Nỗi buồn trước Tết của cam Canh tại "thủ phủ lá dong" Tràng Cát

600 năm nay, làng Tràng Cát nổi tiếng với lá dong. Vài năm nay, địa phương này có thêm cam Canh, tuy nhiên, năm nay cam Canh mất giá, khiến nhiều hộ dân trồng cam phải chịu một cái Tết “buồn”.

"Thủ phủ lá dong” miền Bắc

Về “thủ phủ lá dong” Tràng Cát (Thanh Oai- Hà Nội) đúng những ngày rét đậm nhưng không khí lao động tại đây không vì thế mà giảm. Giáp Tết, hàng tấn lá dong từ đây theo các chuyến xe tỏa đi khắp nơi, càng khiến người dân cảm nhận rõ tiết xuân đang về.

Với lịch sử hơn 600 năm, Tràng Cát nổi tiếng gần xa về chất lượng tuyệt vời của lá dong tại đây. Lá dong Tràng Cát thuộc loại dong nếp, xanh ngắt, dày, dẻo dai, lá to và đều. Lá dong Tràng Cát góp phần làm tăng thêm hương vị thơm ngon và màu sắc bắt mắt cho chiếc bánh chưng cúng gia tiên ngày Tết.

Nỗi buồn trước Tết của cam Canh tại “thủ phủ lá dong” Tràng Cát
 Những vườn lá dong như thế này còn lại không nhiều

Nhiều đời nay người dân làng Tràng Cát mưu sinh chủ yếu bằng lá dong. Tuy thu hoạch nhiều đợt trong năm nhưng lớn nhất vẫn là dịp cận Tết Nguyên đán. Những ngày này, lá dong Tràng Cát theo chân gánh buôn đi đến khắp các chợ tại Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, một hộ trồng lá dong lâu năm tại đây, lá dong Tràng Cát là “thương hiệu” của địa phương và có lịch sử lâu đời. Tết của nhiều năm trước, làng tấp nập cắt, bán lá dong. Những năm gần đây, diện tích trồng lá dong bị thu hẹp lại và người dân cũng chuyển sang trồng thêm nhiều loại cây khác. Dù vậy, lá dong quê hương ông vẫn là địa chỉ đầu tiên người ta nhắc đến khi tìm lá gói bánh chưng dịp Tết.

Nỗi buồn trước Tết của cam Canh tại “thủ phủ lá dong” Tràng Cát
 Người dân thu hoạch lá dong, tận dụng những lá loại 2,3 với giá 50.000/100 lá

Đây là thời điểm được giá nhất của lá dong trong năm. Tại thời điểm này, giá bán lá dong  tại các nhà vườn dao động khoảng 50.000- 200.000 đồng/100 lá, tùy thuộc vào từng loại lá to hay nhỏ. Nhiều hộ gia đình vẫn mưu sinh chủ yếu bằng lá dong, mỗi sào thu được khoảng 15 - 20 triệu đồng tiền bán lá.

Theo thống kê, hiện nay,Tràng Cát còn khoảng hơn 200 mẫu trồng lá dong. Đến mùa cắt là, muốn giữ cho lá dong tươi lâu, sau khi cắt, người dân sẽ nhúng vào nước sạch trước khi bó.

Theo nhiều người dân tại đây, lá dong Tràng Cát tốt tươi bởi được thừa hưởng sự màu mỡ của phù sa ven sông Đáy. Chất đất phù hợp với cây dong, cho ra loại lá chất lượng cao mà hiếm nơi nào có được.

Cam Canh mất giá

Dù lá dong cho hiệu quả kinh tế không nhỏ nhưng với sự màu mỡ của đất, nhiều hộ dân Tràng Cát vẫn bỏ lá dong, chuyển sang trồng cam Canh để nâng cao đời sống. Do đó, ngày giáp Tết, làng lá dong còn đỏ rực màu cam và tấp nập người mua, người thu hoạch cam đi bán.

Tuy nhiên, năm nay, giá cam xuống thấp khiến thu nhập của người dân nơi đây giảm sút. Theo khảo sát, hiện nay, một kg cam chỉ bán được với giá từ 15.000 - 20.000 nghìn đồng trong khi năm trước trung bình 1kg có giá lên đến 40.000-50.000 đồng.

Nỗi buồn trước Tết của cam Canh tại “thủ phủ lá dong” Tràng Cát
 cam Canh Tràng Cát

Để khắc phục, một số hộ đã chọn những cây có thế đẹp, có dáng hấp dẫn, quả nhiều, đều để bán theo dạng cây cảnh cho người chơi Tết. Với hình thức này, mỗi cây cam có thể bán với giá 1.5 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hữu Thành, một hộ dân đưa cam Canh về trồng thay cho dong từ năm 2009 cho hay, cam Canh vài năm trước đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn lá dong. Tuy nhiên, năm nay cam mất giá, chỉ bằng nửa các năm, lại còn bị thương lái ép nên bà con nhìn chung hơi thất vọng.

Nỗi buồn trước Tết của cam Canh tại “thủ phủ lá dong” Tràng Cát
 Những giỏ cam giá bèo

Dù vậy, theo ông Thành và một số hộ dân trồng cam, họ vẫn sẽ gắn bó với cây cam trong các năm tới với hy vọng giá cả sẽ được cải thiện hơn.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Tú, trưởng thôn Tràng Cát, hiện nay thôn này chỉ còn khoảng 200 hộ dân trồng dong và con số đang giảm dần. Những đồng rong bạt ngàn chỉ còn lại trong kí ức.

Theo ông Tú, nhìn chung, cây cam Canh đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng bấp bênh. Nhiều người dân vẫn muốn gắn bó với cây dong bởi muốn giữ lại cái nghề đặc trưng, truyền thống của làng.

Theo Hoàng Long(MTG)