Nguy hiểm vì thói quen sử dụng dầu gió không đúng cách

Nhiều người không hề biết rằng nếu sử dụng dầu gió sai cách thì có thể gây ngộ độc, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Trẻ dưới 2 tuổi có thể tử vong khi uống phải dầu gió. Cao, dầu gió được coi là một loại thuốc bôi ngoài da mà bất cứ người Việt Nam nào cũng đã từng sử dụng qua. Mỗi khi bị đau nhức, đau đầu, đau bụng, cảm lạnh… thì mọi người đều có thói quen mang cao ra bôi, thậm chí là uống.

Ngộ độc vì lạm dụng dầu gió

Nguy hiểm vì thói quen sử dụng dầu gió không đúng cách

Chị Nguyễn Thị Duyên (43 tuổi, Hà Lâm, Hà Trung, Thanh Hoá) đã từng là một “tín đồ” của dầu gió. Ngày nào chị cũng phải sử dụng dầu gió ít nhất một lần bởi hễ cứ thấy nhức đầu, đau bụng hay đau nhức bất cứ bộ phân nào trên cơ thể thì chị Duyên cũng có thể sử dụng.

Lâu dần thành quen, thậm chí có ngày, chị chỉ mang dầu gió ra để ngửi thì mới chịu được. Tuy nhiên, có 1 lần đau bụng quá, nghe người ta mách là có uống cao hoặc dầu gió có thể khỏi được chị cũng thử luôn.

Trong lúc luống cuống, chị Duyên đã sử dụng một lượng lớn dầu gió. Chỉ khoảng 1 tiếng sau, cơ thể chị cảm thấy vô cùng mệt mỏi, buồn nôn, nhức đầu . Người nhà thấy có biểu hiện lạ liền đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu.

Không chỉ có mình chị Duyên mà thói quen sử dụng dầu gió có lẽ là ở hầu hết người Việt Nam đặc biệt là người già. Việc đưa ra những cảnh báo về việc lạm dụng và cách sử dụng dầu gió đúng cách là việc vô cùng cần thiết để tránh những trường hợp không đáng có xảy ra.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Phó khoa cấp cứu, bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương) cũng cho biết trường hợp nhập viện do ngộ độc dầu gió là trường hợp không hiếm gặp ở các bệnh viện. Đề cập đến vấn đề sử dụng dầu gió đối với sức khoẻ, ông cho biết không hề phủ nhận tác dụng của nó.

Khi cơ thể có những triệu chứng nhẹ như cảm lạnh, nghẹt mũi, nhức đầu, ho nhẹ, đau bụng, đầy hơi, đau cơ, bong gân, côn trùng cắn ngứa ngáy… có thể dùng dầu gió để làm dịu bớt các triệu chứng. Tuy nhiên người bệnh cũng không nên thổi phồng tác dụng của dầu gió mà lạm dụng trong điều trị bệnh. 

Cũng đồng quan điểm với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, lương y Vũ Quốc Trung cũng cho hay: “Dầu gió có vị cay, tính mát, là một loại thuốc trị ngoài da giúp chống viêm nhiễm, kháng khuẩn, giảm đau nhức và làm cho tinh thần sảng khoái”.

Tuy nhiên, lương y Vũ Quốc Trung cũng lưu ý rằng việc dùng dầu gió không đúng cách dễ gây nguy hại đến sức khỏe đặc biệt nếu dùng sai cách có thể dẫn đến ngộ độc. Ông cho biết: “Dầu gió là sản phẩm không cần kê đơn, có thể tìm mua dễ dàng nên nhiều người thường hay lạm dụng.

Nhưng dầu gió vẫn là thuốc, dùng thường xuyên dầu gió dễ dẫn tới tình trạng nhờn dầu làm giảm tác dụng khi dùng những lần sau. Hệ hô hấp cũng sẽ bị tổn thương khi hít dầu gió thường xuyên. Tốt nhất, mọi người chỉ nên dùng trong trường hợp thực sự cần thiết như: cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau khớp, đau gân, đầy hơi, khó tiêu, chống lạnh đường hô hấp…”.

