Nỗi khổ của những đứa trẻ ở Nhà Trắng



Dù có cuộc sống đầy đủ và cơ hội được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, cuộc sống của những đứa trẻ trong Nhà Trắng không phải lúc nào cũng "màu hồng".

Không giữ bất cứ trọng trách chính thức nào nhưng những đứa con của các đời tổng thống Mỹ luôn thu hút sự chú ý của dư luận. Thậm chí, nhiều người trong số họ trở thành đối tượng của những trò châm chọc.

Mục tiêu của dư luận

Gần đây, nữ biên kịch Katie Rich của chương trình Saturday Night Live bị đình chỉ công tác sau khi công kích cậu út nhà Trump trên Twitter. Dù đã lên tiếng xin lỗi và đóng tài khoản mạng xã hội, Rich vẫn bị nhiều người phản đối, thậm chí đe dọa tính mạng. 

Vài ngày sau khi nữ biên kịch Rich bị đình chỉ, Nhà Trắng đưa ra thông báo đề nghị báo chí tôn trọng quyền riêng tư của cậu út Barron Trump.

"Chúng ta có truyền thống lâu đời rằng con cái của tổng thống có quyền lớn lên mà không bị ảnh hưởng bởi hào quang chính trị. Nhà Trắng hy vọng điều này sẽ được tiếp nối", thông báo nêu rõ.

Nỗi khổ của những đứa trẻ ở Nhà Trắng
Barron Trump đối mặt với nhiều áp lực khi chính thức trở thành con trai của tổng thống Mỹ. Ảnh: Getty.

Ngay sau đó, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Trump cho rằng việc Saturday Night Live "tấn công con trai 10 tuổi" của ông là một điều "ô nhục". Tổng thống Mỹ khẳng định con trai mình sẽ vẫn sống ở New York cùng đệ nhất phu nhân trong thời gian tới.

Hai mẹ con sống tại Trump Tower với sự bảo vệ nghiêm ngặt của mật vụ Mỹ. Chi phí cho việc này khoảng 1 triệu USD/ngày.

"Điều đó chẳng dễ dàng chút nào cho con trai của tôi", ông nói.

"Nỗi khổ tột cùng" của những đứa trẻ như Barron Trump chính là việc chúng có thể trở thành mục tiêu tấn công của giới truyền thống bất cứ khi nào. Khi không thể công kích người đứng đầu nước Mỹ, búa rìu dư luận sẽ hướng vào con cái họ.

Trước đây, con gái lớn của cựu Tổng thống Barack Obama bị chỉ trích dữ dội khi có hình ảnh cho thấy cô gái trẻ hút thuốc lá.

Hai con gái sinh đôi của cựu tổng thống George W. Bush cũng từng gặp phải tình huống tương tự vì có thông tin họ uống rượu khi chưa đủ tuổi.

Nỗi khổ của những đứa trẻ ở Nhà Trắng
Ông Trump và cô con gái luôn được truyền thông yêu quý, Ivanka Trump. Ảnh: Getty.

Ngược lại, những người con lớn của ông Trump luôn sẵn sàng với sự chú ý từ dư luận. Donald Jr. và Eric Trump sẽ thay mặt cha gánh vác công việc kinh doanh của gia đình. Ivanka Trump chuyển đến Washington và đóng vai trò quan trọng trong chính quyền mới. Họ đều xuất hiện bên cạnh tân tổng thống Mỹ trong nhiều sự kiện quan trọng.

"Câu lạc bộ"của những đứa con tổng thống

Đều sống ở Nhà Trắng trong những giai đoạn lịch sử nhất định, con cái của các tổng thống Mỹ dễ chia sẻ và thấu hiểu cùng nhau hơn.

Sau khi chương trình Saturday Night Live châm biếm con trai út của ông Trump, Chelsea Clinton, con gái của cựu Tổng thống Bill Clinton, viết: "Barron Trump xứng đáng có được một cơ hội như mọi đứa trẻ khác - đó là làm một đứa trẻ bình thường".

Đây là minh chứng rõ nét cho thấy sự hỗ trợ của các "thành viên" trong "câu lạc bộ" dành riêng cho những cậu ấm, cô chiêu của Nhà Trắng.

Nỗi khổ của những đứa trẻ ở Nhà Trắng
Obama được đánh giá là một người thành công trong việc nuôi dạy con cái vượt khỏi hào quang chính trị. Ảnh: Getty.

"Hãy đem theo tất cả những gì các em từng thấy, những con người các em từng gặp và cả những bài học các em có được và để điều đó dẫn lối các em tới những sự thay đổi tích cực", hai cô con gái của cựu Tổng thống Bush viết trong bức thư gửi ái nữ nhà Obama trong những ngày cuối cùng họ ở Nhà Trắng đầu năm 2017.

Hai chị em sinh đôi Jenna và Barbara Bush cũng chúc mừng Malia và Sasha Obama vì đã vượt qua "áp lực khủng khiếp của Nhà Trắng" chịu đựng "sự chỉ trích khắc nghiệt dành cho cha mẹ mình" từ những người xa lạ.

Trước đó, Jenna Bush cũng viết thư gửi các con của Obama khi họ chuyển tới Nhà Trắng vào năm 2009.

Với tư cách là những đứa trẻ trưởng thành trong môi trường đặc biệt, nhiều "thành viên" trong câu lạc bộ đặc biệt này có niềm ưa thích với chính trị và các công việc xã hội. 2 trong số đó đã trở thành tổng thống Mỹ: George W. Bush và John Quincy Adams.

Theo Japan Times/Zing