Lạc trong "ma trận" thương hiệu bếp điện từ Uber



“Nhập khẩu nguyên chiếc”, “Toàn bộ linh kiện Đức”, “Hàng mang xuất xứ Châu Âu”,... là những lời quảng cáo từ nhiều đại lý kinh doanh bếp từ Uber. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu, sự thật về thương hiệu bếp Uber không như lời quảng cáo.

Lạc trong
Cùng một sản phẩm, nhưng giá ở 314 Minh Khai lại chênh với nơi khác nhiều triệu đồng. Ảnh: TG

Loạn nguồn gốc xuất xứ

Là một trong những thương hiệu mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam, Uber đã nhanh chóng có mặt tại hầu hết các showroom lớn chuyên giới thiệu về thiết bị gia dụng, đặc biệt là thiết bị bếp trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong quá trình đi tìm hiểu thực tế ở các đại lý phân phối, chúng tôi thấy mỗi nơi giới thiệu một kiểu, không biết sản phẩm của Uber là từ nước nào.

Theo lời giới thiệu chính thức trên website uber.vn của Công ty TNHH Thương mại Uber Việt Nam, “Tập đoàn Uber có mặt trên khắp thế giới để đáp ứng những nhu cầu khác biệt trong các phân khúc thị trường thiết bị gia dụng, thiết bị bếp khác nhau”.

Nhưng khi gõ cụm từ này để tìm kiếm trên mạng internet thì Uber chỉ là một công ty kinh doanh mạng lưới giao thông vận tải và công ty taxi dựa trên ứng dụng hoạt động tại các thành phố ở nhiều nước trên thế giới, chứ không hề có bất kỳ một thông tin nào về thiết bị gia dụng, hay thiết bị bếp Uber.

Qua một loạt showroom, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh việc kinh doanh những sản phẩm chính hãng, mang nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhiều đại lý bếp điện từ còn kinh doanh cả những loại bếp đọc tên “rất Tây” nhưng lại do người Việt Nam đặt. Đối với sản phẩm bếp Uber (bếp từ, bếp điện tử, bếp điện), chúng tôi ghi nhận tại 4 cửa hàng ở Hà Nội thì chỉ có một cửa hàng của một công ty nội thất là có bếp trưng bày.

Tất cả 3 đại lý còn lại đều bán hàng qua tờ catalog - tờ quảng cáo sản phẩm hoặc qua hình ảnh trên website của hãng. Được biết, các đại lý này đều nhập bếp điện từ Uber từ một công ty độc quyền phân phối, nhận chiết khấu và bán sản phẩm đến khách hàng.

Khi hỏi nguyên nhân không bày bán các sản phẩm của dòng bếp điện từ mang thương hiệu Uber thì các đại lý đều lấy lý do vì không có đủ diện tích trưng bày và kinh doanh đến 40 - 50 loại bếp thì không thể trưng bày hết được.

Điều đáng nói nhất về thương hiệu bếp Uber là mỗi cửa hàng, đại lý, nhà phân phối lại quảng cáo một kiểu khác nhau. Nơi thì ghi thông tin sản phẩm được nhập khẩu nguyên chiếc từ Đức, nơi thì ghi là nhập nguyên chiếc từ Tây Ban Nha, nơi thì ghi liên doanh sản xuất tại Malaysia, nơi chỉ ghi đơn giản là “xuất xứ từ châu Âu”.

Chúng tôi thử xem một sản phẩm bếp điện từ model 2V-33S tại website uber.vn của Công ty TNHH Thương mại Uber Việt Nam, thì thấy đây là sản phẩm kết hợp giữa từ và hồng ngoại. Sản phẩm có mặt kính Ceramic siêu bền, hệ thống nhiệt E.G.O - Germany (Đức) và đây là sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, khi tìm kiếm cùng model sản phẩm này trên website noithatquangvinh.vn (cùng một chủ với uber.vn) thì sản phẩm lại được giới thiệu có mặt kính Euro Kera (của Pháp). Hàng loạt website phân phối sản phẩm này cũng giới thiệu mỗi nơi một kiểu khiến người tiêu dùng không thể biết sản phẩm này có xuất xứ chính xác là ở Đức, Tây Ban Nha hay Pháp hoặc đơn giản là các linh kiện được nhập khẩu từ đâu.

“Ma trận” về giá

Lạc trong
Ông Lê Hồng Phong, đại diện Uber Việt Nam làm việc với PV

Tại một đại lý bếp khác trên đường Đê La Thành (Hà Nội), nhân viên bán hàng khẳng định bếp Uber chỉ lắp tại Malaysia nhưng toàn bộ linh kiện đều của Đức. Tuy nhiên, quan sát mẫu bếp thì chúng tôi nhận thấy không có bất cứ thông tin gì liên quan đến Đức trên sản phẩm. Mặt bếp chỉ có tên thương hiệu và mã bếp.

Đáy bếp ngoài mẩu giấy in dán công suất thì không hề có bất kì thông tin gì khác như mã vạch hay tem bảo đảm chất lượng, mặc dù nhân viên bán hàng này khẳng định loại bếp giá 5 triệu này là hàng "made in Malaysia". Khi hỏi đến giấy xuất xứ hàng hóa, nhân viên nói do kế toán giữ và bản CO (giấy chứng nhận xuất xứ) chỉ là bản photo.

