Mỗi ngày thế giới có gần 2.000 người tử vong vì kháng kháng sinh

Hiện tình trạng kháng kháng sinh đang trở thành vấn nạn toàn cầu mà theo Ngân hàng thế giới (World Bank), kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng nếu tình trạng nhờn thuốc kháng sinh không được giải quyết triệt để.

Các bác sĩ đa khoa luôn nói với bệnh nhân rằng việc không uống đủ liều kháng sinh là sự vô trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng. Nhưng một nghiên cứu khác lại cho thấy nếu uống thuốc sau khi đã khỏe mạnh có thể khuyến khích các siêu vi kháng thuốc.

Mỗi ngày trên thế giới có khoảng 1.900 người bệnh tử vong vì tình trạng kháng kháng sinh, tương đương 700.000 người thiệt mạng mỗi năm do tình trạng sử dụng quá nhiều kháng sinh gây nhờn thuốc. Tuy nhiên, số liệu của AMR cho thấy con số này có thể lên đến 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050, cao hơn cả số người tử vong do ung thư hàng năm.

 Mỗi ngày thế giới có gần 2.000 người tử vong vì kháng kháng sinh

Kháng kháng sinh đang ở mức báo động toàn cầu. Ảnh minh họa 

Năm 2014, Cựu thủ tướng Anh David Cameron đã công bố một báo cáo về tác động của tình trạng nhờn thuốc kháng sinh với nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, GDP hàng năm của thế giới sẽ giảm 2-3,5% từ nay đến năm 2050 nếu các quốc gia không có biện pháp đối phó, tương đương với 60-100 nghìn tỷ USD GDP bị mất.

Một báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng nhận định kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu tình trạng nhờn thuốc kháng sinh không được giải quyết triệt để.

Trước thực trạng trên đã có nhiều nghiên cứu về cách sử dụng thuốc kháng sinh thế nào cho an toàn. Mới đây nhất, một báo cáo từ 10 chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm của ĐH Oxford và Trường Y Brighton & Sussex cho thấy, việc ngừng uống kháng sinh sớm sẽ là cách an toàn và hiệu quả trong việc giảm việc lạm dụng thuốc.

GS. Martin Llewelyn, đứng đầu nhóm báo cáo, cho biết trên Dailymail: “Trong lịch sử, các liều kháng sinh đều được tính toán dựa trên nỗi lo ngại điều trị kém mà ít quan tâm đến việc sử dụng quá liều. Uống đủ liều có thể đang chống lại một trong những niềm tin về thuốc men cơ bản và phổ biến nhất. Có lẽ đã đến lúc chúng ta chỉ nên uống đủ nhu cầu”.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Ở ngoại viện, nơi các xét nghiệm lặp lại thường không khả thi, bệnh nhân nên ngừng dùng kháng sinh khi thấy khỏe hơn, điều này mâu thuẫn trực tiếp với khuyến nghị của WHO (bệnh nhân cần uống đủ liều kháng sinh thậm chí ngay cả khi họ bắt đầu thấy khỏe khoắn). Tuy nhiên, cộng đồng cần được khuyến khích để nhận ra rằng kháng sinh là một nguồn tài nguyên quý giá và cần được bảo tồn”.

Để có báo cáo này, các chuyên gia đã phân tích kết quả của rất nhiều nghiên cứu đáng tin cậy về kháng sinh. Họ nhận thấy một số liều điều trị ngắn hơn (giảm một nửa) không có tác dụng với sự hồi phục của bệnh nhân, khiến bệnh nhân tái phát bệnh và tử vong.

Một số kháng sinh khác sẽ hiệu quả nhất khi uống trong 1 thời gian dài hơn, chẳng hạn như kháng sinh điều trị lao, trong khi ở những bệnh nhân viêm phổi, liều ngắn hơn lại có hiệu quả.

Các tác giả cũng cho rằng cần có thêm nhiều thử nghiệm để đưa ra những khuyến nghị cụ thể về việc bệnh nhân nên uống thuốc trong bao lâu.

Trước việc GS. Llewelyn kêu gọi các bác sĩ ngừng khuyến nghị bệnh nhân nên uống đủ liều kháng sinh bởi lo ngại rằng việc tiếp tục điều trị sau khi bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn sẽ làm tăng tình trạng kháng kháng sinh - khi các siêu vi sẽ tiếp tục tiến hóa và trở nên miễn nhiễm với kháng sinh, GS. Helen Stokes-Lampard, Chủ tịch Hội các bác sĩ đa khoa Royal College (Anh) cho biết không nên thay đổi hành vi chỉ dựa trên 1 nghiên cứu như vậy.

Còn các bác sĩ đa khoa cho rằng việc không uống đủ liều kháng sinh là vô trách nhiệm, làm tăng nguy cơ kháng thuốc và họ luôn kêu gọi hãy thận trọng với bản báo cáo mới này. Còn theo Tổ chức Y tế cộng đồng Anh khuyến nghị bệnh nhân nên tiếp tục thực hiện việc uống kháng sinh theo lời khuyên của bác sĩ.

Theo vietq