Làm gì khi bị "dàn cảnh" đâm xe rồi cướp tài sản?

Hiện tượng dàn cảnh va chạm, cướp giật với người đi xe máy ngày càng táo tợn và manh động với nhiều thủ đoạn. Cần làm gì khi rơi vào tình huống bị “dàn cảnh” cướp giật khi đang chạy xe trên đường. Dưới đây là những lời khuyên của chuyên gia cho bạn.

Làm gì khi bị

Một cảnh “dàn cảnh” cướp giật ở đường Bàn Cờ, Quận 3, TP HCM. Ảnh: Internet

Cố ý gây va chạm giao thông để cướp

Những ngày gần đây, trên trang Facebook cá nhân của một số người liên tục xuất hiện thông tin cảnh báo về thủ đoạn cướp tài sản tinh vi trên các tuyến phố tại Hà Nội bằng chiêu “dàn cảnh” tai nạn. Với chiêu thức này, một người trong số đó sẽ đâm ngã xe của đối tượng sau đó người còn lại tranh thủ lúc nạn nhân sơ hở để cướp toàn bộ tài sản rồi bỏ chạy.

Một phụ nữ tên N.T ở Hà Nội chia sẻ trên trang cá nhân câu chuyện mình bị “dàn cảnh” để cướp đồ ngay giữa phố. Theo lời kể của người phụ nữ này, khoảng 2h chiều, chị T đi xe máy đưa mẹ và con gái nhỏ đi chơi. Khi đi đến đoạn ngã 5 Xã Đàn – Khâm Thiên – La Thành, chị chạy xe rất chậm chỉ khoảng 20km/h thì một đôi nam nữ đi xe máy ngược chiều cố tình đâm vào xe gây tai nạn.

Họ chạy tới rút chìa khóa xe máy chị T, rồi liên tục chửi bới, đe dọa, đòi bồi thường tiền (mặc dù họ chính là những người vi phạm luật giao thông). Một số người qua đường định dừng lại giúp mẹ con chị T thì bị đôi nam nữ chửi bới, dọa nạt phải đi tiếp. Không thấy công an, chị T phải nài nỉ xin hai người kia nhưng không được. Cuối cùng chị lôi hết tiền trong túi đưa cho chúng mới thôi.

Còn với tài khoản H.T cho biết: “Mình vừa đi gần về đến nhà chỗ ngã 4 Thanh Nhàn - Kim Ngưu. Tôi đang loay hoay đỗ chờ đèn đỏ thì có người sau đâm ngã xe và cướp hết tài sản là một cái túi màu đen bên trong có tương đối nhiều tiền, điện thoại, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân và chứng minh thư, hộ chiếu là quan trọng nhất.

Suốt từ trưa cứ bần thần cả người vừa đi vừa khóc sướt mướt không ngừng. Xác định là mất tiền mất điện thoại rồi”. Chị H.T cho biết thêm, hiện đã báo công an nhưng chị xác định toàn bộ giấy tờ đã mất và đang tìm cách làm lại.

Trước đó, chị H.T.T.H (SN 1978, ngụ quận 1, TP HCM) đang lưu thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh (TP HCM) bất ngờ bị một thanh niên lao xe vào làm chị ngã. Trong lúc đang nói chuyện phải trái với thanh niên này, hai kẻ khác trên một chiếc xe máy giật phăng túi xách của chị. Ngay sau đó, người va chạm xe với chị cũng bỏ chạy. Bị bất ngờ, chị H không thể đuổi theo kịp, chỉ truy hô cướp.

Việc giúp người đi đường là một việc làm hết sức bình thường và nên làm của mọi người. Nhưng đôi khi lòng tốt của chúng ta lại bị những kẻ xấu lợi dụng. Bởi không chỉ “dàn cảnh” va quệt xe, nhiều tội phạm còn dùng chiêu bài lợi dụng trẻ con “dàn cảnh” lạc đường... Thấy đứa trẻ đứng khóc, người đi đường thương tình đưa về nhà sẽ bị cướp tài sản.

