Lập đường dây nóng nhận phản ánh cơ sở bán sữa trái quy định

Sở Công Thương ở nhiều địa phương trên cả nước đã lập đường dây nóng công khai số điện thoại cho người dân khi phát hiện các tổ chức, cá nhân bán sữa không đúng giá quy định thì phản ánh tới các cơ quan quản lý nhà nước.

Lập đường dây nóng nhận phản ánh cơ sở bán sữa trái quy định

Cụ thể, Bộ Công Thương sáng 27.2 cho biết, Sở Công Thương Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước đã lập đường dây nóng công khai số điện thoại cho người dân kịp phát hiện các tổ chức, cá nhân bán sữa không đúng giá quy định để phản ánh tới các cơ quan quản lý nhà nước, kiểm tra xử lý theo thẩm quyền.

Bộ này cũng cho biết Sở Công Thương tại nhiều địa phương đã đồng loạt áp dụng quy định bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong đó, các sở yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi cần phải xác định giá tối đa trong các khâu bán buôn, giá tối đa trong khâu bán lẻ theo quy định. Giá kê khai này được gửi tới Sở Công Thương để làm cơ sở thực hiện việc đăng ký giá bán.

Theo quy định của Bộ Công Thương, kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được áp dụng đến hết tháng 3.2017, trong đó tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp như sau:

Quản lý giá tối đa theo quy định tại khoản 7 Điều 17 Luật Giá đối với sản phẩm sữa đến hết tháng 3.2017; thực hiện biện pháp đăng ký giá theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật Giá đối với sản phẩm sữa đến hết tháng 3.2017.

Phương pháp xác định giá tối đa trong khâu bán buôn và giá tối đa trong khâu bán lẻ được thực hiện theo các quy định hiện hành. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa phải xác định giá tối đa trong khâu bán buôn, bán lẻ theo quy định, gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá để làm cơ sở thực hiện việc đăng ký giá.

Trên cơ sở giá tối đa gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá đã được chấp thuận, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa thực hiện đăng ký giá bán theo quy định tại Nghị định số 177 và Nghị định 149; thực hiện công khai giá tại trụ sở, nơi bán sản phẩm, các kênh phân phối theo quy định.

Cơ quan quản lý giá có trách nhiệm tiếp nhận đề nghị về giá tối đa và hồ sơ đăng ký giá để thực hiện rà soát chi phí hình thành giá tối đa, kiểm soát việc đăng ký giá theo quy định của pháp luật; công khai mức giá tối đa sản phẩm sữa của tổ chức, các nhân thuộc diện đăng ký giá tại Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý giá tổ chức thực hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tình hình thực hiện giá tối đa và đăng ký giá đối với sản phẩm sữa; trong phạm vi thẩm quyền xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh, kịp thời để xuất các nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến thị trường trong thời gian áp dụng bình ổn giá.

Trong khi đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có trách nhiệm tổ chức thực hiện bình ổn giá tại địa phương theo quy định; hướng dẫn các chi phí khác có liên quan theo thẩm quyền trong phạm vi mức tối đa quy định; tiếp nhận đề nghị về giá tối đa và đăng ký giá, thực hiện kiểm soát chi phí hình thành giá tối đa, kiểm soát việc đăng ký giá theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân thuộc diện đăng ký giá trên địa bàn.

Theo MTG