Kết quả kiểm nghiệm C2, Rồng đỏ 'vênh nhau': Do URC tự lấy mẫu kiểm nghiệm

Theo Quatest 1, Quatest 3, các mẫu C2, Rồng Đỏ gửi tới thử nghiệm đều do Công ty URC tự mang đến các Trung tâm này đề nghị thử nghiệm.

Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao trước thông tin 5 lô sản phẩm nước tăng lực Rồng đỏ và trà xanh C2 thuộc Công ty TNHH URC Việt Nam nhiễm độc chì nặng và đã bị Bộ Y tế yêu cầu tạm dừng lưu hành.

Trước đó, Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết: Theo quy định của Bộ Y tế, định kỳ 6 tháng nhà sản xuất phải gửi mẫu sản phẩm để kiểm tra tiêu chuẩn. Định kỳ URC đã gửi mẫu (trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ) đến Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia (tên viết tắt NIFC) để kiểm tra và kết quả cho thấy hàm lượng chì vượt mức cho phép nhiều lần.

Trong khi đó, URC nhấn mạnh: Khi kiểm tra đối chiếu tại 5 trung tâm: Quatest 1, Quatest 3 (thuộc Tổng Cục Đo Lường Chất Lượng Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ), Eurofin, SGS, ASE thì tất cả các kết quả đều không phát hiện hàm lượng chì.

Điều này, khiến bà Nguyễn Thiên Hương, đại diện truyền thông của URC đã đặt câu hỏi: Tại sao có sự vênh nhau rất lớn về kết quả kiểm nghiệm từ 2 đơn vị thuộc 2 bộ khác nhau (cụ thể ở đây là NIFC thuộc Bộ Y tế và Quatest 1, Quatest 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học & Công nghệ – pv).

 

Kết quả kiểm nghiệm C2, Rồng đỏ ‘vênh nhau’: Do URC tự lấy mẫu kiểm nghiệm

Kết quả kiểm nghiệm của NIFC và Quatest 3 có sự "vênh" nhau do nhiều nguyên nhân

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ): Theo báo cáo của Quatest 1, Quatest 3 thì các mẫu nước trà xanh C2 và tăng lực Rồng Đỏ gửi tới thử nghiệm đều do Công ty URC tự lấy mẫu và mang đến các Trung tâm này đề nghị thử nghiệm.

Phần lớn các mẫu này được sản xuất tại URC ở VSIP Bình Dương (theo thông tin về mẫu do khách hàng nêu khi gửi mẫu), một số mẫu nước giải khát (Trà xanh C2 hương chanh, hương táo, hương dâu; nước tăng lực hiệu Rồng đỏ) được sản xuất tại URC ở Thạch Thất, Hà Nội và 01 mẫu trà xanh sản xuất tại URC ở VSIP Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh: “Trong trường hợp này, do các mẫu gửi thử nghiệm được khách hàng tự lấy mẫu và yêu cầu thử nghiệm phục vụ mục đích riêng của doanh nghiệp và không phải mẫu do các Trung tâm chủ động lấy mẫu để thực hiện các hoạt động kiểm tra, xác nhận do đó kết quả thử nghiệm chỉ có giá trị cho mẫu đó và đồng thời không thể khẳng định các mẫu mang đến các đơn vị để thử nghiệm là đồng nhất”.

Phân tích thêm về việc: “vì sao kết quả thử nghiệm của Quatest 1, Quatest 3 lại khác với kết quả kiểm nghiệm của Viện An toàn thực phẩm Quốc gia và Viện Dinh dưỡng Quốc gia - 2 đơn vị của Bộ Y tế dù các sản phẩm C2 và Rồng Đỏ cùng lấy từ 1 lô”, ông Hải lưu ý: Kết quả thử nghiệm của các tổ chức thử nghiệm sẽ khác nhau nếu như mẫu thử nghiệm không đồng nhất do một số nguyên nhân như lấy mẫu, trộn mẫu, chia mẫu không đồng nhất hoặc lưu mẫu không đảm bảo để thay đổi chất lượng.

Các yếu tố khác như phương pháp thử nghiệm khác nhau, độ không đảm bảo đo của phép đo hoặc sai số của các loại thiết bị thử nghiệm hoặc do sự khác nhau trong thao tác, kinh nghiệm của thử nghiệm viên cũng sẽ tác động đến sự khác biệt trong kết quả thử nghiệm.

