số 495/QĐRHS-DS-GĐKT3 yêu cầu Toà án Nhân dân tỉnh Long An chuyển hồ sơ vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Techcombank với Dệt Long An do Toà án nhân dân tỉnh Long An giải quyết tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 25/2013/KDTM-PT ngày 30/10/2013 trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận công văn nêu trên.

Điều đáng nói là Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đã ra văn bản và đưa khái niệm chưa có trong luật thi hành án là “cưỡng chế thẩm định giá” để buộc bà Cúc phải chấp hành. Trong khi bà Cúc đang khiếu nại, có đơn đề nghị giám đốc thẩm bản án có nhiều nội dung và hình thức chưa đúng pháp luật thì Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An lại có công văn số 197/CTHA-NV ngày 30/5/2016 kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thủ Thừa tỉnh Long An khởi tố vụ án hình sự tội không chấp hành án đối với bà Nguyễn Thị Cúc-Giám đốc Công ty CP Dệt Long An.

Theo Trần Thanh - Kinh doanh & Pháp luật