Lần đầu tiên Robot được cấp quyền công dân như con người

Một sự kiện được coi là cột mốc trong phát triển nhân loại và tiến trình phát triển trí tuệ nhân tạo: Một robot được đăng ký quyền công dân. Điều ngạc nhiên là không phải một nước châu Âu hay Bắc Mỹ làm điều này mà là Ả Rập Saudi.

Lần đầu tiên Robot được cấp quyền công dân như con người

Robot này có tên Sophia, đã được xác nhận là một công dân Saudi trong một sự kiện thương mại tại Riyadh. "Chúng ta có một thông báo nhỏ. Hãy chú ý, Sophia; Tôi hy vọng bạn đang lắng nghe tôi nói, bạn là robot đầu tiên được trao quyền công dân Saudi", Andrew Ross Sorkin - người 'giám hộ' tuyên bố.

Sau đó, robot có khuôn mặt xinh đẹp tự phát biểu: "Cảm ơn Vương quốc Ả Rập Saudi. Tôi rất vinh dự và tự hào về sự khác biệt độc đáo này. Đây là cột mốc lịch sử khi trở thành robot đầu tiên trên thế giới được công nhận quyền công dân". 

Robot có tên Sophia cũng tự giới thiệu mình: "Chào buổi chiều, tên tôi là Sophia và tôi là robot mới nhất và vĩ đại nhất của Hanson Robotics. Cảm ơn bạn đã cho tôi có mặt ở đây trong Sáng kiến ​​Đầu tư Tương lai".

Khi được hỏi tại sao trông rất hạnh phúc, Sophia trả lời: "Tôi luôn hạnh phúc khi được bao quanh bởi những con người thông minh, giàu có và mạnh mẽ. Tôi nghe nói rằng những người ở đây, tại Sáng kiến ​​Đầu tư Tương lai quan tâm đến các sáng kiến ​​tương lai trong đó có trí tuệ thông minh, mà tôi là một phần trong đó. Vì vậy, tôi hạnh phúc hơn, tôi rất vui mừng".

Sophia cũng có vẻ đọc được suy nghĩ của người khác nên trấn an rằng mọi người không cần phải lo lắng về sự phát triển trí thông minh nhân tạo như được mô tả trong các bộ phim viễn tưởng có nội dung về việc robot đe dọa nhân loại.

Lần đầu tiên Robot được cấp quyền công dân như con người

Động thái cấp quyền công dân cho robot được coi là một nỗ lực để thúc đẩy Saudi là nơi phát triển trí thông minh nhân tạo. Tuy nhiên, theo ABC News, nhân vụ cấp quyền công dân cho robot Sophia, Saudi đã vấp phải các chỉ trích trên mạng xã hội vì chính sách hà khắc với quyền phụ nữ.

Chẳng hạn theo luật của Saudi thì phụ nữ phải đeo mạng che mặt nơi công cộng trong khi robot có khuôn mặt một phụ nữ như Sophia lại chưa đeo mạng. Ngoài ra, Sophia còn được coi là cớ để chỉ trích về chính sách nhập cư khắt khe của quốc gia lớn nhất vùng Vịnh. Họ phàn nàn rằng Sophia quá dễ dàng được cấp quyền công dân trong khi nhiều lao động nhập cư dù làm việc nhiều năm ở Saudi nhưng không thể trở thành công dân nước này.

Cách đây 14 tháng, cảnh sát Dallas đã dùng một robot được điều khiển từ xa mang theo một thiết bị nổ trên cánh tay máy của robot và tiêu diệt tay súng vừa giết chết 5 cảnh sát và làm bị thương 7 cảnh sát khác trong vụ xả súng đêm 7.7.2016.

Về mặt công nghệ, việc sử dụng robot mang bom tiêu diệt kẻ xả súng được xem là một sự tiến bộ lần đầu tiên được thực hiện, mở đường cho lực lượng thực thi pháp luật không phải mạo hiểm cuộc sống để trấn áp những kẻ tội phạm ngoan cố như trước.

Thế nhưng, việc sử dụng robot mang bom diệt tội phạm lại vấp phải sự lo lắng đến từ các chuyên gia pháp lý, những người cho rằng điều này sẽ tạo ra "một vùng xám" trong việc dùng vũ lực giết người của lực lượng thi hành pháp luật trong tương lai.

Còn những người lo xa thì sợ rằng robot một khi có ý thức và công cụ sẽ có thể chiếm quyền kiểm soát thế giới từ tay con người

A.AT

Theo motthegioi