Mối nguy hại từ thực phẩm online

Lo ngại trước tình trạng nguồn thực phẩm từ các chợ không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nhiều bà nội trợ đã đặt niềm tin vào những mặt hàng được gọi là “sạch” rao bán trên những trang mạng.

Vậy nhưng, đằng sau cái mác “thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn” kia lại tiềm ẩn không ít nỗi lo.

Khó đảm bảo an toàn

Rau sạch, thịt lợn sạch, trứng gà sạch… những sản phẩm được rao bán nhiều nhất tại các trang mạng kinh doanh thực phẩm. Nắm bắt được tâm lý của những bà nội trợ luôn “khát” thực phẩm sạch, nhiều nhà cung cấp đã rao bán đủ các loại, từ thực phẩm tươi sống, thức ăn đã chế biến sẵn cho đến các món ăn đặc sản dân dã của các vùng miền như nem chua Thanh Hóa, thịt trâu gác bếp Tây Bắc, măng tươi Lạng Sơn...

Thậm chí, nhiều cơ sở còn nhận cung cấp cả các món ăn vặt như nem chua rán, chân gà ngâm sả ớt, sữa chua nếp cẩm, bánh ngọt… Tất cả đều được gắn mác “sạch” kèm với lời quảng cáo “của nhà làm, đảm bảo an toàn”. Vậy nhưng, bên cạnh những cơ sở bán hàng có uy tín, không ít cơ sở kinh doanh theo hình thức “3 không”: không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc,  không đăng ký chất lượng vệ sinh ATTP.

Mối nguy hại từ thực phẩm online
Mua thực phẩm qua mạng là sở thích của nhiều chị em dân văn phòng. Ảnh: Diệu Ngân

Tại nhiều trang mạng, trên lời quảng cáo sản phẩm luôn khẳng định đảm bảo chất lượng vì được lấy từ các nhà cung cấp lớn hoặc các hợp tác xã rau sạch. Tuy nhiên, theo lời anh Nguyễn Văn L. – chủ một hàng rau tại chợ đầu mối Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội), nhiều đơn vị cung cấp thực phẩm sạch vẫn lấy rau của anh rồi đem về sơ chế, đóng gói, bán với giá gấp đôi, gấp ba lần giá nhập ban đầu.

Hay như trường hợp của chị Lưu Hoàng Lan (quận Đống Đa, Hà Nội), tin tưởng vào món mực rim me được rao bán trên một facebook khá nổi tiếng chuyên cung cấp đồ ăn vặt, chị đã mua về cho cả gia đình dùng. Nhưng sau khi nhận sản phẩm chị mới phát hiện sản phẩm được đựng trong hộp nhựa sơ sài, không nhãn mác, không ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng. Thậm chí, nhiều miếng mực đã mốc xanh, mốc đỏ.

Hay như mặt hàng trứng được gắn mác “trứng sạch” xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng cũng khó có thể khẳng định được có thực sự sạch hay không. Theo lời quảng cáo, loại trứng này là sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ từ con giống, thức ăn, vệ sinh chuồng trại đến quá trình vận chuyển từ trại nuôi về nhà máy xử lý trước khi đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, đại diện một DN buôn trứng từ Thanh Hóa về Hà Nội lại tiết lộ: Mức độ sạch của trứng “sạch” hiện chỉ dừng lại ở việc xử lý trứng qua hệ thống máy móc để làm sạch vỏ ngoài của trứng, còn việc kiểm soát từ chất lượng đầu vào (con gà có được tiêm phòng đầy đủ không, chế độ dinh dưỡng có bảo đảm, có sử dụng thức ăn có chứa chất kích thích tăng trưởng không…) thì chưa ai làm được.

Thực tế, loại hình kinh doanh thực phẩm qua mạng này không khác gì thức ăn đường phố. Đối với các mặt tươi sống như rau, thịt, người tiêu dùng không thể kiểm chứng được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không có bằng chứng để chắc chắn sản phẩm này được nhập từ một cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn. Đối với các món ăn được chế biến sẵn lại càng khó đảm bảo ATTP hơn, bởi nó được chế biến ở các cơ sở nhỏ lẻ, không đủ điều kiện để sản xuất thức ăn với số lượng lớn.

Nâng cao ý thức cảnh giác

Theo quy định mới nhất của Bộ Công Thương, từ ngày 20/1/2015, mọi hoạt động kinh doanh qua mạng sẽ phải kê khai thông tin và đóng thuế. Do đó, cơ sở kinh doanh phải cung cấp thông tin gồm: tên, trụ sở thương nhân, tổ chức hoặc tên, địa chỉ thường trú cá nhân cùng các chứng thực đăng ký kinh doanh của cá nhân.