Thậm chí, nhiều trường hợp còn dựng “kịch bản” đóng giả người tốt bụng giúp đỡ người say xỉn chẳng may bị ngã rồi chiếm đoạt tài sản. Phát hiện “con mồi” gặp nạn hoặc dừng lại đi tiểu, bọn cướp đóng giả người đi đường đến dìu người say xỉn, dắt xe vào lề đường, lau mặt, hỏi thăm sức khỏe, xin số điện thoại rồi làm động tác giả gọi cho người thân nạn nhân; sau đó lấy xe hoặc lột sạch tài sản nạn nhân rồi tẩu thoát.

Đối phó khi bị “dàn cảnh”

Đại tá Lê Quốc Dương (Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, Bộ Công an) cho biết, thời điểm cuối năm, các vụ cướp thường gia tăng mạnh. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp giật rất đa dạng. Phổ biến nhất là sử dụng xe máy phân khối lớn.

Chúng thường có từ hai người trở lên và thường nhắm tới những người đứng xa lề đường, nơi đông người và xe máy không thể tiếp cận. Một đối tượng đi bộ tiếp cận nạn nhân cướp tài sản, rồi lên xe đồng bọn chờ sẵn tẩu thoát.

Một phương thức mới mà tội phạm gần đây hay sử dụng là thủ đoạn cố ý gây tai nạn với nạn nhân, sau đó xông vào đánh chửi đòi bồi thường hoặc lợi dụng lúc nhốn nháo để trộm để trộm cắp hoặc cướp giật tài sản. Nạn nhân của những vụ “dàn cảnh” gây tai nạn để cướp thường là những phụ nữ đi một mình.

Theo Đại tá Lê Quốc Dương, khi gặp tình trạng va quệt này phải hết sức bình tĩnh, tuyệt đối không nên quay lưng lại phía sau để xem chuyện gì xảy ra vì chỉ cần một chút sơ hở cũng sẽ mất đồ.

Trường hợp bị đánh, được phép chống trả lại kẻ tấn công và hô hoán kêu cứu thật to. Hãy cố gắng la to và dứt khoát từng câu để mọi người hiểu được và giúp đỡ. Cảm thấy không tự vệ được hãy bỏ chạy, vừa chạy vừa hô cướp. Nên chạy đến các chốt cảnh sát giao thông, chặn các phương tiện để thu hút sự chú ý của người dân, kêu gọi sự giúp đỡ. Không nên đôi co, phản ứng khi đối tượng kiếm chuyện dù là tiêu cực hay tích cực khi đi trên đường.

Trong tình huống trẻ bị đi lạc đường, người có lòng tốt muốn giúp đỡ cũng không nên đưa trẻ về nhà. Để đảm bảo an toàn mọi người nên gọi điện báo cho Cảnh sát 113 hoặc đưa trẻ tới trụ sở công an gần nhất. Việc đưa về nhà không phải là trách nhiệm của mình mà đôi khi có thể lại bị nghi vấn là bắt cóc trẻ con.

Khi đi đường để tránh bị đối tượng xấu để ý mọi người nên để túi xách ở trong cốp xe. Lưu ý, trước khi cất đồ vào cốp hoặc lấy ra cũng nên nhìn xung quanh vì cướp giật hay chọn thời điểm này gây án. Trường hợp túi không để vừa cốp xe nên đeo túi, balô, cặp laptop… về phía trước bụng, hoặc treo buộc túi ở baga xe máy (giữa hai đùi), quàng dây cẩn thận qua cổ xe, để tránh bị rạch túi nếu đeo sau lưng.

“Để không trở thành “mồi ngon” của bọn cướp giật khi lưu thông trên đường, điều quan trọng vẫn là sự cảnh giác của mỗi người. Với hình thức dàn cảnh va quệt xe để cướp rất khó để nhận diện đối tượng cướp giật.

Mọi người cần chủ động không nên tạo những sơ hở để bọn cướp giật ra tay. Kẻ cướp thường nhắm đến phụ nữ, những người trông có vẻ nhiều tài sản, trưng diện đồ trang sức đắt tiền, túi xách hớ hênh…

Càng kín đáo, càng không nổi bật sẽ càng an toàn. Khi ra đường, đừng phô trương tài sản quý, hạn chế đeo đồ trang sức. Nếu đeo nên ngụy trang bằng cách đeo khẩu trang, mặc áo che kín”.

Đại tá Lê Quốc Dương

Theo GĐ