Nghị định 87/2016/NĐ-CP: Cơ hội cho người dân sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn

Hội thảo “Nâng cao năng lực Quản lý chất lượng mũ bảo hiểm và triển khai thực hiện Nghị định 87/2016/NĐ-CP” vừa được tổ chức sáng nay 31/3 tại TP. Hồ Chí Minh.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) và Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì tổ chức hội thảo.

Nghị định 87/2016/NĐ-CP: Cơ hội cho người dân sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh tham dự và chủ trì hội thảo

Sự kiện này là một trong những hoạt động nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng đối với mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe máy, đồng thời đẩy mạnh việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sản phẩm mũ bảo hiểm trong đó có Nghị định 87/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.

Tham dự hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch VINASTAS Vũ Văn Diện, đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị xã hội, đại diện các tổ chức Quốc tế và tổ chức Phi Chính phủ tại Việt Nam: Hiệp hội an toàn đường bộ toàn cầu tại Việt Nam(GRSP), Quỹ phòng chống thương vong Châu Á, Tổ chức y tế Thế giới (WHO) cùng các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm khu vực phía Nam.

Nghị định 87/2016/NĐ-CP: Cơ hội cho người dân sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn

 Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông, trong đó, một trong các giải pháp trọng tâm là thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy.

Theo đó, người đi mô tô, xe máy tham gia giao thông sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn đã góp phần làm giảm thương vong do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, sản phẩm mũ bảo hiểm vẫn là vấn đề của xã hội, của các nhà quản lý, sản xuất và phân phối và người tiêu dùng quan tâm.

Đặc biệt là vấn đề sản xuất giả mạo mũ bảo hiểm, mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, không phù hợp với QCVN ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân khi đi mô tô, xe máy tham gia giao thông.

"Về vấn đề này, Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành cơ chế chính sách và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời đáp ứng với những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.

Theo đó, Nghị định 87/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016', Ông Linh cho hay.

Nghị định 87/2016/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ về điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm nhằm hạn chế tình trạng giả mạo mũ bảo hiểm, mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.

Theo đó, Nghị định 87/2016/NĐ-CP đi vào cuộc sống sẽ là hành lang pháp lý quan trọng cho các nhà sản xuất, phân phối mũ bảo hiểm hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng tới một thị trường cạnh tranh phát triển lành mạnh.

Đặc biệt quan trọng hơn, người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn và sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn, góp phần giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông, tiết kiệm chí phí xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nghị định 87/2016/NĐ-CP: Cơ hội cho người dân sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn

Nghị định 87/2016/NĐ-CP quy định chặt chẽ về điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm nhằm hạn chế tình trạng giả mạo mũ bảo hiểm, mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. 

Tại Nghị định 87/2016/NĐ-CP, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm.

Trước nhiệm vụ quan trọng này, Tổng cục TCĐLCL - Bộ KH&CN đã chủ động vào cuộc và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, liên hệ với cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm và các cơ quan truyền thông để phổ biến, hướng dẫn và tổ chức triển khai khai Nghị định 87/2016/NĐ-CP.

Nghị định 87/2016/NĐ-CP quy định rõ về điều kiện kinh doanh, phân phối và sản xuất mũ bảo hiểm của doanh nghiệp cho người đi mô tô, xe máy, cụ thể:

Hai điều kiện phân phối mũ bảo hiểm

1- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; là hộ kinh doanh, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;

2- Các đại lý, cửa hàng bán lẻ mũ bảo hiểm phải có địa điểm cụ thể và địa chỉ rõ ràng; phải có biển hiệu ghi rõ đại lý hoặc cửa hàng bán lẻ mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, được gắn hoặc treo tại vị trí mặt trước bên ngoài của Đại lý hoặc Cửa hàng ở vị trí dễ quan sát.

Hai điều kiện để được nhập khẩu mũ bảo hiểm:

Nghị định cũng quy định điều kiện nhập khẩu mũ bảo hiểm. Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu mũ bảo hiểm phải đáp ứng 2 điều kiện:

1- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

2- Phải thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với mũ bảo hiểm nhập khẩu trước khi thông quan.

Bốn điều kiện để được sản xuất mũ bảo hiểm đối với doanh nghiệp:

1- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

2- Có hệ thống quản lý chất lượng được xây dựng, áp dụng đáp ứng các yêu cầu quy định của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001;

3- Có tối thiểu 1 nhân viên kỹ thuật có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng chuyên ngành khoa học, kỹ thuật trở lên, được ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

4- Về cơ sở vật chất, kỹ thuật, địa điểm sản xuất phải có địa chỉ cụ thể, rõ ràng; có diện tích mặt bằng để lắp đặt trang thiết bị sản xuất, kiểm tra chất lượng.

Bên cạnh đó, trang thiết bị của dây chuyền sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để sản xuất mũ bảo hiểm có chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng, bao gồm: Thiết bị ép (đúc/đùn) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất vỏ mũ; thiết bị ép (đúc) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất lớp hấp thụ xung động (mút, xốp); thiết bị dập (tán) đinh tán (dùng để ghép các cụm chi tiết); hoặc thiết bị đồng bộ đáp ứng yêu cầu của các thiết bị nêu trên...

Theo vietq