Phát hiện hàng nghìn sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng bán trên kênh online

2.706 sản phẩm kinh doanh online không có đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và có dấu hiệu giả nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng vừa bị bắt giữ.

Ngày 11/5, thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Long An cho biết, Đội QLTT số 6 kiểm tra, phát hiện 2.706 sản phẩm hàng hóa kinh doanh hàng online không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và có dấu hiệu giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng.

phat-hien-hang-nghin-san-pham-gia-nhan-hieu-noi-tieng-ban-tren-kenh-online

 Một số sản phẩm có dấu hiệu giả nhãn hiệu nổi tiếng.

Cụ thể, qua kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Đội QLTT số 6 phát hiện cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa hóa như: mỹ phẩm, quần áo, túi xách, dép, ví… trên mạng xã hội facebook, Zalo nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Hàng hóa vi phạm gồm: 719 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, 379 đơn vị sản phẩm túi xách, 1.537 đơn vị sản phẩm quần áo, 61 đôi dép, 10 ví và kính. Trong số sản phẩm hàng hóa trên có một số sản phẩm mang nhãn hiệu Gucci, Chanel, Adidas, Louis Vuittun, Hermees, Levis có dấu hiệu giả.

Hiện vụ việc đang được Đội QLTT số 6 xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

Hiện nay, môi trường bán hàng online đang rất phức tạp, được coi là "thiên đường" của hàng giả, hàng nhái, gây nhiễu loạn thị trường và khó khăn trong quản lý.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến tập hợp những nội dung mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP, với kỳ vọng sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, dịch vụ nhằm ngăn chặn hàng giả, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52 sẽ thu gọn đối tượng ứng dụng thương mại điện tử và thực hiện thủ tục hành chính, xác thực danh tính người bán nước ngoài, minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ…

Thông tin hàng hóa trên website thương mại điện tử sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Quy định rõ trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ lưu kho, vận chuyển, giao hàng cung cấp chứng từ trong quá trình giao nhận, điều kiện thực thi cho các cơ quan phòng chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại.

Cùng với việc lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử, Bộ Công Thương cũng đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Thực tế, sau gần 10 năm thực thi (tháng 7-2011 đến nay), một số quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn phát sinh nhiều vướng mắc, không còn phù hợp với thực tiễn.

Một số quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh - tiêu dùng truyền thống chứ chưa tiếp cận những phương thức mới, hiện đại; đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng chia sẻ và khoa học - công nghệ 4.0. Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa phù hợp và đầy đủ...

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp. Đồng thời bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; góp phần phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.

Theo VietQ