Muối "cổ đại" 250 triệu năm chị em đang săn lùng có thực sự tinh khiết?

Loại muối được quảng cáo là "cổ đại" này đang gây sốt trên thị trường và được nhiều bà nội trợ tìm mua vì cho rằng nó rất giàu khoáng chất.

Gần đây, trên thị trường rộ mốt dùng muối hồng "cổ đại" để làm gia vị thay cho muối trắng thông thường. Theo lời giới thiệu, quảng cáo thì loại muối có màu hồng đục như thạch anh này được khai thác ở chân núi Himalayas, hình thành từ 250 triệu năm trước, là muối sạch, không chứa kim loại nặng. Hiện nay, loại muối này có giá 99.000 đồng/kg – đắt gấp 30 lần muối Việt.

Tra cứu trên intetnet, hàng loạt kết quả đưa ra với từ khóa "muối hồng cổ đại" hoặc "muối Himalayas", chủ yếu là các trung tâm chăm sóc, làm đẹp và cả một số địa chỉ chuyên cung cấp thứ muối gia vị này:

"Đá muối Himalayas là loại muối tinh khiết nhất trên thế giới, được khai thác ở Pakistan từ độ sâu hơn 2km trong lòng đất, chứa đến 84 trong tổng số 92 loại khoáng chất có lợi cho sức khỏe mà khoa học từng biết đến, có lợi cho sức khoẻ".

"Khác hoàn toàn muối tinh luyện, muối ăn Himalayas có cấu trúc tinh thể hoàn hảo, chứa 84 khoáng chất tự nhiên và được khai thác thủ công bằng tay đã rửa sạch. Đây là loại muối ăn tinh khiết nhất trên thế giới hiện nay, không chứa độc tố hay bất kỳ hóa chất gây ô nhiễm nào".

Anh Hùng (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, muối "cổ đại" cũng không khác gì muối trắng mà anh vẫn thường dùng nấu ăn. Nhưng vì tò mò vì thấy loại muối này gần như là tinh thể hóa thạch, đồng thời cho rằng do hình thành từ hàng triệu năm trước nên muối sẽ không nhiễm các chất kim loại nặng hay chất độc hại.

Muối

Muối hồng "cổ đại" đang khiến nhiều bà nội trợ Hà Thành tò mò. Ảnh: VietNamNet

Để tìm hiểu rõ hơn về loại muối "cổ đại" này, chúng tôi tìm đến GS.TS Trần Nghi (Chủ tịch Hội Trầm tích Việt Nam) - người có nhiều năm nghiên cứu môi trường, trầm tích biển. Ông phân tích:

"Tôi không nghĩ rằng trên núi Himalayas lại có loại đá muối này mà là ở khu vực nào đó có khí hậu khô nóng. Đá muối là chuyện bình thường, ví dụ như ở Lào dù không có biển nhưng họ vẫn có thể khai thác muối để ăn. Đó là muối của biển cổ thời xưa, hình thành khoảng 150 triệu đến 200 triệu năm về trước vì giai đoạn này khí hậu Trái đất khô nóng. Qua quá trình địa chất, biển bị cô lập lại thành hồ rồi bay hơi cạn hết thành mỏ muối, bị lẫn trong đá rồi giờ người ta khai thác nó.

Theo GS Nghi, ngoài màu trắng thì muối mỏ còn có thể có màu hồng, xanh là do chúng bị lẫn các tạp chất khác.

"Muối là của biển. Muối cổ này được tạo nên qua quá trình thay đổi địa chất của thiên nhiên thì cũng tương tự như vậy, việc người dân làm muối biển ở Việt Nam chỉ là một hình thức đốt cháy giai đoạn.

Để đánh giá muối đá này có tinh khiết hay không còn tùy theo từng mỏ. Không phải mỏ muối nào cũng tinh khiết. Nhưng việc chúng có màu hồng như vậy đã là không tinh khiết rồi, bởi muối nếu tinh khiết là phải màu trắng.

Theo nghĩa tinh khiết, công thức của muối ăn là NaCl (Clorua natri) và không chứa những tạp chất khác. Muối mà người dân làm ở biển có công thức này thì muối đá cũng tương tự, nhưng vì ở trên núi nên sẽ có tạp chất, ví dụ là KCl (Kali Clorua).

Có thể muối ăn cũng lẫn cả muối Kali vì nguyên tố Kali và Natri ở trong biển luôn đi với nhau, khi kết tủa thì chúng khó phân hủy ra nhưng chủ yếu vẫn là Clorua Natri. Nếu muối mỏ lẫn các thứ muối khác thì không tinh khiết nhưng cũng không có chất độc hại".

Tuy nhiên, việc chúng có thực sự giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe hay không thì phải qua phân tích cụ thể mẫu muối xem hàng lượng muối NaCl, KCl là bao nhiêu và còn lẫn tạp chất khác nào nữa – ông Nghi cho biết.

Theo GĐ