Nghiện Pokémon Go, coi chừng... nhập trại!

Bệnh nhân tâm thần nhập viện ngày càng đông, và nhiều trong số họ là người trẻ bị game… hành, đã tìm đến cái chết vì không kiểm soát được bản thân.

Trong khi liều thuốc đặc hiệu chữa nghiện game từ các phòng máy vẫn chưa phát huy tác dụng, thậm chí kháng thuốc, gây đau khổ cho bao gia đình, thì bây giờ, đường phố lại thêm một cơn bão game Pokémon Go “đổ bộ”, như một thứ ma túy mới lôi theo không chỉ người trẻ mà cả người đã trưởng thành. Thế giới ảo, nỗi lo thật đã hiển hiện với những cảnh báo đầy lo âu, nhưng nhiều người vẫn cứ để “quái thú” dắt mình đi. Khoảng cách từ đường phố đến cổng bệnh viện (BV) tâm thần, từ người bình thường đến kẻ… té giếng, đang rất gần!

Nghiện Pokémon Go, coi chừng... nhập trại!
Các học viên cai nghiện game ở trường nội trú IVS

Mỗi ngày 7 giờ "đi săn"!

Tối 13/8, tại một cửa hàng điện thoại trên đường Ba Tháng Hai (Q.10, TP.HCM) chúng tôi bắt gặp cảnh hàng chục người, đa phần là trẻ em và phụ nữ đứng đợi nhân viên cửa hàng cài đặt và hướng dẫn chơi game Pokémon Go với giá 30.000đ/ lần cài đặt. Chị N. (ngụ Q.10) cho biết: “Do không rành công nghệ nên tôi phải nhờ nhân viên cửa hàng cài game và chỉ cách chơi. Khoảng một tuần nay, mấy chị em ở chung cư gần nhà xôn xao về game này nên tôi muốn chơi thử cho biết… Ở chỗ tôi có chị mỗi ngày bỏ ra hơn bảy tiếng đồng hồ để đi săn”.

Không chỉ chơi riêng lẻ, nhiều người còn rủ nhau lập nhóm đi săn “quái thú” vào ban đêm. Thậm chí, có người còn mua đến vài cái điện thoại, máy tính bảng để tiện săn “quái thú” hơn. Nhiều ngày qua, nhân viên hỗ trợ kỹ thuật của các cửa hàng kinh doanh điện thoại tại TP.HCM phải “làm luôn tay” để tải game Pokémon Go cho khách hàng.

Trong khi nhiều phụ nữ, trẻ em đang háo hức cài đặt Pokémon Go, thì tại một nơi chuyên đào tạo và cảm hóa những học sinh khó bảo, ngỗ ngược, nhiều bạn trẻ lại đang “gồng mình” để cắt đứt với bóng ma thế giới ảo. Tại trường THPT nội trú IVS (trường nội trú cho học sinh cai nghiện game, Q.Thủ Đức) chúng tôi dễ dàng tìm thấy những game thủ “vang bóng một thời”. Hiện các bạn trẻ này đang từng ngày chống chọi với “bóng ma” thế giới ảo.

Tại khu vực sân tập điều lệnh của trường, chúng tôi bắt chuyện với “game thủ” lừng danh Nguyễn Quang Việt (*). Mới 17 tuổi, nhưng cách đây hai năm Việt từng nổi tiếng trong game Liên minh huyền thoại, khiến những game thủ khác phải e dè khi gặp, thậm chí có người còn gọi Việt là “sư phụ”. Để tạo được “uy danh” đó, cậu học trò này đã có gần ba năm liền giam mình trong tiệm game, không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần lấy trộm tiền của mẹ “nướng” vào game.

