Nhiều thuê bao di động bị trừ tiền oan, chuyên gia chỉ cách đề phòng

Tự ý đăng ký dịch vụ rồi tự ý trừ tiền của khách hàng là tình trạng được nhiều người phản ánh và bức xúc trước hàng loạt 'dịch vụ lạ' của nhà mạng.

Hàng loạt dịch vụ “đăng ký hộ” rồi tự trừ tiền 

Mặc dù không đăng ký dịch vụ nào của nhà mạng Vinaphone nhưng anh L (Hà Nội) lại nhận được tin nhắn thu 10.000 đồng từ một đầu số lạ. Khi kiểm tra, anh L phát hiện ra thuê bao của mình đang đăng ký sử dụng một dịch vụ lạ tên FSUB, tin tức trên Zing News.

Liên hệ với nhân viên tổng đài của dịch vụ này, anh T. được trả lời, nhà mạng Vinaphone đăng ký hộ dịch vụ FSUB cho anh. 

Đây là dịch vụ chia sẻ dữ liệu từ một bên thứ ba cung cấp, không thuộc sở hữu của Vinaphone. Dịch vụ cho phép người dùng tải lên và tải xuống dữ liệu có dung lượng lớn.

Tuy nhiên chủ thuê bao cho hay, anh không hề có nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Nếu sử dụng, mỗi tháng anh phải mất hơn 40.000 đồng/tháng nên ngay sau khi bị trừ tiền anh đã hủy dịch vụ vô lý này.

Nhiều thuê bao di động bị trừ tiền oan, chuyên gia chỉ cách đề phòng

Người dùng nên thận tỉnh táo trước các dịch vụ lạ của nhà mạng. Ảnh: Zing News 

Báo VnExpress cũng đưa tin, anh Đ. đang sử dụng 4 số điện thoại của một trong 3 nhà mạng lớn và đang bị trừ phí 10 dịch vụ, trong đó những dịch vụ như Thegioinhac, mMusic, 2Funny, mBongda, kenh1, Xembongda, Xosophattai, AloTV... có mức phí dịch vụ trung bình 2.000 đồng mỗi ngày.

Anh Đ. phản ánh anh không đăng ký những dịch vụ này và chỉ biết về nó khi nhận được tin nhắn "chúc mừng đăng ký dịch vụ... thành công". 

Anh Đ. bức xúc chia sẻ, nếu nhẩm tính, với các số điện thoại nêu trên, hàng tháng mất gần 900.000 đồng. 

Một trường hợp khác xảy ra với anh Bùi Ngọc H (Vũng Tàu) nhận được tin nhắn của nhà mạng MobiFone thông báo sắp gia hạn gói 3G với cước phí 70.000 đồng một tháng. Nếu khách hàng không hủy, nhà mạng sẽ tiếp tục gia hạn dịch vụ này.

Ngay sau đó, anh H. vào kiểm tra điện thoại xem còn đủ tiền gia hạn gói cước không thì thấy thông báo tài khoản còn 75.400 đồng. Đến sáng hôm sau, anh bỗng dưng nhận được tin nhắn báo tài khoản không đủ để gia hạn gói 3G, dù từ khi kiểm tra tài khoản tối hôm trước, anh không thực hiện thêm cuộc điện thoại hay gửi tin nhắn nào.

Khách hàng này có chất vấn nhân viên nhà mạng về việc tại sao anh không đăng ký mà lại có dịch vụ này thì được nhân viên này lý giải là có thể do anh vô tình click vào đường link trên một trang quảng cáo nào đó nên hệ thống tự động đăng ký.

Người dùng phải làm gì khi bị "móc túi" âm thầm của nhà mạng?

Trước đó, khi nhận được nhiều phản ánh của khách hàng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng đã phát đi cảnh báo đến người dùng về vấn đề vi phạm liên quan đến các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động. Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo người dùng chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin để tránh những hành vi xâm phạm quyền lợi của mình.

Từng trả lời trên báo Giáo dục Việt Nam về những bất cập trong quản lý dịch vụ của các nhà mạng hiện nay, LS. Trương Anh Tuấn cho rằng, nhà mạng phải minh bạch thông tin dịch vụ với khách hàng. 

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần quy định tất cả các dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ nhận thông tin quảng cáo phải được chủ thuê bao chủ động soạn tin nhắn đăng ký đến.

LS Tuấn dẫn ví dụ, trường hợp nếu tôi muốn nhận thông tin về giá vàng, giá USD hàng ngày tôi phải chủ động nhắn tin đến và nhà mạng phải có tin nhắn phản hồi xác nhận xem đúng là chủ thuê bao đăng ký dịch vụ đó không. Phải chặt chẽ như vậy thì người tiêu dùng mới không bị “móc túi”.

Nhiều thuê bao di động bị trừ tiền oan, chuyên gia chỉ cách đề phòng

Thường xuyên kiểm tra kỹ nếu có dịch vụ lạ khi nhà mạng gửi tới.  

LS Trương Anh Tuấn cũng khẳng định, nếu chứng minh được các dịch vụ gia tăng tự kích hoạt, trừ tiền, người tiêu dùng có quyền khởi kiện để yêu cầu nhà mạng trả lại tiền thỏa đáng.

Do đó, Zing News dẫn lời từ các chuyên gia bảo mật, để tìm ra những dịch vụ đang "âm thầm" trừ tiền điện thoại mỗi tháng, người dùng có thể nhắn tin đến tổng đài và đăng ký huỷ. Người dùng có thể nhắn tin để kiểm tra hoặc gọi trực tiếp đến tổng đài để huỷ các dịch vụ không cần thiết. 

Đối với nhà mạng Viettel, người dùng cần soạn tin nhắn với cú pháp TC gửi 1228. Tin nhắn hồi đáp sẽ liệt kê các dịch vụ đã đăng ký kèm theo cách thức để huỷ.

Nếu không muốn nhắn tin, người dùng có thể vào trang vietteltelecom.vn. Sau khi đăng nhập, người dùng click vào mục Tiện ích, chọn Di động trả trước. Vào mục Tra cứu dịch vụ GTGT, nhập mã bảo mật rồi bấm Xác nhận. Trang này sẽ thông báo các dịch vụ mà người dùng đang sử dụng.

Đối với thuê bao nhà mạng VinaPhone, người dùng có thể soạn tin nhắn TK gửi 123. Tin nhắn hồi đáp sẽ liệt kê các dịch vụ đã đăng ký kèm theo cách thức để huỷ. Với nhà mạng MobiFone, người dùng cần soạn tin nhắn KT gửi 994, rồi làm theo hướng dẫn trong tin nhắn.

Theo vietq