Về nguyên tắc, các phòng thí nghiệm chịu trách nhiệm về độ tin cậy và xác thực của kết quả thử nghiệm của mình căn cứ theo quy trình xử lý mẫu, quy trình thực hiện chuẩn bị mẫu, phân tích mẫu, kỹ thuật phân tích áp dụng, sự phù hợp và độ tin cậy của thiết bị sử dụng so với hàm lượng cần phân tích và yêu cầu, điều kiện phân tích được quy định tại tiêu chuẩn hay quy trình phân tích áp dụng cho loại mẫu đó.

Ngoài ra, để làm rõ hơn về vấn đề khác biệt cần phải lưu ý về sự khác biệt nhất định giữa kết quả thử nghiệm trên cùng một mẫu trong cùng một điều kiện với cùng người phân tích và thiết bị phân tích còn có sai lệch nhất định (độ lặp lại) ở mức cho phép được quy định theo tiêu chuẩn phương pháp thử tương ứng. 

Kết quả kiểm nghiệm C2, Rồng đỏ ‘vênh nhau’: Do URC tự lấy mẫu kiểm nghiệm

Kết quả kiểm nghiệm C2, Rồng đỏ ‘vênh nhau’: Do URC tự lấy mẫu kiểm nghiệm

Ông Nguyễn Nam Hải cũng khẳng định: Khả năng phát hiện Chì (Pb) của phương pháp phân tích áp dụng tại Quatest 1 với kỹ thuật GF-ASS là 0,03 mg/L và tại Quatest 3 với kỹ thuật ICP-OES là từ 0,015 đến 0,018 mg/L, đáp ứng yêu cầu phát hiện ra thành phần kim loại nhỏ hơn rất nhiều so với mức quy định 0,05 mg/L tại QCVN 6-2:2010/BYT.

Với các trang thiết bị và công nghệ hiện đại, các phòng thử nghiệm của Quatest 1 và Quatest 3 có đủ khả năng thử nghiệm đối với sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn Việt Nam và quy định hiện hành của Nhà nước.

Các phòng thử nghiệm của hai Trung tâm này cũng luôn được duy trì hệ thống bảo đảm và kiểm soát chất lượng thí nghiệm được công nhận theo chuẩn mực quốc tế ISO/IEC 17025. Năng lực phân tích hàm lượng chì của hai Trung tâm đối với các loại mẫu thực phẩm và nước giải khát đã được liên tục duy trì và khẳng định khi tham gia thường xuyên các chương trình trắc nghiệm kỹ năng quốc tế hay so sánh liên phòng với rất nhiều phòng thử nghiệm tại khu vực và trên thế giới với kết quả tốt.

Cũng theo ông Hải, khi có tranh chấp về kết quả thử nghiệm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chiếu theo Điều 47 Luật An toàn thực phẩm quy định về kiểm nghiệm phục vụ giải quyết tranh chấp về an toàn thực phẩm thì Bộ Y tế sẽ chỉ định cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng có đủ năng lực với phạm vi phù hợp để thực hiện kiểm nghiệm thực phẩm về nội dung tranh chấp.

Tuy nhiên, ông Hải cũng nhấn mạnh: “Khi thực hiện việc thử nghiệm lại, cần lưu ý các vấn đề liên quan đến mẫu thử nghiệm phải đảm bảo đồng nhất với mẫu đang tranh chấp với cùng phương pháp thử nghiệm đã được thực hiện tại phòng thử nghiệm trước nhưng chưa được doanh nghiệp chấp nhận. Kết quả thử nghiệm kiểm chứng cần được xem xét và đánh giá bằng Hội đồng có chuyên môn và năng lực phù hợp để thẩm định kết quả và đưa ra kết luận cuối cùng”.

Ngày 20/5/2015, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định tạm dừng lưu thông và thu hồi 3 lô hàng của URC gồm:

Lô Trà xanh hương chanh C2, NSX 04/02/2016 - HSD 04/02/2017. Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là: 0,085 mg/L; Mức công bố là: Nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/L.

Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, NSX 19/02/2016 - HSD 19/11/2016 có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là: 0,053 mg/L; Nhà sản xuất công bố hàm lượng chì nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/L.

Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, NSX 10/11/2015 - HSD 10/08/2016; Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là 0,068 mg/L; Nhà sản xuất công bố nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l.

Ngày 23/5/2016, Công ty URC tiếp tục đã ra thông báo tạm dừng lưu hành thêm 02 lô sản phẩm bao gồm: Trà xanh hương chanh C2: Ngày sản xuất: 11/01/2016; Hạn sử dụng: 11/01/2017 và Nước tăng lực hương dâu hiệu rồng đỏ: Ngày sản xuất: 14/01/2016; Hạn sử dụng: 14/10/2016 với lý do 2 lô này có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.

Theo Vietq