Lời tiên tri 500 năm trước linh ứng, dân Ý lo tận thế

Những trận mưa tuyết liên tiếp hai ngày qua khiến nhiều người Ý lo ngại về lời sấm truyền của nhà tiên tri Matteo Tafuri cách đây 500 năm nhắc đến ngày tận thế, sẽ thành hiện thực.

Theo RT, những trận mưa tuyết kéo dài liên tiếp suốt vài ngày qua tại Salento, thị trấn miền Nam nước Ý, khiến nhiều người dân nơi đây bắt đầu lo sợ về sự ứng nghiệm của lời sấm truyền cách đây 500 năm của Matteo Tafuri, nhà tiên tri được mệnh danh là “Nostradamus của Ý”.

Hơn 500 năm trước, nhà tiên tri Tafuri từng đưa ra tiên đoán rằng trận mưa tuyết kèm theo nắng kéo dài hai ngày liên tiếp ở Salento sẽ dẫn tới ngày tận thế.

'Lời tiên tri 500 năm trước linh ứng, dân Ý lo tận thế
Mưa tuyết kèm nắng bất thường kéo dài hai ngày liên tiếp ở Salento, miền Nam nước Ý. Ảnh: Daily Mail

Với hiện tượng này, người dân ở thị trấn nghỉ dưỡng miền Nam nước Ý nhớ tới lời sấm truyền trên và bắt đầu nghĩ tới những kết cục tồi tệ.

“Hai ngày tuyết rơi ở Salento, hai chớp sáng trên bầu trời, tôi biết thế giới sẽ bị diệt vong nhưng tôi không mong muốn điều đó” - đây là lời sấm truyền của nhà tiên tri “Nostradamus nước Ý”.

'Lời tiên tri 500 năm trước linh ứng, dân Ý lo tận thế
Mưa tuyết kèm nắng kéo dài hai ngày liên tiếp ở Salento, miền Nam nước Ý. Ảnh: Daily Mail

Cùng với một số khu vực ở châu Âu, nước Ý đang trải qua thời kỳ rét đậm. Không giống miền Bắc, Salento hiếm khi nhìn thấy tuyết và băng. Các trường học đã đóng cửa trong khu vực. Ít nhất tám người được cho là đã thiệt mạng do thời tiết khắc nghiệt lan tràn trên khắp nước Ý, theo Daily Mail.

'Lời tiên tri 500 năm trước linh ứng, dân Ý lo tận thế
Ông Matteo Tafuri, nhà tiên tri “Nostradamus nước Ý”. Ảnh: RT

Sinh năm 1492 ở Soleto, Tafuri đã nghiên cứu triết học và y học ở Naples trước khi chuyển đến Anh. Tại đây, ông bị giam giữ vì cáo buộc dị giáo. Sau khi được thả tự do, nhà tiên tri này đã đến Ireland, Pháp, Tây Ban Nha và châu Phi rồi sau đó quay trở lại Soleto, nơi ông bị bắt giữ vì bị cho là phù thủy. 15 tháng sau, ông được phóng thích và sống quãng đời còn lại ở quê hương trong nghèo khó.

Theo Thái Lai (Plo)