Lo bất động sản "dậy sóng" vì thuế VAT

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, giá nhà có thể sẽ tăng thêm 12% khi phải chịu tác động từ việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) như đề xuất của Bộ Tài chính mới đây.

Lo bất động sản

Nếu tăng thuế VAT, giá nhà sẽ tăng 

Đề xuất đưa chuyển quyền sử dụng đất vào đối tượng chịu thuế VAT đã làm “nóng” Hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo sửa đổi 5 luật thuế (thu nhập doanh nghiệp, VAT, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên) ngày 14/9. Cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, thuế VAT sẽ tăng từ 10% lên 12%.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thuế VAT sẽ là một yếu tố cấu thành giá, tác động trực tiếp lên thị trường bất động sản. “Trong bối cảnh hiện nay, nhiều người đang không có nhà ở mà tiền sử dụng đất liên tục tăng, giá vật liệu cũng tăng. Nay lại tăng thuế thì giá nhà sẽ tăng lên rất nhiều”, ông Hà phân tích.

Hiện nay, người chuyển nhượng quyền sử dụng đất đang phải chịu thuế trước bạ 5% và thuế thu nhập cá nhân 2%. Theo tính toán của đại diện Hiệp hội Bất động sản, nếu thêm thuế VAT thì giá nhà sẽ tăng thêm 12%. Ông Hà cho rằng, chỉ riêng với 2% thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng, Nhà nước đã khó thu rồi thì với 12% thuế VAT sẽ càng gây ra tình trạng trốn thuế. Ông Hà dùng từ “tác động mạnh” và “đen tối” để kiến nghị không sửa đổi quy định về thuế VAT cho thị trường bất động sản.

"Đề nghị thuế VAT đi theo hướng thu gọn về một thuế suất và thu gọn đối tượng không chịu thuế.

Đối tượng chịu thuế ở mức 5% hay 10% thì phải nói rõ thế nào là sơ chế, hay thế nào là thiết bị y tế… để tránh tốn kém cho doanh nghiệp.

Nếu VAT thống nhất một mức thuế suất thì cần phải có lộ trình, chứ không phải bây giờ 5% lên 6%, rồi 10% lên 12%... gây xáo trộn."

Bà Đặng Thị Bình An
nguyên Phó tổng cục trưởng
Tổng cục Thuế

Trong đề xuất sửa đổi lần này, Bộ Tài chính cũng bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt các loại nước ngọt có gas, không gas, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất nước ngọt với mức thuế 10% từ năm 2019.

Ông Nguyễn Tiến Vị, Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát cho hay, nếu đưa nước ngọt vào danh mục chịu thuế thì có thể làm cho nước ngọt tăng giá 12%. “Điều này ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Nếu cùng lượng tiền trước đây có thể mua được 10 lon nước ngọt, thì khi chịu thuế chỉ mua được 9 lon thôi”, ông Vị nêu.

Đại diện Hiệp hội này cho rằng, điều này sẽ dẫn tới sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp gặp khó khăn, gia tăng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, tăng gánh nặng y tế và chi phí để chống hàng giả.

Thêm nữa, ông Vị cho rằng, căn cứ tăng thuế của Bộ Tài chính là chưa rõ ràng. “Bộ Tài chính chưa đưa ra cơ sở khoa học chứng minh nước ngọt, nước có gas tác động như thế nào và làm tăng bao nhiêu tỷ lệ người béo phì?

Các mặt hàng có đường khác cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường sao không bị đưa vào? Định nghĩa nước ngọt trong tờ trình chưa rõ ràng. Từ định nghĩa khác nhau thì phải áp khác nhau không thể áp giống nhau được. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phải tính toán xem khi đưa nhóm hàng này chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì ngân sách thu thêm được bao nhiêu?”, đại diện Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát nói. 

Theo baogiaothong