Tuy nhiên, do nhiều trở ngại trong việc xác định các cơ sở kinh doanh online nên cho đến thời điểm này, Sở Công Thương vẫn chưa thể triển khai việc quản lý kinh doanh qua mạng nói chung và quản lý kinh doanh thực phẩm trên facebook nói riêng. Chính vì vậy, các cơ sở này vẫn đang vô tư hoạt động, ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Có lẽ vậy, nên việc "tuồn" những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng của những chủ buôn kiểu này cũng là điều dễ hiểu.

Theo bác sĩ Chu Thanh Hương (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), người tiêu dùng nên cân nhắc khi sử dụng những loại thức ăn được bán qua mạng không rõ nguồn gốc, nhất là đồ ăn ngay, ăn nhanh. Bởi những loại thực phẩm đó trong quá trình vận chuyển đến tay người dùng thường không bảo đảm, thậm chí không được bảo quản trong những thiết bị vận chuyển chuyên dụng theo quy định về vệ sinh ATTP, có thể nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp. Chính vì vậy, nếu thực khách dễ dàng tin vào lời quảng cáo “của nhà làm, đảm bảo bảo an toàn” mà vô tư sử dụng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Đây là vấn đề khó có thể ngay lập tức giải quyết được.

Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khẳng định, nhiều cơ sở chế biến và bán thức ăn qua mạng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP. Họ vừa bán hàng rong ngoài đường phố, vừa có dịch vụ cung cấp thức ăn trên mạng. Nếu phát hiện bất cứ cơ sở sản xuất nào sai phạm các quy định về ATTP thì cơ quan chức năng sẽ có hình thức xử lý tương tự các cơ sở sản xuất thực phẩm đường phố. Tuy nhiên, trước vấn đề quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm trên mạng vẫn bị buông lỏng thì hơn ai hết, chính người tiêu dùng cần nâng cao ý thức cảnh giác với mặt hàng này để đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như người thân trong gia đình.

Đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu

Công ty chúng tôi cung cấp đầy đủ các mặt hàng từ rau củ quả, thịt tươi sống cho đến thực phẩm chế biến sẵn, hình thức bán hàng chủ yếu qua trang web và facebook. Với phương châm kinh doanh “đặt sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu” nên chúng tôi luôn coi trọng việc đảm bảo ATTP. Chúng tôi thực hiện vì người tiêu dùng chứ không phải để đối phó với các cơ quan chức năng. Các sản phẩm chúng tôi nhập về đều có nguồn gốc rõ ràng, đối với sản phẩm thịt tươi sống đều có giấy kiểm dịch động vật. Tuy nhiên, trên thị trường chúng tôi biết, không phải cơ sở kinh doanh sản xuất thực phẩm nào cũng coi trọng điều này nên vẫn có tình trạng đem hàng “bẩn” vào gắn mác hàng “sạch”, làm ảnh hưởng đến hình thức kinh doanh chung này của nhiều cơ sở khác. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải sáng suốt trong việc lựa chọn.

Chị Vũ Ngọc Hạnh - Đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Khánh Long

 

Thận trọng khi lựa chọn

Nhóm thức ăn online tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP. Đầu tiên, thực phẩm có khả năng nhiễm vi sinh do quá trình chế biến không đủ điều kiện theo quy định, nên bị nhiễm từ môi trường bên ngoài vào. Ngoài ra, cũng có khả năng thực phẩm nhiễm hóa chất, sử dụng các hóa chất không nằm trong danh mục Bộ Y tế cho phép, hoặc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.  Chính vì vậy, người tiêu dùng nên thận trong trong việc lựa chọn thực phẩm online, học cách chọn những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ được sản xuất ở những cơ sở có thương hiệu lâu năm hay chọn các sản phẩm này phải được bày bán ở nơi có đủ điều kiện bảo quản như siêu thị, cửa hàng tiện ích. Có như vậy mới bảo đảm ATTP.

Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hà Nội

Phải có cơ chế giám sát

Nhiều mặt hàng thực phẩm được bán online là những sản phẩm được chế biến tại hộ gia đình. Tuy nhiên, thói quen chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm ngay tại hộ gia đình cũng là một trong số nguyên nhân tiềm ẩn gây ngộ độc. Người sản xuất phải có thói quen bảo quản thực phẩm đúng quy định, đúng chủng loại thì mới tránh được ngộ độc. Quan trọng nhất là chúng ta phải đưa ra cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao những cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, nguồn thực phẩm đầu vào cũng phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Bởi chính nguồn thực phẩm đầu vào là vấn đề lo lắng nhất trong việc bảo đảm ATTP hiện nay.

Bác sĩ Lê Thị Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng)

Theo Trần Nga(KTDT)