Nguy cơ hỏng gan vì...thuốc bổ, giải độc gan

“Uống thuốc bổ, không bổ ngang cũng bổ dọc” - nhiều người quan niệm như vậy nên lạm dụng thuốc bổ. Một trong những loại thuốc bổ bị lạm dụng nhất là thuốc bổ gan, giải độc gan và là nguồn cơn dẫn đến các bệnh về gan.

Gan là bộ phận vô cùng quan trọng trong cơ thể, là cơ quan duy nhất có thể ngăn chặn và chuyển hóa các chất độc từ bên ngoài vào cơ thể như thức ăn, khói, bụi, đồ uống độc hại như bia rượu.

Vấn đề ở chỗ, gan cũng chỉ có khả năng giải độc ở mức giới hạn và khi chất độc tích tụ khiến gan yếu đi, thì đó là lúc bộ phận tối quan trọng này cần có sự hỗ trợ từ y học.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc bảo vệ nhu mô, tăng cường chức năng gan, tăng giải độc cho gan.

Trong đó được chia thành 2 loại: Nhóm hợp chất tổng hợp (cianidanol, essential, flumeciol, methionin) và nhóm dược chất chiết xuất từ dược liệu, dược thảo (biphenyl dimethyl dicarboxylat, silymarin, silibinin).

Nguy cơ hỏng gan vì… thuốc bổ, giải độc gan

 Giải độc gan không đúng cách có thể làm hại gan

Các loại thuốc bổ gan được quảng cáo có tính năng chống oxy hóa mạnh nên sẽ giúp cơ thể đặc biệt là gan của bạn ổn định màng tế bào, chống lại các loại vi khuẩn, virus làm hại gan.

Thuốc bổ gan, giải độc gan còn cung cấp chất dinh dưỡng tự nhiên giúp gan tổng hợp lượng protein, kích thích hoạt nhằm giải độc cho gan, đào thải các chất độc tố gây hại ra ngoài nhanh chóng.

Bên cạnh đó sản phẩm còn kích thích sự hồi phục nhanh chóng của các tế bào gan đã bị hư tổn trước đó, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các tế bào mới giúp gan hoạt động tốt.

Thuốc giải độc gan tùy loại mà được bán trên thị trường với các mức giá khác nhau.

Loại giải độc gan xách tay hàng xuất xứ Nhật Bản vào khoảng 500.000 đồng/hộp, giải độc gan tỏi đen cũng có xuất xứ Nhật Bản rẻ hơn đôi chút nhưng cũng dao động trong khoảng 300.000 - 350.000/hộp.

Các sản phẩm thuốc giải độc gan, bổ gan trong nước có giá thành thấp hơn, thậm chí loại cà gai leo chỉ chưa đến 50.000 đồng/hộp.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng là đối tượng thích hợp để uống thuốc bổ gan, càng không có chuyện “không bổ dọc thì bổ ngang” như dân gian vẫn kháo nhau.

Khi vào cơ thể, thuốc nào (hóa dược, chất chiết xuất hay dược liệu) cũng buộc gan phải làm việc chuyển hóa thành chất có lợi, giải hóa thành chất không độc.

Bởi vậy khi uống thuốc bổ gan cần có sự tư vấn, hướng dẫn của bác sỹ, dựa trên các kết quả xét nghiệm lâm sàng.

Có một thực trạng phổ biến ở nhiều người, đó là mỗi khi cơ thể có dấu hiệu bất thường đều cho rằng bị “nóng gan” để rồi tự ý mua thuốc bổ gan, mát gan, giải độc gan.

Thường gặp nhất là khi bệnh nhân nổi mụn nhọt, ngứa ngáy, sắc tố da thay đổi hoặc trong các thời điểm giao mùa như hiện tại. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.

Bác sỹ Yên Lâm Phúc thuộc Viện Quân y 103 cho biết, việc dùng thuốc giống như con dao hai lưỡi.

Dùng thuốc tức là đưa dược chất vào cơ thể để trị bệnh, ngoài tác dụng chính để trị bệnh, thuốc có thể gây nên những tương tác bất lợi nhất là khi lạm dụng thuốc, dùng thuốc không có hướng dẫn chuyên môn.

Mọi người cần tới sự hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ để có thể uống đúng liều, đúng thời gian, đúng loại nhằm mang lại hiệu quả điều trị. Uống liều thấp hơn liều hiệu dụng, gan không thu được lợi ích gì.

Do đó, chúng ta không thể tự mua thuốc và tự dùng nếu không muốn tự làm hỏng gan của mình.

Theo vietq