Những sự thực về nơi an táng Bao Công

Sau khi Bao Công qua đời, phần mộ của ông vẫn là một điều bí ẩn, nó gây ra những tranh luận giữa hai tỉnh Hà Nam và An Huy. Nút thắt chỉ được tháo gỡ sau cuộc khai quật ở An Huy năm 1973.

Theo sử Trung Quốc, Bao Công là nhà chính trị kiệt xuất họ Bao tên Chửng, chữ là Hi Nhân, quê gốc ở Lư Châu, Hợp Phì, đậu Tiến sĩ năm Thiên Thánh thứ 5, đời Tống Nhân Tông. Ông sống trong thời buổi nhà Tống bắt đầu yếu kém, tộc Khiết Đan luôn uy hiếp phía bắc, thù trong giặc ngoài luôn là những mối nguy lớn.

Vai trò Bao Công ở giai đoạn này trong chính sử và dã sử coi như một tấm gương có một không hai, đến kẻ thù cũng phải nể sợ… Cái tên BaoThanh Thiên, được người đời tôn xưng, cũng vì những đức tính cao quý và những tài năng xử án của ông.Năm 1062, Bao Công mắc bệnh qua đời ở phủ Khai Phong, Hà Nam, thọ 64 tuổi.

Tranh vẽ Bao Công

Tranh vẽ Bao Công.

Theo các tài liệu trong sử Trung Hoa thì ở phía tây nam huyện Củng, tỉnh Hà Nam có 9 ngôi mộ của các hoàng đế nhà Tống được gọi là “Tống lăng ở Củng huyện”, là một di tích nổi tiếng. Gần lăng Vĩnh Định của Tống Chân Tông, có một ngôi mộ tròn được mọi người kháo nhau đó chính là mộ Bao Công.

Người ta cho rằng do được ân sủng nên mộ xây cao tới 5 mét. Trong một bức ảnh về “Đệ tử chùa Thiếu Lâm”, người ta ghi lại việc hai chị em Hồng Gia Ban bị bọn ác bá truy bức chạy đến gần nơi mộ của Bao Công, trên mộ còn ghi rõ dòng chữ: “Mộ Thừa tướng Hiếu Túc Bao Công”.

Tuy nhiên lại có một hướng suy nghĩ khác: theo các nhà khảo cổ, mộ Bao Công và vợ là Đổng thị đã được khai quật ở xóm Song Vu, làng Đại Hưng, ngoại ô thị trấn Hợp Phì, tỉnh An Huy.

Một thời gian dài sau đó không có bất cứ phát hiện nào về phần mộ thật - giả của Bao Công, người dân hai tỉnh Hà Nam và An Huy thường có những tranh luận gay gắt xoay quanh vấn đề này.

Tranh luận cứ tiếp diễn cho tới tháng 4/1973, Ủy ban Cách mạng thành phố Hợp Phì ra thông báo dời khu mộ Bao Công tại HTX Đại Hưng để xưởng luyện thép Hợp Phì số 2 xây lò nung vôi, trong quá trình xây dựng đã phát hiện ra phần mộ của Bao Công.

Cũng vì thân phận đặc biệt của Bao Công nên cuộc khai quật này thu hút được nhiều sự chú ý của người dân Trung Quốc. Không chỉ có sự hiện diện của một lực lượng lớn cảnh sát mà có thời điểm còn nhờ tới sự giúp đỡ của quân đội để duy trì trật tự.

Phần mộ Bao Công ngày nay.

Phần mộ Bao Công ngày nay.

Sau 4 tháng miệt mài khai quật, đã tìm ra tổng cộng 12 ngôi mộ của gia tộc Bao Công và phát hiện ra rằng Bao Công được hợp táng cùng với phu nhân trong 1 quan tài dài 2,4 m, được làm bằng gỗ nam mộc tơ vàng rất quý song không có bất cứ một vật tùy táng nào cả. Các nhà khảo cổ học đã kiểm tra và cho rằng ngôi mộ này dã từng bị bọn cướp mộ khai quật trước đó.

Tiếp tục khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra 2 tấm “mộ chí minh” bằng đá, trong đó một tấm là của Bao Công. Tấm “mộ chí minh” của Bao Công được cho là do một người bạn tên là Ngô Khuê Triện viết trước khi ông qua đời.

Tấm mộ chí minh này mặc dù đã bị đập vỡ thành 5 miếng nhưng khi khớp lại vẫn khá hoàn chỉnh, và đặc biệt có khắc đến gần 3.000 chữ kể về con người, sự nghiệp của Bao Công, tức nhiều hơn gấp 3 lần “Bao Chửng truyện” được lưu trong “Tống sử”.

Nó đã giúp làm khép lại những tranh luận giữa trong nhiều năm giữa hai tỉnh An Huy và Hà Nam về những câu chuyện xoay quanh Bao Công và phần mộ của ông.

Báo mạng của Tân Hoa Xã cung cấp thêm một số chi tiết: Khi khai quật, các nhà khảo cổ đã chọn ra 35 mẫu xương từ di cốt của Bao Công và phu nhân của ông, nhưng không thể xác định các mẫu xương này thuộc bộ phận gì trên cơ thể và nó là của Bao Công hay phu nhân của ông Đổng thị.

Vì vậy họ đã nhờ tới sự giúp đỡ của Khoa Nghiên cứu Cổ nhân loại học và động vật có xương sống của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

Kết quả kiểm tra rất nhanh chóng được đưa ra, không chỉ xác định được những mẫu xương này là thuộc về đàn ông, sống vào thời nhà Tống mà còn cho biết người đàn ông này khoảng hơn 40 tuổi. Có thể xác định rằng khẳng định đây chính là di cốt của Bao Công.

Tờ An Huy vãn báo cũng cho biết thêm: sau này Phòng nghiên cứu giải phẫu An Y cũng tiến hành nghiên cứu mẫu xương trong mộ lại lần nữa và xác định thêm được Bao Công thuộc tạng người tầm trung, có chiều cao khoảng 1m65.

Như vậy đã rõ có thể xác định được rằng mộ chính của Bao Công là nằm ở Hợp Phì tỉnh An Huy ngày nay, và ngôi mộ to đẹp mà hậu duệ họ Bao vẫn đinh ninh là nơi yên nghỉ của ông tổ và hàng năm đều tới lo cúng tế, lễ bái thì lại không đúng.

Theo Phạm Xuân Lộc (NDT)