Năm 2016, toàn quốc xảy ra 21.500 vụ tai nạn giao thông

Sáng 4/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016 và triển khai công tác năm 2017.

Năm 2016, toàn quốc xảy ra 21.500 vụ tai nạn giao thông
Theo báo cáo, năm 2016 có 40 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì tai nạn giao thông, nhưng 20 địa phương khác lại tăng. Ảnh: T.L

Theo Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, năm 2016 (từ ngày 16/12/2015 - 15/12/2016), toàn quốc xảy ra hơn 21.500 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.685 người, bị thương 19.280 người. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 1.261 vụ, giảm 43 người chết, giảm 1.792 người bị thương.

Có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì tai nạn giao thông. Trong đó 13 địa phương giảm trên 10% số người chết là: Tây Ninh, Tuyên Quang, Trà Vinh, Lai Châu, Bắc Giang, Long An, Bạc Liêu, Gia Lai, Yên Bái, Quảng Trị, An Giang, Lào Cai, Đăk Nông. Các tỉnh Tây Ninh, Tuyên Quang, Trà Vinh, Lai Châu giảm trên 20% số người chết do tai nạn giao thông. 20 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 9 tỉnh, thành phố tăng trên 10% là: Quảng Ngãi, Hòa Bình, Cao Bằng, TPHCM, Đồng Tháp, Hà Giang, Hải Dương, Tiền Giang, Cà Mau.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Liên tục từ năm 2011 đến hết năm 2016, tai nạn giao thông đã được kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương; ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM từng bước được khắc phục.

Năm 2017, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã xây dựng chương trình Năm an toàn giao thông với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu nhi” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”, mục tiêu phấn đấu giảm từ 5-10% số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông so với năm 2016.

Tại lễ ra quân, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và tổ chức triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông; gắn kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông với trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

Phương châm chỉ đạo, điều hành trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2017 là “Thường xuyên, kịp thời, thực tiễn, dứt điểm”. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực của thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Chú trọng quản lý vận tải; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; đăng kiểm phương tiện; tuần tra, kiểm soát.

Tăng cường bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, trước tiên là xử lý triệt để các điểm đen về an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; tại các giao cắt giữa đường phụ ra đường chính, các điểm đường ngang qua đường sắt, các điểm tiềm ẩn tai nạn trên đường thủy.

Phó Thủ tướng chỉ đạo cần tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm minh, cương quyết các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như lái xe quá tốc độ cho phép; lái xe khi đã uống rượu, bia; xe khách đón, trả khách trái phép trên đường cao tốc; chở quá tải trọng phương tiện. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, xây dựng văn hoá giao thông tới mọi người dân, đặc biệt là đối với thanh, thiếu nhi, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đồng bào nghèo.

Theo GĐ