Nguy cơ "nhiễm độc kép" từ việc tự ý phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết

Phun thuốc diệt muỗi là việc làm cần thiết để phòng dịch sốt xuất huyết. Để phòng chống dịch sốt xuất huyết nhiều gia đình đã thuê hoặc tự mua hóa chất về phun diệt muỗi. Nhưng theo các chuyên gia, người dân nên thận trọng kẻo vừa trúng độc hóa chất rởm mà muỗi vẫn không chết.

Cẩn trọng với các hóa chất phun thuốc

Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng rất nhanh và có nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch lớn trong năm nay, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Riêng tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ 2016 và đang có nhiều diễn biến lạ, phức tạp. Mỗi ngày, cả nước lại ghi nhận thêm hàng chục những ca mắc sốt xuất huyết (SXH) mới, điều này khiến người dân rất hoang mang, lo sợ.

Theo ghi nhận tại các khu dân cư đông đúc ở Hà Nội, người dân đã có nhiều biện pháp tự phòng chống dịch theo cách riêng của mình.Trước sự gia tăng nhanh chóng của dịch bệnh này đã  khiến không ít gia đình lo lắng nên đã tìm đến các cơ sở dịch vụ phun hoá chất muỗi để thuê người về phun thuốc diệt muỗi tại nhà. Cũng có nhiều gia đình tự mua hóa chất bán trên thị trường vệ phun.

Nguy cơ "nhiễm độc kép" từ việc tự ý phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết

Cẩn thận nhiễm độc kép vì tự ý phun thuốc diệt muỗi

Cùng với đó, một số cá nhân lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân liên tục quảng cáo hóa chất diệt muỗi với những lời đầy sức thuyết phục “làm chết hết muỗi và tất cả các loại côn trùng như gián, kiến, chuột…”. Tin theo lời quảng cáo, không ít gia đình đã mua và tự ý phun thuốc khi chưa có sự hiểu biết cũng như chỉ dẫn về liều lượng hay dụng cụ bảo hộ trong quá trình phun.

Bà Lê Thị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ năm ngoái đến năm nay, ở khu của bà nhà nào cũng mắc SXH, thậm chí có quá nhiều trường hợp cả gia đình cùng mắc. Bản thân gia đình bà, có bà và con dâu cũng đã mắc bệnh này, nguy cơ truyền nhiễm bệnh ở đây là rất cao. Do đó, gia đình bà đã mua rất nhiều dụng cụ phòng chống muỗi như vợt muỗi, đèn bắt muỗi và thuốc xịt muỗi, ngày bà xịt thường xuyên từ 4 đến 5 lần, sau khi xịt khỏi tay muỗi chết như “ngả rạ”.

Không chỉ riêng là hóa chất dùng để phun mà trên thị trường còn có rất nhiều loại thuốc diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi, trong đó xuất hiện nhiều loại thuốc diệt muỗi có xuất xứ từ Trung Quốc, thậm chí không có nhãn mác đầy đủ…Bên cạnh đó, chỉ cần gõ Google sẽ có vô vàn trang web mời quảng cáo phun hóa chất diệt muỗi, côn trùng tại nhà với đủ các mức giá. Bộ Y tế đã có những quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng hóa chất và phun hóa chất phòng chống dịch. Tuy nhiên, việc tự ý mua, tự ý sử dụng thuốc ngoài sự kiểm soát như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí nhiễm độc thuốc khi sử dụng.

Tuy nhiên theo ông Hà Tấn Dũng, Trưởng phòng Ký sinh trùng côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, dù là phun thuốc muỗi theo hình thức dịch vụ hay phun theo chương trình miễn phí của hệ thống y tế dự phòng thì thuốc đều cần có sự kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế. Theo ông Dũng, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Tuy nhiên người dân cần lưu ý, có những loại được phép sử dụng trong môi trường cho người, nhưng có những loại thuốc dùng cho nông nghiệp, không tốt cho sức khoẻ con người.

Trong khi đó, theo BS Dũng, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc diệt muỗi không nhãn mác, không bao bì ghi nguồn gốc sản phẩm. Trước kia, Bộ Y tế từng có quy định về việc những cơ sở phun hoá chất diệt côn trùng phải được phép của Bộ Y tế và được cấp chứng chỉ hành nghề, tập huấn chuyên môn nên việc thực hiện phun hoá chất được kiểm soát. Tuy nhiên từ năm 2001, khi các hộ kinh doanh chỉ cần có giấy phép kinh doanh là được thực hiện phun hoá chất thì thị trường này rất khó kiểm soát.

