Hộ khẩu kìm hãm phát triển

Các quy định về sổ hộ khẩu đang bị lạm dụng, tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng xã hội. Đã đến lúc xóa bỏ quản lý bằng hộ khẩu sang hình thức khác hiện đại hơn

Tại cuộc họp báo ngày 17-10 liên quan đến 2 Nghị quyết của trung ương về y tế, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), đề nghị bãi bỏ các quy định về hộ khẩu. Đề nghị này nhận được sự đồng tình của người dân.

Bất bình đẳng

Anh Lê Hữu Phú (tạm trú quận Bình Tân, TP HCM) cho biết anh cũng như nhiều người dân nhập cư ở quận gặp rất nhiều khó khăn chỉ vì chưa có hộ khẩu TP HCM.

Đầu năm học vừa qua, vì muốn cho con học ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú cho gần nhà, anh phải xin nhập hộ khẩu vào nhà một người quen ở phường này.

"Dù là con mình, sống tại nhà mình nhưng giấy tờ lại đứng trên danh nghĩa người khác. Quy định hộ khẩu ở đâu học trường ở đó gây rất nhiều phiền hà cho người dân" - anh Phú nói.

Còn anh Nguyễn Trần Tiến (tạm trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ:

"Tôi ở Nghệ An ra Hà Nội làm việc rồi lập gia đình. Do chưa chuyển hộ khẩu về đây nên việc học hành của con cái rất khó khăn. Giờ đăng ký thủ tục gì cũng yêu cầu phải có hộ khẩu ở Hà Nội".

Hộ khẩu kìm hãm phát triển

Người dân làm thủ tục cấp CMND tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Câu chuyện về hộ khẩu của anh Phú, anh Tiến đang diễn ra thường ngày, gây khốn khó trăm bề cho người dân.

Nhưng không chỉ là chuyện đăng ký nhập học cho con, từ việc đăng ký mua xe máy, đến làm giấy CMND, làm thủ tục khai sinh… đều phải cậy đến sổ hộ khẩu.

Thậm chí trong tuyển dụng, nhất là tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, sổ hộ khẩu trở thành điều kiện tiên quyết.

Nhiều người dân phàn nàn về việc nhiều thủ tục hành chính hiện nay yêu cầu phải có hộ khẩu, mỗi lần như vậy người dân phải về quê để lấy sổ đi công chứng, tốn rất nhiều thời gian.

Nhiều chuyên gia cho rằng về bản chất, sổ hộ khẩu là giấy tờ xác nhận nơi cư trú của công dân được cấp cho hộ gia đình, nhưng nó đang bị lạm dụng.

TS Nguyễn Ngọc Kỷ, nguyên cán bộ Tổng cục Hậu cần kỹ thuật (Bộ Công an), nhấn mạnh những quy định như "phải có hộ khẩu thành phố" tạo ra các chính sách thiếu công bằng, sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng xã hội.

Thực tế là hiện nay, hộ khẩu đi kèm với quyền được hưởng các dịch vụ công như y tế, giáo dục... ở các thành phố lớn. Điều này tạo ra sự phân biệt giữa người có hộ khẩu và người không có hộ khẩu.

"Người dân sẽ không được hưởng bảo hiểm đầy đủ 100% nếu là trái tuyến, con cái cũng sẽ không được học các trường công lập nếu như không có hộ khẩu đúng tuyến. Đa phần người nhập cư lao động sẽ thiệt thòi và gặp khó khăn" - ông Kỷ nêu thực trạng.

Quá lạc hậu

Mặc dù những cản trở do không có hộ khẩu đã thấy rõ nhưng để thực hiện thủ tục nhập khẩu cũng không hề đơn giản.

Vướng mắc được nhắc đến nhiều nhất là việc khoản 1 điều 20 Luật Cư trú quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương là phải có các điều kiện như nơi ở hợp pháp, thời gian tạm trú liên tục trên 1 năm, đủ diện tích sàn bình quân.

Cũng vì lý do này mà theo ông Tân, cho đến thời điểm này, chỉ còn Việt Nam và một vài nước đang thực hiện quy định về hộ khẩu.

So với nhiều nước, tỉ lệ cư dân sinh sống ở thành thị của Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều, chỉ 34%, nên việc quản lý theo hộ khẩu cần phải xóa bỏ.

"Trong dự thảo nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 có nội dung cho phép người di cư, kể cả di cư đến khu vực đô thị bình đẳng với người sở tại trong tiếp cận các dịch vụ công dù có hộ khẩu hay không" - ông Tân nêu rõ.

Theo quan điểm của TS Nguyễn Ngọc Kỷ, việc "bỏ sổ hộ khẩu" để thay thế việc quản lý nhân khẩu bằng một hình thức khác hiện đại hơn, đỡ phiền hà cho người dân hơn cần được áp dụng. Đó có thể là "CMND hoặc thẻ căn cước thông minh", tích hợp đầy đủ thông tin về một công dân (tên tuổi, quê quán, nhân thân, ảnh…).

Ông Kỷ cho rằng muốn thực hiện được việc này, ngành công an cần phải sớm xây dựng được cơ sở dữ liệu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và cơ quan quản lý.

