Mỹ phẩm, khăn giấy ướt và sức khỏe người tiêu dùng

Sau khi Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế ban hành văn bản bổ sung quy định cấm 5 dẫn xuất paraben trong mỹ phẩm đã gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Để cung cấp thông tin bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mỹ phẩm, khăn giấy ướt thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế, Báo Người Tiêu Dùng phối hợp Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) chủ trì hội thảo “Mỹ phẩm, khăn giấy ướt và sức khỏe người tiêu dùng”.

Tiền mất tật mang vì hàng kém chất lượng

Mỹ phẩm, khăn giấy ướt và sức khỏe người tiêu dùng

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký VINASTAS.

Tại diễn đàn, PGS.TS.BS Lê Ngọc Diệp cho biết: “Ngoài các chất bị cấm trong quy định của Bộ Y tế, trên thực tế, rất nhiều chất vẫn đang sử dụng trong công nghiệp sản xuất thuốc, mỹ phẩm vì đó là những chất quan trọng, chưa tìm ra được chất nào an toàn để có thể thay thế. Ngoài ra, từ trào lưu thích da trắng của chị em phụ nữ, rất nhiều loại mỹ phẩm làm trắng da, trắng da cấp tốc xuất hiện được quảng cáo làm trắng da siêu tốc với giá thành từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng được bày bán tràn lan trong cửa hàng, ngoài vỉa hè hay trên các trang bán hàng online như facebook, rao vặt... từ hàng trôi nổi không nhãn mác đến hàng đã đăng ký với cơ quan chức năng.

Theo ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký VINASTAS cho biết: “Vừa qua Hội đã có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại khi mua mỹ phẩm qua mạng về sử dụng bị dị ứng, sau đó nhờ VINASTAS hỗ trợ nhưng không tìm được người bán. Hiện có nhiều người tiêu dùng còn quá dễ dãi khi mua mỹ phẩm, tin lời quảng cáo qua mạng mà mua hàng không rõ nguồn gốc, không lấy hóa đơn đã “tạo đất sống” cho những người làm ăn bất chính, khi xảy ra chuyện thì không thể tìm cơ quan chịu trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Nhức nhối vấn nạn hàng giả

Mỹ phẩm, khăn giấy ướt và sức khỏe người tiêu dùng

Ông Lê Quang Được, Giám đốc Việt Úc trao đổi với báo chí.

Chuyện hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đang là nỗi nhức nhối của toàn xã hội, không chỉ đau đầu cơ quan quản lý nhà nước mà làm điêu đứng các doanh nghiệp chân chính và người chịu thiệt thòi vẫn là người tiêu dùng.

Đơn cử sản phẩm khăn giấy ướt, để thay thế khăn lạnh bằng vải thường được tái sử dụng nhiều lần, người tiêu dùng bắt đầu sử dụng khăn giấy ướt. Nhờ đó, nhu cầu về khăn giấy ướt tăng mạnh. Nắm bắt được nhu cầu thiết yếu này, nhiều cơ sở sản xuất giả, nhái và kém chất lượng hình thành gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của các nhà sản xuất chân chính.

Trong khuôn khổ hội thảo, ông Lê Quang Được, Giám đốc CTCP Thương mại và Dịch vụ Quốc tế Việt Úc (Công ty Việt Úc) bày tỏ: “Gần đây, sản phẩm khăn giấy ướt của công ty Việt Úc bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm giả, nhái khiến công ty mất thị phần ở thị trường truyền thống. Các sản phẩm giả, nhái được sản xuất thủ công, rất mất vệ sinh nên thường phải lạm dụng chất bảo quản, kể cả chất cấm để chống nấm, mốc, với giá thành chỉ bằng 1/3 nhưng giá bán bằng hàng thật để người tiêu dùng không nghi ngờ. Khi xảy ra sự cố, hình ảnh công ty bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.”

Không chỉ riêng doanh nghiệp của ông Được mà rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang gặp phải khó khăn và đối đầu với nạn hàng giả hiện nay.

Tiếng nói người trong cuộc

Hiện nay, có nhiều hành vi tinh vi, thủ đoạn gian dối trong việc sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Các sản phẩm bị làm giả ngày càng đa dạng và phổ biến nhất là các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh nói chung và khăn giấy ướt nói riêng. Sản phẩm, thương hiệu hàng hóa nào được người tiêu dùng tin dùng lập tức bị làm giả, làm nhái cao nhất với tốc độ nhanh đến chóng mặt.

Trao đổi với PV Báo Người Tiêu Dùng, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký VINASTAS cho biết: “Việc sử dụng khăn ướt kém chất lượng về lâu dài rất nguy hại tuy nhiên hiện các phòng thí nghiệm trong nước vẫn chưa sẵn sàng để thực hiện các xét nghiệm này. VINASTAS đã gửi công văn đến Trung tâm Tiêu chuẩn Kỹ thuật Đo lường Chất lượng 1 và Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, 2 cơ quan đầu ngành về kiểm nghiệm, nhưng đều trả lời chưa có chất “chuẩn” nên chưa thể thực hiện xét nghiệm tìm ra những chất cấm mới trong sản phẩm. Người tiêu dùng chỉ có thể dựa vào một số kinh nghiệm hoặc tư vấn của bác sĩ để lựa chọn sản phẩm an toàn khi sử dụng”.

Tuy nhiên, khi lựa chọn sản phẩm mỹ phẩm và khăn giấy ướt người tiêu dùng nên thận trọng và phải xem xét nguồn gốc, bao bì, nhãn mác. Đừng vì ham rẻ mà mua nhầm những sản phẩm trôi nổi trên thị trường, không an toàn cho sức khỏe để rồi gặp phải trường hợp “tiền mất tật mang”.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp chân chính, tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đề xuất những kiến nghị với cơ quan nhà nước như: Mong muốn cơ quan nhà nước đẩy mạnh hơn nữa công tác chống hàng nhái, hàng giả. Điều này không chỉ để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp mà hơn hết là quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam. Các cơ quan chức năng cần kiểm soát những nơi sản xuất mỹ phẩm chui không đăng ký và tăng cường hậu kiểm đối với các doanh nghiệp có đăng ký vì nhiều trường hợp đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo, cho vào các thành phần độc hại.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Công ty Việt Úc đã ứng dụng bộ tem phụ bằng decal nhựa cao cấp, khi lột ra hiện rõ logo Baby Care in chìm phía sau và nắp hình chiếc lá giống như logo, có in nổi chữ AVN (tên công ty viết tắt). Việt Úc luôn khuyến cáo người tiêu dùng tìm hiểu và kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua hàng, và nên chọn sản phẩm của những công ty có uy tín trên thị trường.


Theo Lê Châu - Ảnh: Trần Phong (NTD)