Mâm cơm gia đình ngày càng bất an vì thực phẩm bẩn

Theo TS Hoàng Đình Chân, cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ bởi thực phẩm bẩn có thể gây ung thư.

Phát biểu tại Diễn đàn "Đón sóng thực phẩm sạch" diễn ra sáng nay (23/8), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám thừa nhận, vấn đề an toàn thực phẩm rất được xã hội quan tâm bởi đây là vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận.

 TS, thầy thuốc ưu tú Hoàng Đình Chân - Giám đốc Bệnh viện ung bướu Hưng Việt chỉ ra những con số đáng báo động với ngành thực phẩm: Có tới 40/120 mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; 455/ 735 mẫu thịt gia súc, gia cầm không an toàn cho người sử dụng.

Ông Chân dẫn báo cáo của Cục bảo vệ thực vật, hơn 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Mâm cơm gia đình ngày càng bất an vì thực phẩm bẩn
Một cơ sở sản xuất chà bông gà mất vệ sinh bị cơ quan chức năng tại TP HCM phát hiện, xử phạt. Ảnh: Nam Thiên

Từ những con số trên, TS. TTUT Hoàng Đình Chân nhận định: “Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ bởi thực phẩm bẩn có thể gây ung thư dạ dày, thực quản, ung thư gan, ung thư tuỷ, ung thư vòm họng, ung thư đại trực tràng…”.

Theo Bộ Y tế, mỗi năm tại Việt Nam có 150.000 ca mắc mới và hơn 75.000 người chết vì ung thư. Nghĩa là trung bình một ngày có 250 người chết với 6 loại ung thư phổ biến gồm: vú, gan, đại tràng, khoang miệng, dạ dày.

Tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp để chữa ung thư đã lên tới gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% GDP của Việt Nam (năm 2012).

Theo bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị TH True Milk: “Thực phẩm bẩn là nguồn gốc của mọi vấn đề trong xã hội. Đó là khởi nguồn cho sự tệ hại nhất của con người và chính đồng tiền đẻ ra lòng tham, sự vô cảm đó”.

Trải qua nhiều năm kinh doanh ở lĩnh vực sữa, bà Thái Hương nhận định, thị trường sữa cực kỳ thiếu minh bạch. Cụ thể, sữa bột nhập về pha lại chiếm 92% thị trường sữa nước, nhưng người dân thì cứ tưởng đó là sữa tươi, tưởng đó là sữa tốt.

Từ thực tế trên, bà Thái Hương đề xuất có 3 khâu cần minh bạch là: giống, phân bón và bảo quản. Sản phẩm sữa phải minh bạch, cần ghi rõ thế nào là sữa thanh trùng, tiệt trùng, sữa tươi, thành phần như thế nào cũng phải ghi rõ. Ngoài ra cần phải sớm đưa ra quy chuẩn sữa.

Nữ doanh nhân này cũng tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng: “Hãy cùng giúp chúng tôi đưa thực phẩm sạch tới tay người tiêu dùng, để chúng tôi không phải quảng cáo vào giờ vàng. Chỉ cần bớt được 10 – 15% tiền quảng cáo, giá sữa tới tay người tiêu dùng sẽ giảm”.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay, thời gian tới Bộ sẽ chung sức với doanh nghiệp kết nối sản phẩm nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng.

Bộ cũng sẽ tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm; xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn theo tư duy mới – quản lý từ đầu vào, quy trình sản xuất và sản phẩm đầu ra.

Theo Kiều Vui (Zing)