Ngoài Dương Công Minh, còn những đại gia nào vừa làm ngân hàng vừa làm bất động sản?



"Hai chân hai thuyền", vừa làm ông chủ ngân hàng, vừa làm chủ đầu tư bất động sản được coi là lợi thế của nhiều "đại gia". Trong đó, có những tỷ phú nổi danh như Dương Công Minh, Đỗ Quang Hiển, Trần Anh Tuấn...

Ông Dương Công Minh

Câu chuyện ai sẽ ngồi ghế chủ tịch Sacombank đang là chủ đề "nóng" không chỉ đối với giới tài chính ngân hàng. Nợ xấu Sacombank hiện nay chủ yếu tồn động ở những tài sản đảm bảo là bất động sản, do giá trị thực của tài sản đảm bảo quá thấp so với số nợ nó đang phải cõng. Bởi vậy mà cần một người lái thuyền đủ tài năng để lái được con thuyền Sacombank ra khỏi vũng lầy nợ xấu.

Ngoài Dương Công Minh, còn những đại gia nào vừa làm ngân hàng vừa làm bất động sản?

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Him Lam

Theo phát biểu gần đây của ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienvietposBank, người đã từng được kỳ vọng sẽ tham gia con thuyền Sacombank cho biết: Sacombank cần người lãnh đạo vừa có tiền thật, vừa nghề ngân hàng lại vừa có tài năng buôn bán bất động sản.

Theo đó mà nhiều đồn đoán cho rằng không ai khác, ông Dương Công Minh, người vừa từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Lienvietpostbank và lọt vào danh sách ứng cử HĐQT Sacombank là ứng cử viên sáng giá nhất.

Tuy rời khỏi LienvietpostBank, nhưng hiện tại, ông Dương Công Minh vẫn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Him Lam, tập đoàn này đồng thời là cổ đông lớn nhất tại LienVietPostBank với 14,98% cổ phần nắm giữ. Cá nhân ông Dương Công Minh không nắm giữ cổ phần tại LienVietPostBank nhưng vợ ông, bà Lê Thị Vân Thảo, cùng em gái Dương Thị Liêm sở hữu gần 5% cổ phần.

Trong một diễn biến đáng chú ý, ngày 23/5 vừa qua, LienVietPostBank đã thông qua khoản đầu tư trị giá 500 tỷ đồng, mua trái phiếu của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) với lãi suất khá thấp.

Có thể thấy vai trò của ông Minh vẫn khá lớn tại LienvietpostBank và sắp tới có thể là cả Sacombank. Ông Minh cũng được giới ngân hàng đánh giá cao bởi tài năng chèo lái Công ty Cổ phần Him Lam với biệt danh Minh Him Lam hay Minh Xoài. Cái tên này bắt nguồn từ việc ông Minh kinh doanh xoài xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 1990.

Quá khứ của ông Minh khá thăng trầm, đi từ chỗ thua lỗ, phải bán nhà để trả nợ, đến những cơ hội làm giàu từ bất động sản. Chính những ý tưởng lúc đó về sau đã hình thành nên Công ty Cổ phần Him Lam - Him Lam Group, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam cho đến hiện nay.

Him Lam của ông Minh là một "ông lớn" trong lĩnh vực địa ốc, với hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác, có vốn 6,5 ngàn tỷ đồng (trong đó ông Minh sở hữu 99%) đầu tư và xây dựng ngót nghét 100 dự án nhà ở, khu đô thị, khu du lịch với một số dự án lớn như: Him Lam Tân Hưng (quận 7, TP.HCM), Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú Đông, sân gôn Long Biên, sân gôn Tân Sơn Nhất, dự án BT nút giao thông Long Biên, khai thác quỹ đất 20ha ở Dương Xá (Gia Lâm) và 320ha đất tại các phường Long Biên và Cực Khôi thuộc quận Long Biên, và 135ha đất bãi sông Hồng.

Nhiều dự án bất động sản khác mà tập đoàn Him Lam cũng đã và có kế hoạch triển khai đầu tư tại Hà Nội. Trong đó phải kể tới trung tâm tài chính Him Lam trên phố Tôn Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội có diện tích 3.500m2, tuy nhiên, dự án này đã được Him Lam chuyển nhượng lại cho ThaiGroup.

