Mỗi lít xăng người dân phải 'cõng' 8.800 đồng tiền thuế phí

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong mặt hàng xăng dầu hiện nay, người dân đang phải cõng quá nhiều loại thuế phí, tổng thuế phí là trên 50%. Điều này đã khiến giá xăng dầu của Việt Nam cao hơn rất nhiều các nước, thậm chí là những nước có nền kinh tế thị trường phát triển như Mỹ.

Mỗi lít xăng người dân phải 'cõng' 8.800 đồng tiền thuế phí
Ảnh minh họa.

Tại Công văn số 13991/BTC-QLG ngày 4.10.2016 của Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu bình quân áp dụng trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tại các kỳ tính giá Quý 4/2016 như sau:

Mặt hàng dầu diesel là 2,10%, tăng so với mức 1,84% trong quý trước. Đặc biêt, thuế bình quân nhập khẩu với mặt hàng xăng 16,22%, tăng 0,48% so với mức 15,74% trong quý trước.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 5.10.2016 là 56,177 USD/thùng xăng RON 92. Trong khi đó, các đơn vị đầu mối xăng dầu cho biết để vận chuyển xăng về Việt Nam mất khoảng 2,5 -3 USD một thùng. Như vậy, giá CIF tính thuế nhập khẩu là 7.875 đồng/lít.

Hiện một lít xăng đang phải áp các loại thuế phí sau: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn.  

Với cách tính thuế mới, thuế nhập khẩu áp trên mỗi lít xăng là 1.275 đồng, thuế bảo vệ môi trường là 3.000 đồng, chi phí định mức là 1.050 đồng, lợi nhuận định mức là 300 đồng, quỹ bình ổn giá là 300 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt là 1.380 đồng và thuế VAT là 1.520 đồng. Như vậy, tổng các loại thuế phí một lít xăng phải gánh lên đến 8.825 đồng, chiếm trên 50% giá xăng hiện nay. Cụ thể, với mỗi lít xăng Ron 92 bán lẻ được niêm yết ở mức 16.400 đồng hiện nay, thuế phí đã chiếm tới 53,8% giá xăng.

Nhìn vào mức thuế, phí cao ngất ngưởng hiện nay chắc hẳn sẽ có nhiều tác động trực tiếp với giá bán xăng dầu tới tay người tiêu dùng. Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cách tính thuế phí trong mặt hàng xăng dầu còn rất nhiều bất cập, cần phải đưa ra bàn luận và xem xét một cách hợp lý.

Bất cập thứ nhất, theo PGS.TS Ngô Trí Long chính là việc chính sách giá xăng dầu của mỗi quốc gia sẽ phụ thuộc vào chính sách tài chính. Chính sách tài chính cũng chính là chính sách thuế và phí. Tuy nhiên, hiện 1 lít xăng dầu của Việt Nam phải cõng quá nhiều thuế phí. Điều này thực sự không đảm bảo lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

"Nhà nước thu nhiều quá, người dân lại phải "cõng" thêm nhiều chi phí trong lúc thu nhập còn thấp thì thật là không hợp lý", ông Long nói.

Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mãnh liệt, về chất lượng, về giá trị sử dụng thì yếu tố đầu vào là cực kỳ quan trọng. Mà xăng lại là mặt hàng nhập vào với mức thuế cao như vậy thì chắc chắn sẽ làm cho khả năng cạnh tranh của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực, trước bối cảnh năng lực cạnh tranh của nước ta còn rất yếu và thấp.

Thứ ba, trong cơ cấu mặt hàng xăng dầu hiện nay, cách tính thuế là một yếu tố quan trọng trong công thức tính giá. Theo ông Long, công thức tính giá hiện nay gồm các yếu tố: giá CIF, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. 

Với thuế nhập khẩu, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại với các nước nên mỗi nước sẽ có một cách tính thuế khác nhau. Nhưng theo cách tính bình quân gia quyền hiện nay, nếu doanh nghiệp nhập khẩu ở khu vực có mức thuế cao thì sẽ bị thiệt mà nhập ở nơi có mức thuế thấp thì lại hưởng lợi. 

Bên cạnh đó, trong khi điều chỉnh giữa các quý, thuế nhập khẩu đã được tính không sòng phẳng, luôn ở mức cao nhất. Điều này đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp "móc túi" của người tiêu dùng 3.500 tỉ. 

Với thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Long cho rằng, hiện nay đã bị tính nhầm do theo công thức cũ (công thực tính cũng với thuế tiêu thụ đặc biệt là luỹ kế trên giá CIF + thuế nhập khẩu) nên khoản thuế tiêu thụ đặc biệt bị tính thiếu là 185 đồng/lít. Người tiêu dùng được lợi nhưng doanh nghiệp lại không có lợi vì doanh nghiệp phải đóng thuế theo Nghị định 100 vừa được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 1.7.2016. Bất cập này sẽ làm thâm hụt hàng trăm tỉ đồng của doanh nghiệp. 

Một vấn đề nữa theo ông Long vẫn còn bất cập, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh vào những mặt hàng xa xỉ, mặt hàng không khuyến khích sử dụng, hoặc mặt hàng ảnh hưởng đến môi trưởng. Tuy nhiên, khi thuế môi trường đã bị áp ở mức cao gần kịch trần (3.000 đồng) thì thuế tiêu thụ đặc biệt lại bị áp tiếp 10%. Mặt khác, một điểm bất hợp lý tiếp là quỹ bình ổn được ứng ra để bình ổn giá nhưng cuối cùng lại vẫn bị áp thuế. Ở đây, chắc chắn đang xảy ra tình trạng thuế chồng thuế, cần phải xem xét lại.

"Những bất cập ở trên cần phải được điều chỉnh lại hợp lý để đảm bảo hài hòa lợi ích trên thương trường. Muốn tạo ra nguồn thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu, đừng nên vắt kiệt nguồn thu. Điều này thực sự bất hợp lý, khiến không chỉ người tiêu dùng mà ngay cả doanh nghiệp cũng rất ảnh hưởng", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo Tuyết Nhung (Motthegioi)