Lệnh cấm nhân ngày Nhà giáo: Không được huy động đóng góp tổ chức 20/11

Ngày 20/11 chưa tới, nhưng trong phòng giáo viên của trường, đã thấy dán văn bản mới nhất của Sở Giáo dục - Đào tạo. Nội dung là không được huy động đóng góp tổ chức 20/11.

Ngày 20/11 chưa tới, nhưng trong phòng giáo viên của trường, đã thấy dán văn bản mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo. Hoạt động phong trào đã rộn ràng từ đầu tháng: văn nghệ văn gừng, hội thao, sáng kiến, tặng danh hiệu thi đua…

Trong buổi sinh hoạt chuyên môn tuần này, lãnh đạo nhà trường có chuyện để nhắc nhở, rằng các thầy cô, kể cả chủ nhiệm lớp và không làm chủ nhiệm lớp, phải đọc kỹ và chấp hành công văn của sở. Lại nhắc, trường mình “không đặt ra các khoản thu ngoài quy định dưới bất cứ hình thức nào”, cụ thể trước mắt là không được huy động đóng góp tổ chức 20/11. Lệnh cấm nhân ngày Nhà giáo!

Giáo viên nào lại chẳng là phụ huynh. Ở trường con mình theo học, hội phụ huynh thu tiền quỹ lớp từ đầu năm, trong đó có tính cả tiền dành tặng quà cho các thầy cô, đâu phải để đến giờ mới thu, nên đâu vi phạm lệnh cấm! Chắc sở không biết vụ này, nên gần đến ngày 20/11 mới có công văn nhắc nhở sát sàn sạt như vậy.

Lệnh cấm nhân ngày Nhà giáo: Không được huy động đóng góp tổ chức 20/11

Công văn nhắc nhở cho mọi người là 20/11, không chỉ là ngày Nhà giáo Việt Nam, mà còn vì ngày đó vốn đã gây phiền nhiễu nhiều quá, đến nỗi vài năm gần đây, cứ “đến hẹn” là sở phải gửi văn bản nhắc, năm thì nói chỉ nhận thiệp điện tử chúc mừng, năm lại bảo không nhận lẵng hoa tươi. Cái sự nhắc nhở này còn được học hỏi, nhân rộng đến mức có năm, một tỉnh đã phát công văn cấm học sinh đến trường trong ngày Nhà giáo, nhằm ngăn ngừa tình trạng học sinh tặng quà cáp nảy sinh tiêu cực.

Chẳng lẽ nỗi lo về việc phụ huynh phải đóng góp trong ngày Nhà giáo đã lớn đến vậy? Đến mức phải ồn ào, quyết liệt ngăn chặn? Cũng như cái lệnh cấm dạy thêm học thêm đầu năm học, cơ quan quản lý ngành giáo dục khi ra văn bản có nghĩ đến tâm trạng của những người đã chọn nghề giáo, khi thấy cái ngày dành cho lòng biết ơn của thầy và trò bị hạ xuống đến mức thành một nỗi lo? Thường thì người ta chỉ “cấm” đối với những việc sai trái, phạm pháp; chỉ cảnh cáo nhắc nhở với những hành vi lệch chuẩn, phi văn hóa…

Chưa nói đến việc văn bản này có hiệu quả, có khả thi hay không, nhưng chỉ nội cái việc người ta cắm một tấm bảng to “Cấm…” lên trước cổng trường, chạnh lòng lắm! Lại còn chuyện nếu lỡ vẫn xảy ra thì sao? Kỷ luật phụ huynh hay sa thải giáo viên? Chắc lại đuổi việc giáo viên thôi, chứ làm gì được phụ huynh!

Cứ như ở nơi nào có bảng “cấm đổ rác”, thế nào dưới chân bảng cấm cũng có một đống rác. Vậy nên, dù thế nào thì cũng không ai lại đi cắm cái bảng “cấm đổ rác” ngay giữa cổng nhà mình, trường mình!

Làm sao để dạy học sinh biết nói lời cảm ơn thầy cô của mình một cách chân thành, nếu ngày 20/11 lại xuất hiện đầy những bảng cấm như thế? Tất nhiên, xét về lý, sở có quyền từ chối thiệp chúc mừng, từ chối hoa tươi, từ chối quà tặng tốn kém… Nhưng cho dù có từ chối, thì việc từ chối cũng nên thể hiện với lòng biết ơn, với sự khiêm nhường, trân trọng người cho và nhận; đừng biến việc từ chối của mình thành một sự “cấm” rất ư hành chính, vừa “quan trọng hóa” quá đáng, vừa hình thức, làm buồn lòng cả thầy lẫn trò.

Nếu đã có bảng cấm, tự nhiên người ta sẽ kiếm đường vòng, đường tránh. Vậy chẳng phải là ngay đến người muốn nói lời cảm ơn một cách đàng hoàng tử tế cũng bị làm khó hay sao? Cái triết lý tôn sư trọng đạo của người Việt, chẳng lẽ không còn tìm được cách nào để trao truyền, ngoài cái việc tới ngày là nhắc thầy cô, nhắc nhà trường không được thế này thế khác…

Khi đã chọn nghề giáo, người ta đã chấp nhận cái sự thanh bạch, mà trong cái nhìn của thời thị trường này, nói trắng ra là nghèo! Cái nghèo khiến con người ta dễ bị tổn thương, dễ chạnh lòng. Vì thế, thông báo của sở đã khiến tôi và các đồng nghiệp không khỏi không đau.

Biết rằng nói ra cũng chẳng để làm gì, mà nói được cho rõ chuyện này cũng không dễ, nhưng giá mà “mấy ông trên đó” nói năm nay sẽ chăm lo cho giáo viên như vậy, như vậy… phụ huynh và học sinh không cần phải lo lắng nữa, việc tặng quà cho thầy cô đã có cơ quan quản lý lo. Lo đủ, lo đúng! Vậy mới là chăm lo thiết thực, mới là giải phóng cho ngày 20/11 khỏi nỗi lo vật chất, còn lại đúng tinh thần ngày Nhà giáo, trả lại nguyên vẹn cho thầy và trò một ngày để thể hiện lòng biết ơn - trò ơn thầy, thầy ơn nghề…

Khuynh hướng thực dụng đang thẩm thấu rất nhanh vào mọi lĩnh vực của đời sống. Càng thực dụng, càng khó dạy con người ta biết cách nói một lời cảm ơn sao cho chân thành. Dù ngành giáo dục chưa bao giờ thoát khỏi cái vòng dịch vụ, nhưng vẫn mong những người làm công tác quản lý đừng thô bạo thực dụng hóa cả lòng biết ơn của thầy và trò, trong một ngày đã được chọn như một ngày tri ân…

Theo Thanh Chung (Phunuonline)