Ngày Tết: Uống nước giải khát hay uống hóa chất?

Ngày lễ Tết là thời điểm tiêu thụ nước giải khát tăng mạnh. Lợi dụng nhu cầu này nhiều nhà sản xuất đã tung ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân.

Theo thông tin trên báo VietNamNet, nước giải khát là một trong những mặt hàng đóng góp tới 63% doanh thu dịp Tết.

Đàn ông có xu hướng tiêu thụ bia và rượu nhiều hơn cả, còn phụ nữ và trẻ nhỏ lại thường chọn cho mình các sản phẩm nước giải khát như nước ngọt có ga, nước trái cây để đón năm mới.

Ngày Tết: Uống nước giải khát hay uống hóa chất?

Nước giải khát là mặt hàng tiêu thu mạnh trong dịp lễ Tết. Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên mạng xã hội và các trang tin tức liên tục xuất hiện các clip lật tẩy quy trình sản xuất nước giải khát bẩn, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, các chất hóa học gây hại, hệ thống trang thiết bị sản xuất thô sơ, ẩm mốc, gây hoang mang dư luận và làm mất niềm tin nơi người tiêu dùng.

Cuối tháng 11/2016, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản thông báo gửi đến các chi cục an toàn thực phẩm các tỉnh về việc tạm dừng lưu thông 6 lô nước giải khát của một công ty vì lý do kết quả kiểm nghiệm không đạt chất lượng. 

Trước đó 1 thương hiệu lớn cũng bị tạm dừng lưu thông 13 sản phẩm vì chưa có giấy phép sản xuất thực phẩm bổ sung.

Người dùng nên tỉnh táo 

Nước giải khát luôn được quảng bá "tốt cho sức khỏe" và có bao bì bắt mắt, nhưng khi mua hàng, người tiêu dùng cần lưu ý đến chất lượng của sản phẩm.

Chẳng hạn, một loại nước tăng lực được cho là có thành phần nhân sâm nhưng trên nhãn hàng cho thấy hàm lượng chiết xuất từ nhân sâm rất nhỏ, chỉ khoảng 40mg/lít.

Trong khi đó, hàm lượng cafein - chất có tác dụng làm "tỉnh táo" lại ở mức 190mg/l, cao gấp bốn lần so với hàm lượng của nhân sâm.

Có loại trà xanh vị chanh được quảng bá 100% từ thiên nhiên, nhưng thực chất vị chua có trong loại trà này có được nhờ vitamin C và hương chanh được bổ sung từ hương liệu tổng hợp.

Nhiều loại nước ép trái cây màu sắc bắt mắt, nước ép hương vải, nước ép hương dâu, nước cam ép... thực chất thành phần chính chỉ là nước, đường cùng hương vải hoặc hương dâu, hương cam tổng hợp, chất điều chỉnh độ chua, chất bảo quản, màu tổng hợp. 

Ngay cả dòng sản phẩm được quảng bá là thanh nhiệt được làm từ thảo dược nhưng tổng hàm lượng của các thảo dược chỉ ở mức 13-15%, còn lại là nước, đường...

Tác hại khôn lường

Theo Tạp chí Thực Phẩm Chức Năng Health+, nói tới tác hại của nước giải khát, các chuyên gia còn cho rằng, nước giải khát có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng, ngoài việc khiến bạn tăng cân, nó còn làm tăng nguy cơ ung thư và bệnh đái tháo đường.

Cụ thể, các loại nước giải khát còn chứa nhiều đường nên nếu lạm dụng sẽ dẫn đến tình trạng tăng cân, béo phì.

Uống nhiều nước giải khát sẽ khiến bạn "nghiện" các loại thực phẩm có đường. Việc ăn nhiều loại thực phẩm có đường sẽ khiến mức độ đường trong máu cao và nguy cơ bệnh đái tháo đường sẽ càng cao.

Nước giải khát còn khiến cơ thể làm thay đổi tâm trạng, trầm cảm và dễ bị kích thích kéo dài. Thủ phạm có trong nước giải khát chính là các chất hóa học gây bất lợi.

Ngày Tết: Uống nước giải khát hay uống hóa chất?

Người dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn các loại nước giải khát. Ảnh minh họa 

Nước giải khát còn tăng nguy cơ ung thư do các nhà sản xuất thường cho thêm các chất Fomaldehyder làm gây hại các tế bào trong cơ thể. 

Nếu uống thường xuyên nước giải khát trong thời gian dài các chất độc này còn tích tụ trong cơ thể dễ gây ung thư. Nước giải khát còn khiến cho chức năng của thận hoạt động yếu đi. kém hiệu quả.

Thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng cần trở nên cảnh giác hơn, thận trọng hơn, thông minh hơn trong việc lựa chọn cho mình những sản phẩm giải khát nhằm tận hưởng trọn vẹn nhất cái Tết sum vầy, viên mãn.

Theo vietq