Không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ đang mang thai

Nguy hiểm vì thói quen sử dụng dầu gió không đúng cách

Không chỉ uống dầu gió mà thậm chí bôi không đúng cách cũng vô cùng nguy hiểm cho người dùng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân chỉ sử dụng ngoài da thôi cũng khiến cho cơ thể khó chịu.

Giải thích về điều này, lương y Vũ Quốc Trung cho biết: “Trong dầu gió, tinh dầu bạc hà chứa methol và methyl salicylat là hai thành phần thường gặp nhất. Menthol bốc hơi rất nhanh, gây tê tại chỗ và cảm giác khoan khoái, mát lạnh khi xoa vào da. Nhưng khi dùng nhiều dầu gió có tác dụng phụ làm tăng bài tiết mồ hôi nên dễ gây hạ nhiệt thân thể. Vì vậy mà những người bị lở ngứa, ra mồ hôi, sốt cao, vừa ốm dậy, người suy nhược, táo bón, tăng huyết áp phải đặc biệt chú ý không nên dùng”.

Theo các chuyên gia, khi bị ngộ độc vì dùng dầu gió thì các triệu chứng sẽ xuất hiện chỉ trong vòng 5 - 90 phút sau tiếp xúc, tùy vào lượng dầu nhiều hay ít. Các biểu hiện sớm là bỏng miệng, hầu họng, buồn nôn, nôn mửa, lừ đừ, sau đó là co giật, hôn mê, thậm chí là suy hô hấp nặng. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.

Do vậy khi sử dụng hoặc phát hiện bệnh nhân uống phải dầu gió có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ ngộ độc thì người nhà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. Đặc biệt là đối với trẻ em dưới 2 tuổi và phụ nữ đang mang thai thì không nên dùng dầu gió. Bời vì thành phần chủ yếu trong dầu gió là tinh dầu bạc hà.

Trong tinh dầu bạc hà có nguy cơ gây hiện tượng ức chế tuần hoàn và hô hấp dẫn đến ngừng tim và ngừng thở, vì vậy không dùng dầu gió cho trẻ em dưới 2 tuổi, và phụ nữ có thai, đang cho con bú.

 Nguy hiểm vì thói quen sử dụng dầu gió không đúng cách

Để phát huy hết tác dụng của dầu gió, lương y Vũ Quốc Trung đưa ra lời khuyên đối với mọi người: “Không có một quy chuẩn nào cụ thể về việc sử dụng dầu gió như thế nào cho chính xác. Tuy nhiên, các điểm cần phải lưu ý đó là trước khi bôi dầu cần rửa sạch tay và rửa sạch, lau khô vùng da bị đau.

Nên lấy đầu ngón tay trỏ lấy một lượng thích hợp thay bằng việc đổ dầu gió trực tiếp lên vùng da, bôi lên chỗ đau nhức hay vết côn trùng cắn đố. Đối với bệnh nhân đau bụng, khó tiêu thì bôi vào vùng quanh rốn, còn nhức đầu bôi thái dương. Lưu ý khi bôi miết nhẹ nhàng, day tròn, ấn bằng ngón tay trỏ”.

Đặc biệt, ông lưu ý rằng trong một ngày không dùng quá hơn 3-4 lần và không bôi lên niêm mạc, vùng mắt, vết thương hở.Đối với trường hợp mắc bệnh mãn tính, khi dùng dầu gió cần có sự tư vấn của các bác sỹ.

Đối với trẻ em trên 2 tuổi có thể sử dụng hiệu quả dầu gió như sau: Trẻ bị ngạt mũi thì hòa tan 2 giọt tinh dầu với 1 chén nước nóng, cho trẻ hít thở sẽ dễ chịu và không chảy nước mũi nữa. Trẻ bị cảm, mệt mỏi, khó chịu, quấy khóc: Pha nước tắm của trẻ với vài giọt tinh dầu khuynh diệp sẽ hỗ trợ trị cảm cho bé.

Ngày lạnh, trở trời có thể giúp trẻ phòng cảm lạnh bằng cách xoa một lớp mỏng tinh dầu khuynh diệp vào gan bàn chân, bàn tay trẻ. Phòng bệnh cho trẻ đi chơi nơi đông người, đi chơi xa… Hãy bôi ít tinh dầu Khuynh diệp lên áo quần, lòng bàn tay, giúp trẻ không bị lây bệnh.

Theo giadinhvietnam