Lao động đi Nhật tố doanh nghiệp lạm thu tiền phí

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động, Công ty CP Vạn Xuân VIVAXAN (số 15, tổ 6, Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã lạm thu phí của hàng trăm người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Để sang được Nhật Bản, nhiều lao động phải chi số tiền lớn gấp 2- 2,5 lần mức phí mà Bộ LĐTB&XH quy định cho Công ty này. Tương lai chưa thấy đâu, nhưng gánh nặng tiền bạc đã đè lên vai họ.

Lao động đi Nhật tố doanh nghiệp lạm thu tiền phí
Người lao động làm thủ tục ở Công ty. ẢNh: Đỗ Lực

Quảng cáo hấp dẫn

Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH đã xử phạt hàng chục doanh nghiệp XKLĐ vì đã lạm thu tiền phí của người lao động. Thậm chí, để ngăn chặn căn bệnh này, Bộ LĐTB&XH còn mạnh tay thu hồi giấy phép của hàng chục doanh nghiệp do có hành vi gian dối trong hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Nhưng dường như tình trạng lạm thu phí lao động đi Nhật Bản vẫn không thuyên giảm.

Phản ánh đến đường dây nóng của Báo Gia đình & Xã hội, nhiều lao động bức xúc tố Công ty Vạn Xuân VIVAXAN (sau đây gọi là Công ty Vạn Xuân) liên tục lạm thu mức phí lao động đi Nhật Bản. Để sang được Nhật Bản làm việc, lao động phải đóng gấp 2- 2,5 lần mức phí mà Bộ LĐTB&XH quy định cho Công ty này.

Để tìm hiểu những điều bạn đọc phản ánh, chúng tôi đã truy cập trang web của Công ty Vạn Xuân. Trang web này luôn trong tình trạng đầy ắp các đơn hàng đi Nhật.

Theo đó, một loạt các đơn hàng hấp dẫn lương cao được Công ty quảng bá với những tiêu chí lương cao, thời gian làm việc ổn định để hút lao động như: Lao động được trợ cấp học việc tháng đầu 60.000 yên (sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản), lao động làm việc với lương cơ bản 138.000 yên/tháng (chưa bao gồm tiền làm thêm giờ), 1 ngày làm 8 tiếng, 40 tiếng/tuần…

Trong vai lao động có nhu cầu đi làm việc tại Nhật Bản, chúng tôi đã liên lạc qua số điện thoại 0437957xxx trên trang web. Ở đầu dây là một phụ nữ nghe máy, xưng tên là Thủy.

Qua một hồi giới thiệu, chúng tôi được bà Thủy hẹn đến Công ty để tư vấn. Sau khi chúng tôi gặp mặt, bà Thủy đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Em đã đi Nhật lần nào chưa? Ai giới thiệu mà em biết để tìm đến Công ty? Ai cho em số điện thoại của chị...”. Chúng tôi cho biết, mình tìm kiếm thông tin của Công ty qua mạng Internet, thấy trên trang web của Công ty quảng cáo nhiều đơn hàng hấp dẫn nên đến tìm hiểu...

Sau một hồi giới thiệu, bà Thủy động viên chúng tôi nên chuẩn bị tiền để nhập học sớm, bởi sắp tới Công ty có rất nhiều đơn hàng phí rẻ, lương cao, công việc nhàn, nếu không nhanh, lao động khác sẽ đăng ký thế chân, đồng nghĩa với việc chúng tôi mất cơ hội đổi đời. “Lương cơ bản, cộng tiền lương làm thêm, trừ chi phí sinh hoạt, ăn uống, mỗi tháng em cũng sẽ để ra được khoảng gần 40 triệu đồng. Số tiền này so với số tiền mà em đóng cho Công ty thì sau 3 năm em thừa sức thu lại…”, bà Thủy nói.

Phiếu thu tiền không dấu và chữ ký

Bà Thủy cũng không quên giới thiệu, hiện Công ty đang đào tạo cho khoảng 200 lao động và chỉ chờ ngày “cất cánh”. Theo bà Thủy, tất cả các đơn hàng mà lao động đi qua Công ty Vạn Xuân, ngoài các khoản phụ phí như tiền đào tạo tiếng Nhật 6,5 triệu đồng/người, tiền ăn học, sinh hoạt khoảng 20 - 30 triệu đồng từ lúc học đến khi bay… thì đơn hàng mà lao động phải đóng thấp nhất cũng phải từ 6.500 USD trở lên. Bà Thủy khẳng định rằng, không có công ty nào làm ăn nghiêm túc thu phí lao động đúng như ở Công ty Vạn Xuân.

“Đơn hàng bên chị có rất nhiều, em đóng tiền nhập học, trong thời gian học chị sẽ xem có đơn hàng nào tốt sẽ sắp xếp để em thi. Phí đi tùy từng đơn hàng, ở đây có các đơn hàng như: Xây dựng, may mặc, nông nghiệp, thực phẩm…

Tất cả dao động khoảng trên 6.500 USD/người. Nói chung, tiền chi phí ăn học, với phí đóng cho Công ty đến lúc bay, tất cả dao động khoảng 160 triệu đồng trở lên. Hầu hết, tất cả các đơn hàng lao động đều phải đóng tiền ở mức này, có đơn hàng tốt giá sẽ cao hơn…”, bà Thủy nói.

Để được đăng ký học ở Trung tâm đào tạo tiếng Nhật của Công ty, chúng tôi phải kê khai một số thông tin cần thiết. Sau đó, chúng tôi được bà Thủy hướng dẫn đến quầy đóng tiền cho kế toán của Công ty. Tại đây, chúng tôi được yêu cầu đóng 6.500.000 đồng học phí, 500.000 đồng đặt cọc tài sản (mượn chăn màn, hòm đựng đồ của Công ty) và 1.460.000 đồng tiền ăn.

Nhìn tấm phiếu thu tiền không có dấu đỏ cũng như chữ ký của Giám đốc Công ty, chúng tôi thắc mắc với nhân viên kế toán thì được trả lời: “Em yên tâm. Phiếu thu tiền mặt ở đây đều được làm như nhau. Phiếu thu tiền nhỏ không cần dấu của Công ty”. Sau khi đóng xong các khoản tiền nói trên, chúng tôi được bố trí cho ăn ở, học tập luôn tại Công ty.

Bà Thủy cho biết, Công ty Vạn Xuân là một trong những doanh nghiệp XKLĐ lớn, có tên tuổi trong làng XKLĐ. Hàng năm, Công ty đưa đi cả vạn lao động sang thị trường Nhật Bản. Theo bà Thủy, người lao động đi XKLĐ thông qua Công ty Vạn Xuân là lựa chọn sáng suốt, bởi trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp XKLĐ làm ăn gian dối, móc túi người lao động.

Bộ LĐTB&XH đã có Công văn số 1123/LĐTBXH-QLLĐNN về việc tiếp tục chấn chỉnh hoạt động đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. Cụ thể, Công văn yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ sang Nhật Bản thu khoản phí theo quy định với mức không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm; không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm.

Doanh nghiệp chỉ được thu các khoản phí theo quy định sau khi người lao động đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và doanh nghiệp đã ký hợp đồng với người lao động về việc đưa người lao động sang làm việc tại Nhật Bản. Nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với người lao động…

Đỗ Lực

Theo GiaDinh