Việt cho biết: “Hồi trước, em đi học năm nào cũng được giấy khen. Từ khi ba mẹ ly hôn, em về ở với mẹ, sinh tật chơi game để giải sầu. Ban đầu chơi thấy vui vui, sau càng chơi càng ghiền, một ngày không chơi vài tiếng là không chịu được. Càng chơi thì càng phải làm sao để hơn được các đối thủ nên em “cày” từ ngày này qua ngày nọ, quên ăn quên ngủ”.

Khi gia đình phát hiện Việt thường xuyên bỏ học chơi game thì em đã bị ảo giác nghiêm trọng. Mỗi ngày nếu không được chơi game, Việt sẽ la hét, đập phá. Không còn cách nào khác, gia đình gửi Việt vào trường nội trú IVS. Theo các thầy giáo, khi mới vào trường Việt bị lệch hẳn một bên vai, đi nghiêng nghiêng vì đã ngồi chơi game quá nhiều. Ngoài việc thường xuyên sinh ảo giác, đập phá theo hành động của nhân vật game, Việt còn rất ngại vận động. Nhờ được can thiệp bằng nhiều phương pháp và cả sự quyết tâm cao, Việt mới dần hòa nhập được với môi trường mới, cắt được cơn nghiện.

Một “game thủ” nổi tiếng khác là Nguyễn Thành Công (SN 1983) cũng từng có những ngày tháng vùi đầu vào game online. Công từng là một du học sinh, đã có sáu năm theo học ngành điện ở Nga. Khi về nước, do phải làm việc trái ngành, cộng thêm những trắc trở chuyện tình cảm, Công đã tìm đến game online. Thời điểm đó, Công giam mình trong phòng “cày” game từ 20-22 giờ/ ngày.

Đến một hôm, phát hiện Công nằm gục trên bàn phím, gia đình mới đưa đến BV. Sau đó, Công được đưa đến trường nội trú IVS để điều trị. Ngày gặp chúng tôi, Công thậm chí không nhớ được mình là ai, gia đình mình ở đâu. Công chỉ nói chuyện xoay quanh những nhân vật trong game mà Công xem đó là “huyền thoại”. Mới đây, Công đã cai được game online, trở về nhà. Tuy nhiên, tương lai vốn rất đẹp của cậu du học sinh ngày nào giờ đã trở nên mù mịt.

Theo đại diện trường nội trú IVS, hiện trường đang giáo dục khoảng 500 học viên, trong đó khoảng 80% là nghiện game.

Trong số này có đến 30% nghiện game ở mức độ nặng, cần được can thiệp tâm lý với quy trình nghiêm ngặt, kết hợp nhiều hình thức khác trong thời gian dài. BV Tâm thần Trung ương 1 cho biết, BV từng tiếp nhận điều trị cho một em 16 tuổi phải nằm một chỗ, không đi lại được vì nghiện game. Gia đình giải thích, em chỉ miệt mài chơi game, không ăn không ngủ.

Thấy con đi học về là ngồi ngay vào bàn, trước máy vi tính, gia đình yên tâm vì nghĩ cháu siêng học. Chỉ đến khi thấy thể chất con mình suy kiệt, gia đình mới biết con chỉ cày game. Trước cơn lốc Pokémon Go, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1 La Đức Cương đề nghị, cần cấm trò chơi thực tế ảo này, đồng thời đóng cửa các tiệm net vì khó lường hết hậu quả khi người chơi bị nghiện game.

Nghiện Pokémon Go, coi chừng... nhập trại!
Người nghiện game rất dễ bị tổn thương não và bị bệnh tâm thần

Pokémon Go, một thứ.. ma túy mới!

Ông Đặng Lê Anh, phụ trách đào tạo trường nội trú IVS - người nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục các học viên nghiện game cho biết: “Vài năm gần đây, tình trạng nghiện game online vẫn không ngừng tăng lên. Tại trường chúng tôi, cứ sau mỗi dịp hè hoặc tết là số học viên đến cai nghiện tăng vọt, cho thấy tình trạng nghiện game hiện rất đáng lo”.