Tùy tiện sử dụng, hậu quả khôn lường

Việc sử dụng những loại thuốc diệt côn trùng một cách tràn lan, không hướng dẫn, không liều lượng đã và đang là thực trạng của rất nhiều hộ gia đình. Cùng với đó, những nguy hiểm tiềm ẩn là không nhỏ. Rất nhiều công ty lợi dụng hoạt động phòng chống dịch để tổ chức đi phun thuốc diệt muỗi. Nhưng dùng hóa chất không đảm bảo như vậy cũng giống như việc điều trị mà không có sự kê đơn, sẽ dẫn đến hiện tượng kháng thuốc cho cả cộng đồng, thậm chí gây ngộ độc hóa chất vô cùng nguy hiểm.

Theo TS. Nguyễn Tuyết Phương - Phó trưởng khoa Hóa lý, ĐH KHTN TP.HCM thì thành phần của các loại thuốc diệt côn trùng thường là một số chất hóa học tổng hợp thuộc nhóm Pyrethroids như Tetramethrin, Cypermethrin, imiprothrin… là những hợp chất có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước và tác động tiêu cực lên con người, vật nuôi. Nếu được sử dụng trong một mức lưu lượng nhất định thì không gây nguy hại, nhưng nếu tùy tiện sử dụng chúng sẽ tác động lên hệ thần kinh, gây đau đầu, chóng mặt và có thể gây ngộ độc cấp tính nếu dính đến thức ăn, nguồn nước, đặc biệt với những thuốc có tác dụng tiêu diệt côn trùng nhanh, mạnh…

Còn theo ông Mai Đình Thắng, Phòng Côn trùng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM thì những quy định về việc sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng đã được Bộ Y tế ban hành từ rất lâu. Việc người dân tự ý sử dụng tùy tiện, tràn lan những loại thuốc diệt côn trùng trong thời gian dài sẽ khiến côn trùng kháng thuốc, lờn hóa chất và nguy hại đến sức khỏe con người. Những vấn đề thường gặp nhất là gây dị ứng và thương tổn đường hô hấp, đặc biệt đối với trẻ em. Đồng thời sẽ tác động xấu đến môi trường sống.

Nguy cơ "nhiễm độc kép" từ việc tự ý phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết

Chủ động phòng chống sốt xuất huyết bằng cách dọn dẹp sạch nguồn nước

Ông Thắng lưu ý nên để thuốc diệt côn trùng tránh xa trẻ em, tránh xa thức ăn, nguồn nước. Cần thường xuyên dọn vệ sinh quanh khu vực sống để thoáng mát, giữ gìn sạch sẽ nhà cửa là cách tốt nhất để tiêu diệt các loài côn trùng. Đối với những loài côn trùng mới phát sinh như bọ xít hút máu người thì chỉ nên thực hiện bắt thủ công, soi đèn bắt vào ban đêm.

“Nếu chẳng may để thuốc dính vào mắt, vào da thì cần rửa sạch ngay với nước sạch trong thời gian sớm nhất có thể. Nếu hít phải thuốc xịt thì cần phải cách ly ra khỏi môi trường có hơi thuốc đến nơi thoáng mát. Và nếu ngộ độc thuốc diệt côn trùng với những biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, khó thở… cần phải được đưa đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt” - ông Thắng cho hay.

Các chuyên gia y tế dự phòng cũng khuyến cáo phun hóa chất diệt muỗi không phải là giải pháp duy nhất. Vấn đề chính là người dân cần phải diệt bọ gậy trong nhà, sau khi phun thuốc mà vẫn còn bọ gậy trong lọ hoa, trong các đồ phế thải thì muỗi truyền sốt xuất huyết sẽ lại phát triển và gây bệnh cho người dân. 

Vì vậy, mỗi người dân cần phải chú ý dự phòng để trong nhà mình không có muỗi, chủ động thu gom, vứt bỏ dụng cụ phế thải để tránh nước đọng, tránh tạo cơ hội cho bọ gậy phát triển. Khi có biểu hiện sốt cao liên tục trên 2 ngày thì cần khám tại cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc nếu mắc sốt xuất huyết thể nặng.

Theo giadinhvietnam