Làm gì khi bếp ăn nhà trường "gây bão"?

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ thực phẩm bẩn bị tuồn vào trường học đã khiến các bậc phụ huynh không khỏi hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của con em mình. Hàng loạt “kế sách” đã được các bậc phụ huynh nghĩ ra với mong muốn con em họ có một bữa ăn an toàn.

Làm gì khi bếp ăn nhà trường

Các trường cần chú ý đến việc bảo đảm ATVSTP cho bữa ăn của học sinh. Ảnh minh họa

Bếp ăn nhà trường: Miễn vào

Hàng loạt vụ việc thực phẩm bẩn bị tuồn vào trường học được các bậc phụ huynh phát hiện trong một thời gian ngắn khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng cho bữa ăn của con em mình.

Trên các diễn đàn, các trang mạng tràn lan những thông tin chia sẻ về sự hoang mang, lo lắng, bức xúc của phụ huynh đối với sức khỏe của con mình sau những thông tin thực phẩm bẩn tuồn vào trường học xuất hiện liên tiếp trong thời gian ngắn.

Chị Nguyễn Hồng Vân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng: “Chúng tôi không thể nào kiểm soát được hôm nay ở trường con ăn gì, có đảm bảo hay không. Chỉ khi những sự việc như thế này xảy ra chúng tôi mới biết được thực tế nó là như thế nào. Cứ nghĩ đến chuyện không biết con được cho ăn những gì ở trường mà thấy lo?”.

“Có một điều tôi thấy khó hiểu là tại sao bếp ăn của trường luôn có dòng chữ “khu vực bếp ăn - không nhiệm vụ miễn vào”. Tại sao bữa ăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con em chúng tôi mà chúng tôi không có quyền được biết, được kiểm tra?”, chị Nguyễn Thu Hằng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thẳng thắn.

Rõ ràng điều các bậc phụ huynh lo lắng không phải không có nguyên do. Tại Hà Nội có không ít trường đã “khoán trắng” việc cung cấp thực phẩm cho một số đầu mối, để rồi các đầu mối này thuê lại các đơn vị khác. Sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, kiểm tra đầu vào thực phẩm nhà trường đã để xảy ra những sự việc đáng tiếc nêu trên.

Không chỉ lo lắng về chất lượng thực phẩm nhiều bậc phụ huynh còn băn khoăn về chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn tại các trường học. Món ăn không phong phú, ít khi đổi món, ăn không đủ dinh dưỡng, không hợp lý đối với sự phát triển của trẻ… là những điều các bậc phụ huynh đang quan tâm.

Có con đang học lớp 1 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, lo lắng cho bữa ăn của con, chị Lại Thu Hương thường xuyên hỏi về bữa ăn ở trường.

“Một tuần con ăn ở trường 5 bữa thì có đến 3 bữa tôi thấy cháu kể được ăn thịt băm, trứng với đậu sốt, thỉnh thoảng mới được đổi một vài món khác. Hơn nữa, thực đơn của con ăn trong ngày nhà trường phải công khai cho phụ huynh biết nhưng đằng này chúng tôi lại không hề biết. Ngày nào cũng phải hỏi con thì mới biết được ở trường con được ăn như thế nào” chị Hương cho hay.

Hàng loạt “kế sách” được đưa ra

Làm gì khi bếp ăn nhà trường

Xe chở rau quả có dấu hiệu thối rữa được phát hiện tại Trường tiểu học Lý Nhân.ảnh: TL

Một số bậc phụ huynh tỏ ra nghi ngại vào chất lượng bữa ăn tại trường của con em mình, đã đưa ra nhiều “kế sách” để “cứu con” như: Cho con về nhà ăn, thường xuyên theo dõi camera, yêu cầu thành lập tổ kiểm tra trước khi đưa thực phẩm vào trường...

Sau khi có thông tin xe chở thực phẩm bẩn vào trường ở Vĩnh Phúc, đĩa có giòi ở Hà Nội, anh Nguyễn Duy Hùng (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã đưa con về nhà ăn. “Con còn nhỏ quá, tôi thấy lo nên tạm thời ngừng ăn ở trường. May có ông bà ở nhà nên buổi trưa tôi cho con về nhà ăn rồi chiều lại đưa cháu đi học. Hơi vất vả tí nhưng an toàn cho sức khỏe của con”.

