Những kịch bản nào cho TP.HCM sau 15 ngày giãn cách toàn thành phố?

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM dự đoán sẽ có 3 tình huống, rơi vào tình huống nào là phụ thuộc vào hành động trong thời gian này.

Chiều 13/7, tại buổi họp báo cung cấp tình hình thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn TP.HCM , ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, những tình huống có thể xảy ra sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16. 

Cụ thể, tình huống thứ nhất là TP.HCM sẽ ngăn chặn kiểm soát được COVID-19 và tính đến việc thực hiện Chỉ thị 16 hay 15, 19 tùy theo diễn biến của dịch.

Tình huống thứ 2 là Thành phố không kiểm soát được, dịch vẫn gia tăng, như vậy vẫn phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm một thời gian nữa, thậm chí tăng cường 16+ tại một số địa bàn.

Còn tình huống xấu nhất là tình huống thứ 3, dịch gia tăng mạnh mẽ, Thành phố đã tính đến tình huống phải siết chặt phong tỏa và đề xuất với Trung ương để quyết định giải pháp phù hợp.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tối 13/7. Ảnh: TTBC

Theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, Thành phố đang nghiên cứu và sẽ có đề xuất với cơ quan chuyên môn như Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 có nghiên cứu đề xuất phù hợp với tình hình.

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, dù cho thuộc tình huống nào sau 15 ngày, điều quyết định nhất bây giờ vẫn là phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trong những ngày còn lại. 

Theo đó, chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và triệt để yêu cầu 5K, nhất là khoảng “thời gian vàng” này. Các cơ quan chức năng, lực lượng công tác trực tiếp tham gia phòng chống dịch phải thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ để đạt hiệu qủa cao nhất. Nhằm đạt được kết quả cao nhất, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ mong rằng, người dân Thành phố, các cấp, các ngành, tổ chức tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện tốt các quy định trong 10 ngày còn lại.

Cũng theo ông Phan Văn Mãi, sau 5 ngày triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn TP, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Thành phố đánh giá cao và trân trọng cảm ơn nhân dân Thành phố đã đồng tình, ủng hộ và chấp hành nghiêm các quy định.

Thay mặt lãnh đạo TP, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi cũng trân trọng cảm ơn các tỉnh thành và đồng bào cả nước đã quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần cho TP.HCM trong nhiều ngày qua. Thành phố vô cùng trân quý, ghi nhận và biết ơn nghĩa tình, sự nhân văn đó.

Vân Nhi

Theo GiaDinh

-----

Xem thêm:

Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu, điều trị ca COVID-19 nặng

Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh rà soát, bổ sung năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực (ICU) hoặc thiết lập ngay đơn vị ICU (nếu chưa có) để không bị động trước diễn biến dịch COVID-19.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), chiều 13/7 nhận định trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), số lượng ca bệnh COVID-19 trên cả nước tăng rất nhanh trên 20.000 ca mới và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, cùng với đó số ca tiến triển nặng, nguy kịch sẽ tăng cao. 

Để đáp ứng tốt nhất công tác cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh COVID-19 nặng trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc "4 tại chỗ", trong công văn hoả tốc ngày 13/7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các Sở Y tế chỉ đạo bệnh viện đa khoa tỉnh rà soát, bổ sung năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực (ICU) hoặc thiết lập ngay đơn vị hồi sức tích cực (nếu chưa có) để không bị động trước diễn biến dịch.  

bo-y-te-yeu-cau-chuan-bi-san-sang-cap-cuu-dieu-tri-ca-covid-19-năng

Điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đơn vị ICU điều trị COVID-19 phải bảo đảm cách ly riêng biệt với các đơn vị khác trong bệnh viện. Có thể lựa chọn khoa truyền nhiễm của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc một bệnh viện khác phù hợp trên địa bàn. 

Đối với tỉnh chưa có dịch hoặc số ca mắc ít cần chủ động chuẩn bị ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Đối với các địa phương có nguy cơ cao (nhiều khu công nghiệp, thị xã đông dân cư…) cần tăng số giường bệnh hồi sức tích cực, chủ động ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát.

Sở Y tế rà soát, đánh giá năng lực cấp cứu, ICU của các bệnh viện trực thuộc và căn cứ dự báo tình hình dịch của địa phương ước tính số ca bệnh nặng để giao nhiệm vụ tiếp nhận các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch cho các đơn vị trực thuộc. 

Sở cũng phải phân công bệnh viện đa khoa tỉnh tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện (công lập, tư nhân và bệnh viện thuộc Bộ, ngành) trên địa bàn về công tác ICU để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch theo kế hoạch được phân bổ.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở có kế hoạch phân công, kiểm tra, báo cáo cụ thể tình hình chuẩn bị giường bệnh điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch, giảm thiểu tối đa người bệnh COVID-19 tử vong trên địa bàn.

Đối với bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chuẩn bị, bố trí khu vực hồi sức tích cực tách biệt với khu hồi sức tích cực chung và các khoa, phòng khác; báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cơ số giường ICU để sẵn sàng tiếp nhận điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch theo phân công của Bộ Y tế và hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.

Các đơn vị chuẩn bị phương án để bảo đảm về nhân lực phục vụ, trang thiết bị y tế, danh mục thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ và công tác kiểm soát lây nhiễm cho đơn vị ICU tích cực điều trị người bệnh COVID-19 nặng, đặc biệt chú ý hệ thống khí nén, ô-xy trung tâm, máy thở, camera theo dõi… sẵn sàng điều trị ngay ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch trong trường hợp được phân công.

Theo GiaDinh