Mách chị em cách loại bỏ hóa chất độc hại trong gia đình

Tháng Chín vừa rồi, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ chính thức cấm 19 loại hóa chất trong các sản phẩm xà phòng diệt khuẩn bởi các thành phần này có thể gây hại cho người dùng.

19 chất cấm chỉ là con số rất nhỏ trong vô vàn hóa chất tẩy rửa chúng ta sử dụng hằng ngày. Đề phòng nguy cơ bệnh tật và bảo vệ môi trường, trào lưu sống xanh, thân thiện với thiên nhiên đang dần lan tỏa trong cộng đồng. PNCN giới thiệu chuyên đề Loại bỏ hóa chất độc hại trong gia đình, hướng dẫn bạn sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên.

Tự chiết tinh dầu xả

Mách chị em cách loại bỏ hóa chất độc hại trong gia đình

Hai loại sả thông dụng hiện nay là sả chanh và sả Java. Tinh dầu từ cây sả Java có hương nồng hơn, tác dụng xua muỗi mạnh hơn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là không dùng tinh dầu sả Java pha trà uống như với sả chanh Việt Nam. Cây sả Java cũng không dùng để chế biến thức ăn.

Để chiết tinh dầu, bạn cần một lọ thủy tinh sạch, khoảng năm-sáu cây sả (có thể nhiều hơn hoặc ít hơn, tùy theo độ đậm đặc của tinh dầu bạn muốn), tách dầu ô liu nguyên chất, 100ml nước lọc, 100ml rượu trắng (rượu Bàu Đá, đế Gò Đen hoặc vodka đều được). Nếu không thích hoặc dị ứng với rượu, bạn có thể dùng giấm trắng hoặc giấm táo, tuy nhiên chất lượng tinh dầu sẽ kém hơn.

Thực hiện

Cắt bỏ phần lá và rễ cây sả, chừa lại khoảng 10-12cm phần củ sả là phần chứa nhiều tinh dầu nhất. Bóc bỏ phần vỏ già bên ngoài củ sả, sau đó đập giập hoặc xắt nhỏ phần lõi bên trong.

Cho sả vào lọ thủy tinh cùng với 100ml rượu (hoặc giấm), 100ml nước lọc sao cho toàn bộ phần sả ngập trong hỗn hợp nước-rượu. Nếu có bất kỳ phần sả nào nổi lên trên bề mặt hỗn hợp, tinh dầu của bạn sẽ hỏng. Thêm nước và rượu (tỷ lệ 1:1) nếu cần hoặc dùng miếng chặn bằng nhựa để ép phần sả chìm trong nước.

Đậy kín nắp lọ và lắc đều hỗn hợp. Sau đó để lọ ở nơi thoáng mát và tối trong ba ngày. Bạn có thể bọc lọ bằng giấy hoặc vải và để vào ngăn mát tủ lạnh.

Sau khi sả đã ngấu, lấy lọ ra, cho toàn bộ hỗn hợp vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn. Xay càng nhuyễn, tinh dầu của bạn càng có chất lượng tốt. Cho hỗn hợp đã xay nhuyễn vào lọ trở lại, đậy kín và tiếp tục cất vào ngăn mát tủ lạnh trong ít nhất ba tuần.

Cuối cùng, lọc và vắt thật kiệt hỗn hợp. Phần nước vắt ra chính là tinh dầu sả của bạn.

Trồng xả để tiết tinh dầu

Mách chị em cách loại bỏ hóa chất độc hại trong gia đình

Dẫu không là nông dân, việc trồng vài bụi sả quanh nhà sẽ giúp bạn xua đuổi muỗi, phòng tránh những nguy cơ do muỗi mang lại, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết và Zika. Cây sả dễ trồng, có khả năng chịu hạn rất tốt nên bạn không mất nhiều công chăm sóc.

Cách trồng

Chọn những cây sả mập, khỏe; cắt bỏ phần lá và rễ; chừa lại khoảng 10cm ở phần củ. Tách bỏ bớt phần vỏ dày bên ngoài và cắm củ sả vào một ly nước sao cho phần nước ngập 1/2 thân sả. Đặt ly nước nơi có nhiều ánh sáng song nên tránh ánh nắng.

Mỗi hai ngày, bạn cần thay nước một lần. Sau khoảng hai-ba ngày, bạn sẽ thấy lá sả nhô lên từ phần lõi sả. Sau năm-bảy ngày, bạn sẽ thấy rễ mới mọc ra từ gốc sả. Chờ thêm một tuần nữa để phần rễ sả cứng cáp hơn, bạn có thể mang cây sả ra trồng ngoài trời, bên ban-công hoặc sân thượng.

Bộ rễ sả phát triển rất mạnh (giúp cây chịu hạn) nên loại chậu thích hợp để trồng sả là chậu cao 40- 50cm, rộng 30cm. Đất trồng cần thoát nước tốt và mỗi ngày bạn chỉ cần tưới nước một lần (nếu bạn quên hoặc khi đi du lịch, cây sả vẫn có thể sống cả tháng chờ bạn về tưới).

Khi thu hoạch sả, bạn tách các cây bên ngoài, chừa lại một vài cây ở giữa để sả tiếp tục mọc.

Theo Phạm Thành Nhân/phunuonline