Không có điều kiện đưa đón con về nhà như gia đình anh Hùng, mỗi lúc đến giờ ăn trưa của con, chị Vân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại xem camera để xem con đang ăn gì. Đó cũng là cách mà rất nhiều phụ huynh đang thực hiện để cảm thấy yên tâm hơn cho sức khỏe của con.

Tại trường, gia đình chị Vân cùng các phụ huynh trong lớp cũng kiến nghị lên nhà trường thành lập một tổ kiểm tra gồm có các thầy, cô giáo trong trường và có cả cha mẹ học sinh để kiểm tra nguồn thực phẩm trước khi các đầu mối đưa vào trường.

Trên các diễn đàn mạng, nhiều thành viên cũng đưa ra ý kiến về việc nhà trường cũng như các cơ quan chức năng nên tăng cường khâu kiểm tra giám sát đối với các đơn vị cung ứng thực phẩm; các trường học cần công khai thực đơn bữa ăn hàng ngày; kết hợp cùng với phụ huynh học sinh kiểm tra, giám sát nguồn thực phẩm...

Những vụ việc liên quan xảy ra trong thời gian vừa qua cũng là hồi chuông cảnh báo về vấn đề ATVSTP tại bếp ăn trường học. Để loại bỏ thực phẩm bẩn thâm nhập vào trường học cần sự vào cuộc nhiều hơn của các cơ quan chức năng cũng như ý thức và trách nhiệm giữa nhà trường, các đơn vị cung cấp. Cần có những chế tài mạnh hơn để xử lý những đơn vị, trường học vì vụ lợi mà bỏ qua sức khỏe, thậm chí làm hại đến sức khỏe của học sinh.

Ngày 13/09, các phụ huynh tại Trường tiểu học xã Lý Nhân (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã phát hiện một xe chở rau quả có dấu hiệu thối rữa khi đang được chuyển tới bếp ăn của trường. Trước đó 1 ngày, vào trưa ngày 12/09, các bậc phụ huynh cũng phát hiện giòi bò trong hai khay đựng thức ăn của các em học sinh lớp 3, Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội).

Vào ngày 11/09, một số HS Trường Mầm non Lại Yên (huyện Hoài Đức) cũng có biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau khi ăn trưa tại trường. Trong số 31 trẻ nghỉ học ngày 12/9, 9 trẻ đã xác định rõ tình trạng rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy cấp.

Theo kết quả điều tra của Chi cục ATVSTP Hà Nội, bếp ăn tập thể Trường mầm non Lại Yên, kho bếp không có kệ kê cao thực phẩm. Đặc biệt, mẫu thức ăn ngày 11/9 - ngày xảy ra nghi ngờ ngộ độc, nhà trường không còn lưu lại theo qui định.

“An toàn cho các con cũng là an toàn cho chính mình”

“Với nhà bếp Trường Newton chúng tôi có kí với 1 đơn vị chính nhưng nhiều lúc họ không thể cung ứng đủ thực phẩm để thay đổi thực đơn thì nhà trường có kí thêm với các đơn vị cung ứng thực phẩm khác nhưng phải đảm bảo yếu tố ATVSTP, đã được các cơ quan nhà nước cấp phép.

Nhưng trước khi kí, nhà trường phải đi kiểm tra, quy trình sản xuất thực phẩm của họ. Nhà trường cũng luôn chú trọng khâu giám sát, có một giám đốc hậu cần thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chất lượng, số lượng. Sau bữa ăn, số thức ăn thừa nhà trường cũng yêu cầu công ty đem về, không được dùng lại số thực phẩm đó cho ngày hôm sau.

Quy trình lưu mẫu thức ăn nhà trường cũng tuân thủ đầy đủ. Những lúc giữa giờ, nhà trường cũng phải đi kiểm tra xem họ chế biến ra sao, có đảm bảo hay không. Lo lắng bữa ăn cho học sinh là điều cần thiết mà mỗi trường cần phải thực hiện.

Ở trường chúng tôi, tất cả các cán bộ, công nhân viên trong trường đều ăn tại trường nên vấn đề ATVSTP chúng tôi luôn đề cao hàng đầu. An toàn cho các con cũng là an toàn cho chính bản thân mình”. Cô Lê Thị Chính, Hiệu trưởng Trường PTQT Newton nói.

Theo giadinh