Quảng Ninh: Thu giữ gần 1 tấn đỉa khô không rõ nguồn gốc

Hiện lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số đỉa khô trên để xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Quảng Ninh chiều 20/11 đưa tin, vào hồi 17h ngày 19/11, tại phường Hải Yên, TP Móng Cái, Đội QLTT số 4 (TP Móng Cái) phối hợp với Đội TTKS Giao thông 1-4, Phòng CSGT đường bộ đường sắt (Công an tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra và phát hiện một xe ô tô chở 960 kg đỉa khô, 81 kg tắc kè khô, nhiều rượu ngoại, cùng một số quần áo may sẵn, phụ tùng ô tô... không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Quảng Ninh: Thu giữ gần 1 tấn đỉa khô không rõ nguồn gốc

Tang vật thu giữ. Ảnh QTV 

Chiếc xe chở số hàng trên mang BKS 18C-017.96, do Hoàng Văn Thanh, trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long điều khiển.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được bất kỳ loại giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa nói trên.

Hiện Đội QLTT số 4 đã lập biên bản vi phạm, tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Đỉa khô dùng để làm gì?

Đỉa là một trong những vị thuốc cổ nhất của Đông y. Tác dụng chữa bệnh của đỉa được ghi chép lần đầu tiên trong cuốn sách "Thần nông bản thảo kinh", bộ sách thuốc đầu tiên của Đông y Trung Quốc cách đây 2.000 năm.

Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, đỉa dùng làm thuốc có nhiều loài nhưng thông dụng nhất là 3 loài: Đỉa xám, đỉa xanh lục và đỉa trâu.

Tờ Vnexpress dẫn lời thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch hội Đông y Việt Nam cho biết, đỉa khô còn gọi là "thủy điệt" hay "mã hoàng", có vị mặn, đắng, tính hàn, có độc.

Đỉa là bài thuốc có tác dụng phá hòn cục, tiêu tích, phong nở, trị bế kinh, trị các bệnh của phụ nữ như huyết ứ, không lưu thông do sang chấn tổn thương gây đau nhức.

Quảng Ninh: Thu giữ gần 1 tấn đỉa khô không rõ nguồn gốc

Đỉa khô có thể dùng làm thuốc. 

Cũng theo thầy thuốc Hướng, để làm thuốc, bắt các con đỉa to, khỏe, ngâm vào nước vôi loãng hoặc với rượu cho chết rồi vớt ra rửa sạch, mổ bụng, lộn toàn bộ ruột ra phía ngoài.

Sau đó rửa tiếp bằng nước muối loãng nhiều lần, đun cho chín, thái từng khúc rồi phơi sấy khô. Bảo quản trong các lọ thủy tinh sạch ở nơi khô ráo thoáng mát, thời gian sử dụng khoảng 6 tháng.

Cùng quan điểm, lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch hội Đông y quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, đỉa khô không có giá trị dinh dưỡng nào cả, song là một vị thuốc chữa bệnh trong Đông y.

Quanh miệng con đỉa có tuyến nước bọt tiết ra chất hirudin tác dụng làm cho máu không đông.

Người ta dùng đỉa làm nguyên liệu chiết men hirudin dưới dạng thuốc tiêm, thuốc xoa để chữa những trường hợp máu hay đông tắc, tụ máu nội tạng, tụ máu vết thương...

Từ xưa, Đông y đã biết đỉa là một vị thuốc có tính độc nên chỉ sử dụng với liều lượng nhỏ. Mỗi ngày người bệnh chỉ nên dùng 2-4 g đỉa khô, kết hợp với một số vị thuốc khác như nga truật, tam lăng, xuyên sơn giáp, đan sâm, đương quy...

Những người ứ trệ huyết không phải thực trứng thì cấm dùng. Người bệnh nên thăm khám thầy thuốc để được hướng dẫn sử dụng bài thuốc đặc trị phù hợp với bệnh và thể trạng.

Ông Hướng nhấn mạnh, đây là vị thuốc không độc nhưng nguy hiểm. Người dân kể cả những thầy thuốc không có kiến thức sâu về đông y thì tuyệt đối không nên dùng.

Nhiều người lo ngại đỉa khô có thể tái sinh. Bác sĩ Lê Hữu Tuấn ở Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương nhìn nhận, lịch sử y học đã ghi nhận nhiều trường hợp con đỉa có thể bám và sống trong hốc mũi, hậu môn của người, nhưng đấy là con đỉa sống.

Chưa có xác thực nào về việc đỉa có thể tái sinh sau khi được phơi khô, tán nhỏ và cấy vào thức ăn. Lý do là bào tử của đỉa qua quá trình chế biến không thể tồn tại.

Theo vietq