Nấm mốc ngày nồm 'thủ phạm' vô hình gây nhiều bệnh tật

Thời tiết nồm là lúc nấm mốc xuất hiện xung quanh môi trường sống của chúng ta, nếu không cẩn thận đây chính là thủ phạm khiến nhiều người nhập viện.

Nấm mốc gây dị ứng

Theo báo Dân Trí, thời tiết nồm ẩm, mưa phùn của miền Bắc những ngày gần đây khiến cửa nhà lúc nào cũng trong tình trạng ướt át, hôi. 

Nấm mốc xuất hiện trong nhà dưới dạng những vết bám bướng bỉnh trên tường nhà bếp, nhà tắm… Sống chung với nấm mốc chưa bao giờ là một trải nghiệm thú vị bởi chúng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta.

Như chúng ta đã biết, nấm mốc có thể gây dị ứng ở một số người và còn khiến bệnh hen suyễn trở nên trầm trọng hơn nếu bệnh nhân tiếp xúc với chúng.

Theo GS Connie Katelaris thuộc ngành Miễn dịch học và Dị ứng tại ĐH Western Sydney, chính nấm mốc gây hen suyễn ở những người có hệ miễn dịch suy yếu do di truyền.

Ví dụ trong trường hợp bố mẹ dễ mắc các bệnh dị ứng và điều này di truyền sang con thì đứa trẻ có nguy cơ cao nhiễm bệnh hen suyễn nếu một số loại nấm mốc xuất hiện trong nhà.

Nấm mốc ngày nồm ‘thủ phạm’ vô hình gây nhiều bệnh tật

Nấm mốc có mặt ở khắp nơi nếu không được vệ sinh sạch sẽ. Ảnh minh họa

Các nhà khoa học đã xem xét 36 loại nấm mốc khác nhau thu thập từ những mẫu bụi trong các gia đình và đã tìm ra ba loại nấm mốc thường xuất hiện trong những căn nhà có hệ thống nước bị hư hỏng, họ cho rằng điều này liên quan đến sự phát triển của bệnh hen.

Một số tác nhân phổ biến khác có thể gây dị ứng gồm những hạt bụi li ti trong không khí, gián, hay lông chó mèo,... tuy nhiên trong số đó chỉ có nấm mốc có thể gây ảnh hưởng đặc biệt nguy hại đến sức khỏe.

Nấm mốc gây rối loạn hô hấp

Nấm mốc giống như các loại nấm và nấm men khác có ở khắp mọi nơi, trong bụi xung quanh nhà hay trong không khí mà chúng ta hít thở. Nấm mốc sinh sản theo hình thức tự phân đôi, chúng tạo ra các bào tử và phát tán trong không khí.

Khi hít phải nấm mốc cơ thể sẽ phản ứng tương tự như khi hít phải bụi hoặc phấn hoa.

“Bạn hít phải nấm mốc và chúng gây dị ứng do nấm mốc mà chúng ta hít phải sẽ kích thích một số kháng thể nhất định, các kháng thể này gây nên một chuỗi các biểu hiện dị ứng giống với phản ứng của cơ thể khi mắc chứng cảm sốt hoặc hen suyễn”, GS Katelaris nói.

Nấm mốc là mối nguy hiểm đối với sức khỏe trong trường hợp bạn có hệ miễn dịch bị suy yếu.

Người mắc một số bệnh như xơ nang (bệnh di truyền thường gặp, khi mắc bệnh, các chất đặc nhầy sẽ sinh ra ở phổi và tụy gây rối loạn hô hấp và rối loạn tiêu hóa) hoặc viêm phổi mãn tính có thể nhiễm trùng hệ miễn dịch nếu hít phải một số loại nấm mốc.

Nấm mốc ngày nồm ‘thủ phạm’ vô hình gây nhiều bệnh tật

Ngày nồm, mưa ẩm nấm mốc lại càng xuất hiện nhiều nguy cơ gây bệnh dị ứng, hen suyễn. Ảnh minh họa

Nấm mốc gây độc tố

Cũng theo chuyên gia, nấm mốc có thể chứa chất độc trong thành phần cơ thể của nó hoặc có khả năng sản sinh ra độc tố gây nguy hại đến sức khỏe, song cho đến nay chúng ta vẫn chưa có được hiểu biết toàn diện về vấn đề này.

Cách đề phòng nấm mốc

Báo Gia đình & Xã hội dẫn thông tin từ PGS.TS Trần Hồng Côn, thời tiết nồm là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc phát triển mạnh. Để tránh nấm mốc, mọi người cần lau sạch ngay những chỗ có nước ngưng tụ.

Bật quạt thông gió làm thông hơi ra ngoài. Trong nhà nên xếp các đồ dễ bị ẩm mốc lên cao, không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Để thoáng gầm giường, tủ… để tránh mọc nấm mốc không biết.

Quần áo, khăn cất ở nơi sạch sẽ và khô ráo, dịch chuyển tủ quần áo ra xa khỏi chỗ xuất hiện nấm mốc, không để quần áo bị ẩm ướt trong máy giặt, lau tường trong phòng tắm, phòng bếp, vòi sen bằng giẻ lau hoặc miếng mút…

Khi lau dọn để loại bỏ những chỗ nấm mốc cần phải cẩn thận tránh tiếp xúc trực tiếp đến các mảng mốc.

Nếu không cẩn thận, nấm mốc có thể gây ra những điều bất lợi cho sức khỏe với nhiều bệnh như dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc các bệnh ngoài da... Nên dùng găng tay và khẩu trang khi lau chùi nấm mốc.

Theo vietq