Hiểm họa chết người từ đặc sản ốc sên ít người biết



Ăn ốc sên tái, cho ốc sên bò lên mặt để trị nám, tàn nhang đang đe dọa tính mạng người dùng, thậm chí còn rước cả ổ giun lươn trên mặt.

‘Lên đời’ ốc sên thành đặc sản

Ốc sên (ốc ma) thường sống ở những vùng đất ẩm ướt, thường ẩn nấp ở phía sau những tán lá, cành cây. Món ăn ưa thích của chúng gần như tất cả các loại lá cây màu xanh hay củ, quả.

Trước đây, nhiều người nông dân khi dọn vườn thường nhặt loại ốc này về cho gia súc, gia cầm ăn thay cám. Tuy nhiên, thời gian gần đây, loại ốc này được nhiều người “săn lùng’ ráo riết. Thậm chí còn xuất hiện nhiều cơ sở gây nuôi loại ốc này để xuất ra thị trường.

Hiểm họa chết người từ đặc sản ốc sên ít người biết
Ốc sên được biến tấu thành món ăn đặc sản.

Tại một địa chỉ bán hàng online, loại ốc sên giống có giá 5.000 đồng/kg, ốc thương phẩm 200.000 đồng/kg, trứng ốc sên 500 đồng/1 trứng. Nhiều quán ăn mua về chế biến thành những món đặc sản ốc nướng trui, ốc  sên cháy tỏi, hoặc ốc tái chanh hút khách ầm ầm.

Không chỉ hút khách trong nước, loại ốc sên thương phẩm còn được xuất sang các nước lớn như Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ý,…

Tuy nhiên, mới đây Khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) đã tiếp nhận một cháu bé 15 tháng tuổi và một cháu bé 7 tuổi bị viêm màng não do ký sinh trùng ở trong con ốc sên. May mắn, cả hai cháu bé chưa hôn mê, các bác sĩ đang điều trị tích cực cho các bệnh nhân nhi.

Cũng phải nhập viện sau khi ăn ốc sên nhưng Lưu Thanh Điền, 20 tuổi, sinh viên đại học ngụ tỉnh Tiền Giang đã bị hôn mê và mất tri giác hàng tháng trời do ăn ốc sên có vi trùng hại não.

Trung bình mỗi năm Khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) tiếp nhận vài chục ca bệnh nhi bị viêm màng nào do ký sinh trùng từ ốc, các loại hải sản cùng họ với ốc ăn tái và bị nhiễm ký sinh trùng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, ốc sên không hề tác dụng chữa bệnh, thậm chí nếu chế biến không kỹ, ký sinh trùng trong ốc dễ gây viêm màng não hoặc các chứng khác nguy hiểm đến tính mạng.

Ký sinh trùng ở ốc (ốc sên, ốc bươu vàng), hải sản hay thịt bò,… khi vào cơ thể sẽ đi khắp nơi trong cơ thể. Sán, ký sinh trùng trú ngụ, làm tổ tại chỗ nào của cơ thể thì gây bệnh chỗ đó. Chúng có thể di chuyển ra da, gan cơ, mắt... Tại não, sán có thể gây tình trạng phù não, co giật và nguy hiểm hơn là gây viêm màng não. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, có thể gặp nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Rước cả ổ giun lươn vì cho ốc sên bò trên mặt

Ngoài đặc sản ốc sên, nhiều chị em đang rỉ tai nhau  cách làm đẹp mới đem lại hiệu quả cao, có thể thực hiện ngay tại nhà bằng cách đập nhỏ ốc sên lấy dịch nhờn của nó bôi lên mặt hoặc có thể dùng ốc sên đang sống cho bò trực tiếp lên mặt và cơ thể.

Hiểm họa chết người từ đặc sản ốc sên ít người biết

Rước cả ổ giun lươn vì làm đẹp bằng ốc sên.

Theo các chị em, chất dịch này còn có khả năng tẩy tế bào chết và tác nhân gây bệnh, giúp da nhanh liền sẹo, nuôi dưỡng, cải thiện tính đàn hồi, giảm nguy cơ nhiễm trùng, ngăn ngừa lão hóa, nếp nhăn và nuôi dưỡng độ tươi trẻ săn chắc…

Hiện nay, một số cơ sở thẩm mỹ cũng sử dụng phương pháp làm đẹp này, thời gian kéo dài trong một tiếng với chi phí 150 USD (khoảng 3,5 triệu đồng). Tuy nhiên, không ít người tỏ vẻ hoang mang.

Một bệnh nhân ở Lào Cai đã bị sán tấn công vì để ốc sên bò trực tiếp trên mặt. Theo nữ bệnh nhân, được bạn bè giới thiệu về cách trị nám, tàn nhang bằng ốc sên nên làm thử. Tuy nhiên, sau vài lần đắp ốc sên chị thấy da mặt bị ngứa và sưng một số chỗ nên xuống Bệnh viện Da liễu trung ương khám.

Bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị ký sinh trùng giun lươn bì dưới da. Ký sinh trùng này có thể từ phân chó, phân mèo và con ốc sên bò qua nhiễm ký sinh trùng này. Khi đắp lên mặt người có vết thương hở, ký sinh trùng sẽ chui được vào.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lãnh (Bệnh viện da liễu Trung ương), biện pháp trị mụn, nám và làm đẹp bằng cách dùng dịch nhầy của ốc sên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Ốc sên là loại động vật thân mềm có rất nhiều ấu trùng sống kí sinh. Khi đắp ốc sên lên da, dịch nhầy ốc sên nơi trú ngụ của nhiều loại ấu trùng sẽ tấn công vào da, mắt, miệng và các niêm mạc.

Khi bị ấu trùng tấn công, nếu không thăm khám kịp thời sẽ để lại di chứng nghiêm trọng cho não bộ. Vì các ấu trùng này có thể chu du vào não người và các bộ phận khác của cơ thể thông qua máu.

Theo PNN