Bàn về vấn đề này, lãnh đạo UBND quận Bình Tân (TP HCM) cho biết dân số địa phương lên đến gần 800.000 người, việc quản lý bằng sổ hộ khẩu gặp nhiều khó khăn vì phần lớn là dân nhập cư.

Vì vậy, việc bỏ quy định về sổ hộ khẩu là cần thiết. "Quản lý bằng thẻ từ thông qua căn cước công dân để dễ kiểm soát hơn.

Chứ bây giờ dân số nhiều mà vẫn còn áp dụng sổ hộ khẩu thì lạc hậu quá" - vị lãnh đạo UBND quận Bình Tân đề xuất.

Trong khi đó, một phó phòng thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP HCM thông tin hiện nay hạ tầng quản lý công nghệ số về hộ khẩu đang được đầu tư và hoàn thiện từng bước một.

Hướng sắp tới, khi thẻ căn cước công dân được phổ biến, chắc chắn sẽ bãi bỏ sổ hộ khẩu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, vào năm 2016, cả nước có 5,6 triệu người tại các địa bàn khảo sát không có hộ khẩu thường trú ở nơi họ cư trú.

Trong số này, TP HCM chiếm 36%, Hà Nội 18%. Việc không có hộ khẩu khiến cơ hội được tiếp cận các dịch vụ công của người dân bị hạn chế rất nhiều.

Ông DIỆP VĂN SƠN, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan Đại diện phía Nam Bộ Nội vụ:

Phải thay đổi tư duy về hộ khẩu

Điều 23, 35 Hiến pháp 2013 quy định: "Công dân có quyền tự do cư trú và công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp,việc làm và nơi làm việc".

Như vậy các quyền này đã được hiến định.

Thực ra, hộ khẩu chỉ là một loại giấy tờ chứng nhận thực trạng người dân đang cư trú để cơ quan chức năng quản lý.

Xét từ mục đích quản lý của cơ quan chức năng, việc không cho người dân thực tế sinh sống ổn định trên địa bàn đăng ký hộ khẩu đã đi ngược lại mục đích quản lý.

Đây là một việc làm, cách hành xử chứa đựng đầy mâu thuẫn.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa kèm theo đô thị hóa luôn xuất hiện hiện tượng di dân tự do từ nông thôn ra thành thị, đây là một quy luật.

Thật là ngây thơ và ấu trĩ khi suy nghĩ dùng biện pháp hành chính như hộ khẩu để ngăn cản quy luật này.

Và ngay cả dùng hộ khẩu để ngăn cản đối với loại lao động kiểu công chức, viên chức để không tạo cơ hội tuyển họ vào các cơ quan công quyền thì sẽ thiệt thòi cho họ, cho thành phố và cũng vi hiến!

Đã đến lúc phải thay đổi tư duy về hộ khẩu. Lối suy nghĩ cái gì không quản được thì cấm, "địa phương chủ nghĩa" đã không còn hợp thời.

Nếu cơ quan nhà nước muốn quản lý được người dân của mình, biết họ đang sinh sống ở đâu, làm gì... thì phải thay đổi quan niệm và phương thức đăng ký hộ khẩu.

Theo đó, nên sử dụng "thẻ cư trú cá nhân" dạng thẻ từ, có đầy đủ các chi tiết cần thiết về nhân thân của người dân.

Thẻ này dùng để đăng ký chỗ đang cư trú thường xuyên, tạm trú, tạm vắng, thay cả cho CMND, nối mạng toàn quốc...

Muốn quản lý một xã hội để nó phát triển hài hòa, phát triển theo hướng công bằng, dân chủ và văn minh, trước tiên và tiên quyết phải tạo sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý và đối tượng chịu sự quản lý.

Vấn đề hộ khẩu xử lý như thế nào để tạo sự đồng thuận trong xã hội hiện nay là một thách thức không nhỏ cho chính quyền các đô thị.

Điều quan trọng là không thể tránh né trì hoãn mà phải đối mặt với thách thức.

Thạc sĩ BÙI VIỆT THÀNH, Trường ĐH KHXH&NV TP HCM:

Quản lý bằng mã số

Hiện nay, trên thế giới quản lý công dân bằng mã số được cấp từ khi sinh ra, bao gồm thông tin cá nhân, mã an sinh xã hội, tài khoản ngân hàng.

Việt Nam cũng nên áp dụng cách này, chứ kiểu quản lý bằng sổ hộ khẩu như ở Việt Nam đã quá lạc hậu.

Xã hội phát triển thì tất cả giá trị công dân cống hiến sẽ được tưởng thưởng xứng đáng để họ có động lực phát triển bản thân chứ không phải vì hộ khẩu.

Bản thân chính quyền cũng có thể tuyển dụng người giỏi phục vụ cho các mục đích của mình chứ không thì chính hộ khẩu là công cụ kìm hãm sự phát triển.

Chúng ta xây dựng một chính quyền phục vụ thúc đẩy các cá nhân trong xã hội phát triển hơn chứ không phải vì quyển hộ khẩu thường trú mà kìm hãm.

Theo tôi, bỏ hộ khẩu thường trú sẽ giúp thu hút nhân lực chất lượng cho thành phố, tránh các lãng phí liên quan trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay.

B.TẬP ghi

Minh Chiến - Ngọc Dung - Lê Phong

Theo nld