Theo ông Anh, có hai hình thức chơi game chính là ngồi một chỗ chơi và vận động. Cả hai đều có những mặt tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, nếu đắm chìm vào game sẽ phát sinh rất nhiều hệ lụy cho cả tinh thần lẫn sức khỏe, đặc biệt là dễ bị tổn thương não.

Ông Anh phân tích: “Nếu chơi game bạo lực có tốc độ xử lý nhanh thì sẽ tổn thương đến não và ảnh hưởng đến hành vi của người chơi game. Thông thường người chơi có cảm giác đồng nhất với nhân vật trong game. Ngoài ra, nếu chơi game với cường độ quá cao, trong não sẽ sinh ra một loại hoạt chất kích thích, nếu không được chơi nữa sẽ có cảm giác buồn bã như bị trầm cảm…”.

Với trò chơi Pokémon Go đang thu hút nhiều người hiện nay, ông Đặng Lê Anh cảnh báo, đây là một game thực tế ảo thuộc hình thức chơi game vận động, tức là người chơi phải di chuyển. Loại game này đã trở thành một hiệu ứng xã hội nên thu hút nhiều người chơi. Game ảo nhưng buộc người chơi phải di chuyển trên thực tế, quá trình di chuyển này có thể gây ra nhiều rủi ro.

“Di chuyển ngoài đời thực nhưng lại theo điều khiển của thế giới ảo rất dễ khiến người chơi mất kiểm soát, mất tự chủ. Khi bước ra ngoài đường mà mất kiểm soát hoặc không tự chủ thì rất dễ gây ảnh hưởng cho người xung quanh, ví dụ mãi đuổi bắt con Pokémon mà gây tai nạn cho người khác… Ngoài ra, việc đổ xô ra đường bắt Pokémon còn dễ gây náo loạn xã hội, kéo theo những hệ lụy khôn lường” - ông Đặng Lê Anh nói.

Trong game Pokémon Go còn có yếu tố dẫn dắt người chơi (như buộc người chơi di chuyển khoảng 10km để “ấp” trứng… - PV) khiến người chơi bị kích thích, tâm lý giống như con bạc. Nếu về lâu dài cứ chạy theo mục đích ảo trong game mà quên mất lẽ sống ngoài đời thực thì người chơi sẽ không có mục tiêu sống nữa mà cứ bị game ám ảnh. Do không giao tiếp xã hội, người chơi sẽ trở nên chậm chạp, lờ đờ, thậm chí trầm cảm.

“Mỗi loại game giống như một loại rượu, gây ảnh hưởng đến đâu, phù hợp với độ tuổi nào thì các nhà quản lý cần phân loại để có quy định giới hạn chặt chẽ. Các bậc phụ huynh cũng cần nhận thức rõ những nguy hại của game để kiểm soát việc chơi game của con em mình. Đừng xem thường mức độ nguy hại của bất cứ loại game nào, nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường” - ông Đặng Lê Anh nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, nhiều trường hợp nghiện game đến nỗi đánh mất bản năng và không kiểm soát được suy nghĩ, hành động của bản thân. Những người nghiện game đều có chung triệu chứng như xao lãng các thú vui, chán ghét mọi thứ, không còn những ham muốn như người bình thường. Người nghiện game còn chịu những biến đổi rất lớn về tâm lý, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hoang tưởng, loạn thần. Thậm chí, nhiều em thiếu tiền chơi game đã cướp của, giết người, tống tiền người khác.

Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan tới game đang tăng mạnh và ngày càng trẻ hóa. Có đến khoảng 70% người chơi game có các dấu hiệu về sức khỏe tâm thần với các biểu hiện trầm cảm, lo âu, thậm chí hung hăng. Trong số này, có khoảng 15% có ý tưởng muốn tự sát.

Theo Sơn Vinh (Phunuonline)

* Tên học viên nghiện game đã được thay đổi