Một trong những dự án gây tranh cãi trong thời gian gần đây là dự án sân gôn Tân Sơn Nhất do Công ty Cổ phần Đầu tư Long Biên -  thành viên của Công ty Cổ phần Him Lam làm chủ đầu tư.

Câu chuyện các ngân hàng cho các công ty "ruột" vay không còn là mới. Các bài học nhãn tiền của "bầu" Kiên, của Hà Văn Thắm cho thấy mối quan hệ này ẩn chứa nhiều rủi ro. Tuy nhên, riêng với trường hợp ông Minh hiện tại, rõ ràng việc vừa làm ông chủ ngân hàng, vừa là đại gia bất động sản là cả một lợi thế lớn khó phủ nhận.

Ông Đỗ Quang Hiển

Ông Đỗ Quang Hiển hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB); Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T; Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land). Tài năng "một chính một mười", chỉ có một điều khác là ông Minh thì ít nói, còn ông Hiển thì được biết đến nhiều hơn với các phát ngôn ấn tượng.

Ngoài Dương Công Minh, còn những đại gia nào vừa làm ngân hàng vừa làm bất động sản?

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, T&T

"Khởi nghiệp" từ kinh doanh các mặt điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông, khi có một số vốn nhỏ, ông Hiển quyết định thành lập Công ty T&T năm 1999, rồi đầu tư vốn liếng xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ xe máy với quy mô thuộc loại lớn lúc ấy.

Khi T&T đã vững vàng trên thị trường điện tử - điện lạnh, bầu Hiển bắt đầu tính chuyện “tấn công” sang thị trường xe máy, T&T bỏ ra 3,5 tỷ đồng đầu tư vào dây chuyền lắp ráp xe máy. Có khoảng thời gian dài, các dòng xe máy Tàu "làm mưa, làm gió" trên thị trường miền Bắc và các dòng xe này đã mang về cho bầu Hiển số vốn khủng.

Năm 2007 đánh dấu sự tham gia của tập đoàn T&T vào lĩnh vực tài chính với việc tham gia góp vốn và trở thành cổ đông chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Tiền thân của SHB là Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái hoạt động tại Cần Thơ. Bản thân ông Hiển góp vốn và trở thành Chủ tịch HĐQT, cổ đông lớn của ngân hàng này.

Tập đoàn T&T xác định 4 lĩnh vực kinh doanh chính là Bất động sản, Tài chính, Công nghiệp và Thể Thao. Bất động sản trước đây có vẻ chỉ là "nghề tay trái" của Bầu Hiển, nhưng những động thái vào những năm 2015, 2016 của ông bầu bóng đá nổi tiếng này cho thấy bầu Hiển đang mạnh tay đầu tư vào bất động sản.

Các dự án mà T&T Group của Bầu Hiển đã đầu tư gồm: Trung tâm thương mại, nhà ở số 1 đường Quang Trung (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An); Khu đô thị mới Minh Phương tại TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) và Trung tâm Thương Mại T&T tại thị trấn Bần (Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).

Tại Hà Nội, sản phẩm bất động sản mà T&T Group ra mắt đầu tiên là khu tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng kết hợp nhà ở tại số 440 - phố Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội). T&T Group cũng dự kiến triển khai các dự án khác tại 120 - Định Công (quận Hoàng Mai) và 273 - Tây Sơn (quận Đống Đa).

Bầu Hiển còn sở hữu có 2 khu đất khác tại số 18 Hàng Chuối (Hai Bà Trưng) và 52 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm), với mục đích sử dụng làm trung tâm thương mại và nhà ở. Nhờ đầu tư vào bóng đá, Bầu Hiển cũng có hàng chục ha đất vàng tại Đà Nẵng gồm 5ha đất ở chân cầu Tiên Sơn, 14ha đất ở Liên Chiểu, và SHB cũng dự định xây thêm trụ sở ở đường Nguyễn Văn Linh… "Đây là những tài sản giá trị, là “tiền tươi thóc thật” mà SHB có thể thu về khi đầu tư vào bóng đá", Bầu Hiển từng khẳng định.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của SHB, tại bảng phân tích dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh của ngân hàng này thì cho vay theo ngành xây dựng là 22.636 tỷ đồng, chiếm 13,94% tổng dư nợ; cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản là 10.597 tỷ đồng, chiếm 6,53% tổng dư nợ.

Chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu cho vay theo ngành nghề kinh doanh của SHB vẫn là Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác, chiếm 15,96% tổng tín dụng, mở mức 25.922 tỷ đồng.

Vợ chồng Trần Anh Tuấn - bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Ông Trần Anh Tuấn là Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Hàng Hải (MaritimeBank), còn vợ ông, cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường là Chủ tịch HĐQT TNG Holdings VN, một "đại gia"  trong lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng.

Ngoài Dương Công Minh, còn những đại gia nào vừa làm ngân hàng vừa làm bất động sản?

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT MaritimeBank và vợ, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2015 thì cơ cấu tín dụng của Ngân hàng Maritime Bank tập trung rất mạnh vào việc cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng với tỷ trọng cho vay đạt mức 34,78%, nghĩa là 1/3 các khoản tín dụng của Maritime Bank là dành cho kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng. Được biết hầu như không có ngân hàng nào cho vay trong một lĩnh vực với tỷ trọng tín dụng cao đến thế.

Vợ chồng ông Tuấn và bà Hường được coi là một cặp bài trùng khi luôn kề vai sát cánh trong mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh. VID Group - tiền thân của TNG Holdings có 6 công ty thành viên, cho đến nay, tập đoàn này được giới thiệu là có 12 công ty thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, cung ứng các dịch vụ và thực hiện các dự án bất động sản.

Hoạt động của VID Group, các công ty con của VID Group đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Trong đó nổi bật là việc tập đoàn này đầu tư và quản lý 9 khu công nghiệp lớn ở miền Bắc như: Quang Minh, Đài Tư (Hà Nội); Tân Trường, Phúc Điền, Nam Sách (Hải Dương); Minh Quang, Cụm Công nghiệp Lifan (Hưng Yên) và Đồng Văn II (Hà Nam).

Bên cạnh mảng hoạt động chính là đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư, Tập đoàn đã mở rộng thêm hoạt động sang lĩnh vực cung cấp các dịch vụ phụ trợ bao gồm dịch vụ tư vấn hỗ trợ đầu tư, dịch vụ tư vấn thiết kế và dịch vụ bảo vệ nhằm cung cấp cho các khách hàng và các dự án do tập đoàn đầu tư.

Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (gọi tắt là "TNR Holdings"), là một thành viên của TNG Holdings. Công ty này đang sở hữu hàng loạt dự án bất động sản "hàng khủng", như: Goldmark City, GoldSeason, Goldsilk Complex tại Hà Nội; The GoldView tại TP.HCM. Ngoài ra còn có chuỗi các tổ hợp thương mại văn phòng  như: TNR Tower Nguyễn Chí Thanh, TNR Tower Láng Hạ (Sky City),  TNR Tower Hoàn Kiếm (Hà Nội); TNR Tower Nguyễn Công Trứ (TP.HCM)...

Cuối tháng 6/2016 xảy ra sự kiện lan truyền trên mạng xã hội tin đồn vô căn cứ về việc ông Đinh Trường Chinh, lãnh đạo Công ty Địa ốc Việt Hân (chủ cũ của dự án Goldmark City, 136 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) bị bắt "do câu kết với ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch MaritimeBank rút ruột 30.000 tỷ từ MaritimeBank".

Cùng thời điểm này thì bà Nguyệt Hường, vợ của ông Tuấn bị bác tư cách đại biểu quốc hội vì có vấn đề trong kê khai quốc tịch và tài sản. Các thông tin này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới  lòng tin của những người gửi tiền về tính thanh khoản và năng lực của MaritimeBank.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, câu chuyện sở hữu chéo, chằng chịt đang tạo ra những hệ luỵ, từ nợ xấu tới những đại án. Việc làm rõ mối quan hệ xung quanh một vị chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc là không hề đơn giản.

Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều thông tư quy định về giới hạn sở hữu cổ phần, góp vốn của các cá nhân, ngân hàng, doanh nghiệp có mối quan hệ với nhau nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, gây khó khăn trong quản lý. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp sân sau, mạng nhện sở hữu hưa được xử lý triệt để.

Theo Nhadautu