Hành trình truy bắt Trịnh Xuân Thanh diễn ra thế nào?

Tính từ ngày Trịnh Xuân Thanh gửi đơn đến Tỉnh ủy Hậu Giang xin nghỉ phép từ 25-29/7/2016 để đi nước ngoài trị bệnh đến ngày ra đầu thú là tròn 1 năm và sau đó Bộ Công an đã phải tiến hành ra lệnh truy nã quốc tế.

Đầu tháng 6/2016, dư luận cả nước xôn xao về việc ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang- Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe cá nhân Lexus gắn biển xanh.

Hành trình truy bắt Trịnh Xuân Thanh diễn ra thế nào?

 Ông Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe Lexus gắn biển xanh sai quy định.

Khi ấy, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang giải thích do địa phương thiếu xe nên ông Thanh mượn chiếc xe hơn 5 tỷ này đưa vào Hậu Giang để tiện công tác. Phòng Cảnh sát giao thông (PC67) Công an Hậu Giang cấp biển số xanh 95A-0699 cho xe tư nhân nhằm phục vụ việc đi lại của ông Thanh.

Sau khi báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và xác định Trịnh Xuân Thanh thời điểm đó không thuộc diện được xe biển xanh đưa đón. Lúc này, Tỉnh ủy Hậu Giang mới thừa nhận việc cấp biển xanh cho xe Lexus LX570 là sai.

Từ sự vụ đó, ngày 9/6/2016, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao 9 cơ quan kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung bài báo liên quan đến Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.

Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Trọng giao Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TƯ chỉ đạo các đơn vị điều tra việc để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013) ở PVC.

Ngày 16/6/2016, tại phiên họp HĐND tỉnh Hậu Giang, Trịnh Xuân Thanh không xuất hiện trong danh sách giới thiệu đại biểu ứng cử chức danh Phó Chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ mới. Trước đó, Trịnh Xuân Thanh đã viết đơn gửi Tỉnh ủy và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021 xin không tái cử vào chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Ngày 11/7/2016, UB Kiểm tra TƯ ra thông báo kết luận: “Trong thời gian từ năm 2007-2013, Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011- 2013)”.

Ngày 15/7/2016, Hội đồng Bầu cử quốc gia không công nhận tư cách ĐBQH của ông Trịnh Xuân Thanh.

Sự việc ngày càng mở rộng khi từ 25-29/7/2016, Trịnh Xuân Thanh gửi đơn đến Tỉnh ủy Hậu Giang xin nghỉ phép lần 1 để đi nước ngoài trị bệnh.

Ngày 19/8/2016, Trịnh Xuân Thanh gửi đơn lần 2 xin nghỉ một tháng (3/8-2/9) để đi nước ngoài trị bệnh và không rõ tung tích từ đó.

Hành trình truy bắt Trịnh Xuân Thanh diễn ra thế nào?

 Trịnh Xuân Thanh bị truy nã quốc tế.

Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh. Trịnh Xuân Thanh đã trốn thoát với lệnh truy nã quốc tế.

Tháng 4/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại PVC; truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án.

Ngay sau đó, tháng 5/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định hủy bỏ Quyết định khen thưởng huân chương Lao động hạng ba đối với Trịnh Xuân Thanh.

Liên quan tới vụ việc này, thời gian gần 1 năm qua, các cơ quan điều tra đã khởi tố 4 bị can:

  • 1. Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC;
  • 2. Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc;
  • 3. Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc;
  • 4. Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC - về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ Luật Hình sự.

Đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với 04 bị can nêu trên.

Ngày 15/2/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố thêm 5 bị can, bắt tạm giam 4 người, đều là cán bộ, nguyên cán bộ của Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) hoặc có liên quan.

Không chỉ riêng PVC, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng đầy sóng gió. Cuối tháng 4/2017, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo nội dung kỳ họp thứ 14 về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy PVN và một số cá nhân có liên quan.

Kết luận này nêu rõ các cá nhân bị xem xét trách nhiệm của PVN gồm: ông Đinh La Thăng; ông Phùng Đình Thực; ông Đỗ Văn Hậu; ông Nguyễn Xuân Sơn; ông Nguyễn Quốc Khánh.

Ngày 7/5/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII.

Ngày 10/5/2017, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP nhiệm kỳ 2015-2020 thôi giữ chức Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020. Sau đó ông giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Chiều 31/7/2017, Bộ Công an đã thông báo Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú.

Theo vtc

---

* Xem thêm:

Người nhà Trịnh Xuân Thanh nói gì về thông tin ông Thanh ra đầu thú?

+ Video: Trịnh Xuân Thanh bất ngờ "ra đầu thú"

Nguồn: ANTV Youtube

+ Video: Trịnh Xuân Thanh ra "đầu thú" hay bị bắt cóc về nước?