Tại một đại lý kinh doanh bếp khác trên đường Khâm Thiên, nhân viên bán hàng khẳng định: "Đây chỉ là hàng công nghệ Đức lắp ráp tại Malaysia chứ không phải hàng Đức, bếp cũng không có mã vạch gì cả".

Để thuyết phục chúng tôi dùng một loại bếp khác với giá tương đương, nhân viên này cho biết thêm: "Bếp Uber chưa chắc đã là của Đức, chỉ người trong nghề mới biết còn khách hàng gần như là không biết gì". Thấy khách ngạc nhiên về thông tin trên, nhân viên bán hàng giải thích: “Bài viết giới thiệu là họ tự viết, tự tạo, tự đăng. Bếp Uber này là do một công ty nhập về, tự phân phối, tự thiết kế và đặt thương hiệu chứ nước ngoài không hề có bếp nào mang nhãn hiệu Uber”, nhân viên bán hàng này quả quyết.

Cũng theo chia sẻ từ người này, mọi thiết kế bếp đều được công ty này tự thiết kế và gửi mẫu sang một nhà máy đặt tại Trung Quốc để sản xuất, nhập về, đẩy giá cao để thu lời. “Trên website của hãng sẽ không bao giờ có thông tin về hàng mang xuất xứ Trung Quốc và chắc chắn tên công ty bên Trung Quốc cũng là một tên khác”, người này nói.

Theo đó, cả những loại bếp Uber mang giá cả vài chục triệu cũng không thể khẳng định được là hàng “xịn” vì “hàng đấy họ tăng giá lên để bán. Ví dụ, hàng trong siêu thị mấy chục triệu nhưng ở ngoài chỉ mấy triệu”?, nhân viên này cho hay.

Theo lời nhân viên này nói, khi truy cập vào trang uber.vn của Công ty TNHH thương mại Uber Việt Nam (nơi phân phối sản phẩm Uber tại Việt Nam), chúng tôi nhận thấy, sản phẩm trên trang này bán đắt hơn rất nhiều các cửa hàng nhỏ lẻ khác. Ví dụ như mã bếp Uber 3V-86 CR, giá niêm yết trên website chính thức của hãng là 10.000.000 đồng.

Tuy nhiên, tại một đại lý phân phối của hãng, bếp này chỉ bán với giá 4.000.000 đồng. Khi hỏi đến loại bếp Uber này, một nhân viên của đại lý bếp trên đường Tây Sơn khẳng định mặt kính của bếp là kính thường, mâm nhiệt EGO là của Trung Quốc. Nhân viên này cũng khẳng định, đây là loại bếp chỉ được sản xuất theo công nghệ Đức, vì với mức giá vài triệu thì không bao giờ có hàng nhập khẩu?

Tương tự, sản phẩm bếp điện từ model 2V-33S, trên trang web uber.vn có giá là 18.800.000 đồng, nhưng trên trang noithatquangvinh.vn chỉ có giá là 15.800.000 đồng, còn trên trang web của Nội thất Kiến An có giá là 8.344.000 đồng.

“Tôi không rõ sản phẩm của Uber có giá thật sự là bao nhiêu khi cùng một địa chỉ trưng bày sản phẩm (tại 314 Minh Khai - Hà Nội) mà giữa Uber Việt Nam và Nội thất Quang Vinh lại chênh lệch giá đến như thế. Một sản phẩm được quảng cáo là xuất xứ từ châu Âu và thương hiệu trên toàn thế giới lại có giá rẻ và chiết khấu cao như vậy?”, chị N.T.H, một khách hàng nói.

Nói về giá đại lý, cửa hàng rẻ hơn nhiều so với nhà phân phối, ông Lê Hồng Phong - Đại diện Công ty Uber Việt Nam cho biết, do một số cửa hàng không phân phối sản phẩm của Uber nên cố tình để giá thấp.

Còn về giá của cùng một showroom giữa Công ty Uber và Nội thất Quang Vinh nhưng chênh lệch nhiều triệu đồng, ông Phong cho biết, đó là những nơi không bán sản phẩm Uber nên cố tình để giá thấp, khi người tiêu dùng đến mua sẽ giới thiệu sản phẩm khác.

Để làm rõ về nguồn gốc xuất xứ, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lê Hồng Phong, đại diện cho Công ty TNHH Thương mại Uber Việt Nam. Theo ông Phong, Uber là một thương hiệu của Đức nhưng được sản xuất tại Tây Ban Nha và phân phối ở châu Á.

Sản phẩm của Uber được nhập khẩu trực tiếp tại Tây Ban Nha hoặc liên doanh với Malaysia hoặc Trung Quốc. Khi chúng tôi đề nghị cung cấp chứng nhận nhập khẩu (CO), ông Phong cho xem bản scan và cho biết, bản gốc do phía Hải quan giữ. Ông Phong cũng nói rằng, việc loạn xuất xứ là do các đại lý không tìm hiểu kỹ.

Theo GĐ