Khu du lịch Quỷ Núi ở Đà Lạt bị chê ghê rợn, ảnh hưởng mảng xanh

Chủ đầu tư nơi này cho Zing biết hình ảnh phản cảm lan truyền trên mạng là trong quá trình thi công, hiện không còn tồn tại trong khu du lịch.

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng và nhiều diễn đàn du lịch liên tục chia sẻ loạt hình ảnh chụp tại khu du lịch Quỷ Núi vừa khai trương tại khu vực Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt 20 phút di chuyển.

khu-du-lich-quy-nui-o-da-lat-bi-che-ghe-ron-anh-huong-mang-xanh

Khu du lịch Quỷ Núi khiến nhiều người tranh cãi ngay khi vừa khai trương hôm 6/7.

Bên cạnh những lời khen ý tưởng mới lạ và tỏ ra thích thú, một bộ phận dân mạng lại đánh giá các bức tượng bê tông không ăn nhập với nét văn hóa và vẻ đẹp tự nhiên vốn có của "thành phố mộng mơ".

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng các bức tượng quỷ nằm xen giữa cây cối, suối nước có hình thù quái đản, ghê rợn.

Nhiều người cũng cho rằng công trình này đã "phá nát Đà Lạt" bởi không ít rừng thông, khoảng xanh của thành phố bị hủy hoại trong quá trình thành phố liên tục xây dựng, mở rộng du lịch.

Nhà đầu tư nói gì?

Trao đổi với Zing sáng 11/7, đại diện Tập đoàn Liên Minh - chủ đầu tư khu du lịch Quỷ Núi - dẫn lời Chủ tịch HĐQT Ngô Quang Phúc cho biết: "Những tấm hình phản cảm lan truyền trên mạng là ảnh thô cũ trong quá trình thi công, đã được chủ đầu tư điều chỉnh trước đó. Hiện nay, chúng đã không còn tồn tại trong khu du lịch".

Ông Phúc khẳng định hiện nay tại khu du lịch Quỷ Núi không có bất kỳ tác phẩm nào gây phản cảm và mong mọi người đến trải nghiệm thực tế rồi mới phán xét.

Trước đó, khu du lịch Quỷ Núi được chủ đầu tư quảng bá là một trong những công trình quái trúc lớn nhất Việt Nam, với hơn 19.000 đơn vị cây xanh, tỷ lệ phủ xanh chiếm 90% diện tích toàn khu và là nơi bảo tồn hơn 116 loài thuỷ sinh nước ngọt...

Trao đổi với Zing, ông K’Síu - Chủ tịch UBND xã Lát - cho biết khu du lịch Quỷ Núi trước kia là khu sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng thành khu du lịch. Vị lãnh đạo khẳng định không có việc chủ đầu tư phải chặt phá rừng trong quá trình xây dựng.

“Trong thời gian tới, đây có thể trở thành khu du lịch tiềm năng thu hút du khách, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, bà con dân tộc thiểu số”, ông K’Síu đánh giá.

Về việc những linh vật, tượng đá tại khu du lịch bị cho là lai căng, ghê rợn, vị chủ tịch xã nói thêm: “Chúng chỉ tái hiện tại những nét văn hoá thời xa xưa của các đồng bào dân tộc ít người, dành cho những du khách yêu thích mạo hiểm, cảm giác mạnh”.

Theo ông, mọi người nên tới khu du lịch này để trực tiếp trải nghiệm và đưa ra nhận định khách quan.

Vụ việc vẫn đang gây tranh cãi trên mạng xã hội và trong các diễn đàn du lịch.

Theo Zing