Khuyến mãi ảo tung hoành cuối năm, người mua sắm cần tỉnh táo

Cuối năm là dịp các doanh nghiệp tung ra hàng loạt 'chiêu' khuyến mãi. Để không rơi vào tình trạng mua hàng khuyến mãi ảo người tiêu dùng cần tỉnh táo.

Khuyến mãi ảo từ siêu thị đến trang online

Theo ghi nhận từ báo Dân trí, bước vào mùa mua sắm cuối năm, đi trên đường chúng ta có thể thấy hàng loạt biển giảm giá 25% - 50% thậm chí lên đến 70%. Mở điện thoại lại thấy vô số khuyến mại khủng. Tuy nhiên giảm giá nhiều mà người tiêu dùng chưa chắc đã được lợi ích thật sự.

Khuyến mãi ảo ‘tung hoành’ cuối năm, người mua sắm cần tỉnh táo

 Cuối năm là dịp nhiều trang mạng tung 'chiêu' khuyến mãi ảo thu hút người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Cuối năm vì muốn mua một chiếc tivi để gia đình xem ngày Tết do muốn tham khảo giá ở nhiều địa điểm khác nhau nên chị L quyết định đi một vòng mấy siêu thị điện máy lớn trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, chị L cho biết cũng cùng một hãng tivi 40in nhưng lại có sự chênh lệch giá khác nhau. Có nơi gắn giá niêm yết là 11,9 triệu đồng nhưng có nơi lại chỉ có hơn 8 triệu thậm chí còn được quà tặng mang về. Do sợ khuyến mãi ảo chị L không dám mua.

Tương tự chị L, chị H (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tìm mua chiếc máy ảnh du lịch. Tham khảo giá tại siêu thị điện máy trên đường Hai Bà Trưng ( Hà Nội), giá bán khuyến mãi là 6,59 triệu đồng, được tặng thêm thẻ nhớ 4G và bao da.

Tuy nhiên, cùng loại máy ảnh chị đang tìm kiếm, tại một cửa hàng chuyên bán máy ảnh trên phố Vọng Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) giá chỉ có 5 triệu đồng với đầy đủ hóa đơn, chế độ bảo hành chính hãng.

Không chỉ có các siêu thị điện máy, cửa hàng thực hiện chương trình giảm giá cuối năm, để tạo ấn tượng về chương trình giảm giá, nhiều trang bán hàng thường tìm mọi cách để tạo ra con số khuyến mại lớn hơn đối thủ. Một trong những cách phổ biến là sử dụng giá gốc của sản phẩm lúc mới ra mắt để làm giá so sánh thay vì dùng giá ở thời điểm hiện tại.

Ví dụ một chiếc Iphone 6s khi mới ra mắt có giá gần 26 triệu đồng, bán với giá 15 triệu tức là đã giảm giá tới 40%. Tuy nhiên giá thị trường lúc này chỉ hơn 16 triệu đồng, mức ưu đãi thực ra chẳng có bao nhiêu. Một số nơi còn sẵn sàng tạo giá thật cao (giá ảo) để lấy được mức giá khuyến mại sốc.

Tỉnh táo trước các con số khuyến mại

Zing News dẫn nguồn thông tin từ một số chuyên gia kinh tế cho biết, phần trăm khuyến mại là cách để nhiều doanh nghiệp tạo ấn tượng và thu hút người mua. Chênh lệch giá thành càng lớn càng giúp chương trình hấp dẫn.

Tuy nhiên, để tạo sự chênh lệch này, một số đơn vị chọn cách so sánh giá đã giảm với giá gốc của sản phẩm ở thời điểm ra mắt, thay vì giá ở thời điểm hiện tại.

Để tránh gặp tình trạng này, người dùng nên tập trung vào giá thị trường thay vì con số phần trăm; đồng thời dành thời gian để kiểm tra lại giá trị thực sự của món hàng. Người mua cũng nên ưu tiên chọn những trang bán hàng uy tín, công bố danh sách sản phẩm khuyến mại trước 1-2 ngày để kiểm tra giá.

Khuyến mãi ảo ‘tung hoành’ cuối năm, người mua sắm cần tỉnh táo

Người tiêu dùng cần tỉnh táo tình trạng khuyến mãi ảo dịp cuối năm. Ảnh minh họa

Bên cạnh việc xem xét uy tín của trang bán hàng, người mua có thể tìm hiểu lời khuyên của người khác thông qua mạng xã hội bằng cách nêu ra tên món hàng, địa chỉ mua hàng để nhận được nhận xét tham khảo về chất lượng, màu sắc thực tế, giá trị đúng của sản phẩm.

Việc mua hàng không kiểm soát qua các chương trình ưu đãi trên Facebook có thể dẫn đến tình trạng “cháy túi”. Để tránh điều này, người dùng cần tham khảo, nắm bắt thông tin khuyến mãi từ trước để có kế hoạch tiêu dùng thông minh.

Một cách nữa là giới hạn cho bản thân khoản tiền dùng để mua sắm trong khoảng thời gian nhất định, để tránh việc sa đà vào mua hàng khuyến mại.

Theo vietq