Muốn thành thủ phủ tôm thế giới, Việt Nam phải kiểm soát được điều này

Tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải đưa Việt Nam thành thủ phủ tôm của thế giới. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng ta phải giải quyết được vấn đề tồn đọng thuốc kháng sinh trong tôm và thủy hải sản nói chung.

Tiến sĩ (TS) Chu Vân Hải – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE) đã có những chia sẻ với khampa.vn về các biện pháp kiểm tra lượng kháng sinh tồn dư trong thủy hải sản, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến những lô hàng thủy hải sản nói chung và tôm Việt Nam nói riêng bị trả về khi xuất khẩu. 

- Hiện nay, việc dư thừa lượng kháng sinh trong thủy sản đã khiến nhiều lô hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các nước bị trả lại. Bà có trhể cho biết, những loại kháng sinh nào thường tồn dư trong tôm cũng như các loại thủy sản? Tác hại của chúng ra sao?

TS Chu Vân Hải: Những loại kháng sinh tồn dư trong tôm cũng như các loại thủy sản nhiều nhất hiện nay là: Enrofloxacin, Oxytetracycline, Chloramphenicol, Malachite Green, Ciprofloxacin, Sulfonamides, Nitrofurans….

Enrofloxacin gây mù lòa vĩnh viễn, Chroramphenicol gây thiếu máu và Oxytetraxycline gây dị ứng đường tiêu hóa. Ngoài ra, các loại kháng sinh tích tụ lâu ngày gây cản trở cho việc điều trị bệnh bằng kháng sinh, cũng như có thể gây đột biến, ung thư…

- Do đâu có sự tồn dư này, thưa bà?

TS Chu Vân Hải: Do việc nuôi trồng thủy sản ở nước ta hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào kiến thức, kinh nghiệm, trình độ của người nuôi trồng thủy sản, cho nên không tránh khỏi việc họ lạm dụng thuốc kháng sinh. Bởi vì kháng sinh rất dễ mua lại rẻ tiền, dễ phòng ngừa bệnh cho thủy sản - bất kể thủy sản có bệnh hay không. 

- Từ lúc cho ăn cho đến lúc xuất khẩu, cần thời gian bao lâu để lượng thuốc kháng sinh tiêu biến hết?

TS Chu Vân Hải: Thường thì phải ngưng sử dụng thuốc ít nhất 28 ngày trước khi thu hoạch để thủy hải sản trở nên “sạch” (theo cách sử dụng sản phẩm Bayer VietNam - tập đoàn sáng tạo có chuyên môn trong lĩnh vực Chăm sóc ức khỏe và Nông nghiệp - PV) .

Muốn thành thủ phủ tôm thế giới, Việt Nam phải kiểm soát được điều này

Nhiều lô hàng thủy hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước bị trả lại do dư lượng thuốc kháng sinh (Ảnh: Hội Nông dân Việt Nam)

- Theo bà, quy trình nuôi trồng thủy hải sản của các nước trên thế giới có gì khác Việt Nam?

TS Chu Vân Hải: Theo các tài liệu hiện nay, quy trình nuôi trồng thủy hải sản trên thế giới cũng giống như Việt Nam. Nó gồm các bước sau: Chọn lựa ao và mùa vụ, hệ thống cống; cải tạo, xử lý ao nuôi; xử lý gây màu nước phù hợp; chọn lựa con giống, mật độ và thức ăn; chăm sóc trong quá trình nuôi.

Nếu có khác thì khác ở khâu chăm sóc, cách sử dụng kháng sinh cho vật nuôi.

- Ngoài việc phân tích thử nghiệm, có cách nào nhận biết bằng mắt thường những con tôm bị bệnh hay dư thừa lượng kháng sinh không, thưa bà?

TS Chu Vân Hải: Hoàn toàn không thể phân biệt được tôm thường và tôm có dư lượng kháng sinh bằng mắt thường. Bắt buộc phải qua các phương pháp phân tích tại phòng thí nghiệm hoặc các bộ test kit nhanh.

- CASE đang áp dụng những quy trình phân tích thử nghiệm nào để phân tích các mẫu thử thủy sản của khách hàng?

TS Chu Vân Hải: Hiện nay, CASE đang áp dụng những quy trình phân tích thử nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 về hệ thống quản lý chất lượng áp dụng chuyên biệt cho hệ thống phòng thí nghiệm và hiệu chuẩn.

Phương pháp này có độ tin cậy cao vì CASE thường xuyên tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo, so sánh liên phòng từ các chương trình uy tín và chất lượng như  FAPAS, APLAC, VINALAB… và các cục, bộ chuyên ngành liên quan. 

Muốn thành thủ phủ tôm thế giới, Việt Nam phải kiểm soát được điều này

Tiến sĩ Chu Vân Hải – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (Ảnh: NVCC)

- Vậy theo bà, làm thế nào để kiểm soát lượng thuốc kháng sinh trong thủy hải sản và tôm?

TS Chu Vân Hải: Để lượng thuốc kháng sinh trong thủy hải sản luôn ở mức cho phép, chúng ta cần sử dụng kháng sinh sao cho hợp lý và hiệu quả, đúng lúc, đúng liều, đúng thuốc và an toàn. Chúng ta xem kháng sinh là hàng rào phòng thủ cuối cùng chứ không nên xem là biện pháp phòng bệnh. Đồng thời các cơ quan chức năng phải tăng cường quản lý chặt đầu vào các loại kháng sinh.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên chú trọng tuyên truyền về  tác hại của những loại hóa chất, kháng sinh cấm đến người nuôi thủy sản và các đối tượng có liên quan như sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, hóa chất, kháng sinh, thức ăn thủy sản…

- Và cần có những biện pháp gì trong việc kiểm định để hạn chế lượng thuốc kháng sinh tồn đọng trong thủy sản, thưa bà?

TS Chu Vân Hải: Cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra trên các thiết bị hiện đại. Ví dụ như hệ thống sắc ký lỏng ghép khối phổ bằng hệ thống các phòng thí nghiệm đã được các bộ ngành chỉ định. Và CASE là một trong những phòng thí nghiệm đó.

Các doanh nghiệp phải xây dựng quy trình nuôi khép kín theo tiêu chuẩn 3F: Feed (cho ăn) – Farm (trang trại) – Food (thức ăn). Từ đó mới có thể kiểm soát chất lượng thủy hải sản từ thức ăn, nuôi trồng và chế biến, để cho ra sản phẩm sạch đúng theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Ngoài ra, cần phải nhanh chóng cập nhật các tiêu chuẩn từ các nước nhập khẩu để đáp ứng kịp thời các quy định, tiêu chuẩn đó.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Theo KP