Rau sạch Đà Lạt 'gây nghiện' cho khách hàng TP.HCM

Không bán được tại vườn, ông Sơn chở rau xuống TP.HCM. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều siêu thị lớn và hệ thống nhà hàng, khách sạn tại đây đã ăn "quen mùi rau sạch".

Đưa khách ra thăm vườn cải cúc đang vào thời kỳ thu hoạch, ông Nguyễn Lam Sơn cẩn thận nhổ từng gốc lên quan sát và gật đầu tâm đắc với chất lượng của lứa rau lần này.

Theo ông, mùa mưa là thời điểm người trồng rau ở Đà Lạt gặp khó khăn nhất trong năm vì xuất hiện nhiều mầm bệnh gây hại trên cây trồng. Mưa lớn cũng ảnh hưởng xấu tới chất lượng sản phẩm.

Riêng rau màu của gia đình ông Sơn nhờ được trồng trong nhà kính nên ít bị tác động bởi mưa nắng bên ngoài và các mầm bệnh gây hại.

Từ bỏ cách làm rau truyền thống

Ông Nguyễn Lam Sơn nhớ lại, ngày mới bắt tay làm nông nghiệp, gia đình ông cũng như hầu hết những hộ sản xuất tại Đà Lạt lúc bấy giờ, chưa xem trọng chất lượng và sự an toàn của rau. Năng suất, mục tiêu kinh tế mới là điều họ nhắm tới.

Chính gia đình ông cũng sử dụng thuốc để bảo vệ rau. Điều này không chỉ tác động trực tiếp tới sự an toàn của nguồn thực phẩm mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người sản xuất.

Rau sạch Đà Lạt 'gây nghiện' cho khách hàng TP.HCM

Ông Nguyễn Lam Sơn bên vườn rau cải cúc. Ảnh: Thạch Thảo. 

Từ năm 2005, người nông dân này đã sớm nhận ra vai trò của thực phẩm sạch đối với bữa ăn của mỗi gia đình.

Ông bàn bạc với vợ chuyển hầu hết diện tích đất trồng rau vào nhà kính để sản xuất nông sản sạch theo hướng VietGAP, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các tác nhân gây hại cây trồng từ bên ngoài.

“Bấy giờ khái niệm rau sạch đang rất mới, việc đầu tư để sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP khá tốn kém.

Quyết định chuyển phần lớn diện tích rau ngoài trời vào trồng trong nhà kính theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một vấn đề hệ trọng, nếu không có quyết tâm cao và sự “liều lĩnh” thì khó mà thực hiện được”, ông Sơn kể lại.

Từ đó, mỗi lần trên cây trồng xuất hiện loại bệnh lạ, ông Sơn đều lấy mẫu đem đến Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng nhờ phân tích, xác định nguyên nhân và đưa ra cách điều trị khoa học.

Không những thế, để đảm bảo các loại rau đưa ra thị trường tiêu thụ phải là sản phẩm sạch, ông còn bỏ tiền túi, thuê Chi cục BVTV Lâm Đồng kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp do chính mình làm ra.

Đây là điều mà từ trước tới giờ người nông dân chẳng ai muốn làm, bởi vừa mất công, vừa tốn kém.

Rau sạch Đà Lạt 'gây nghiện' cho khách hàng TP.HCM

Thu hoạch rau tại gia đình ông Sơn. Ảnh: Thạch Thảo. 

Gia đình ông Sơn đã khá chật vật trong việc đưa những lứa rau sạch đầu tiên đi tiêu thụ vì chi phí sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP có giá cao hơn hẳn.

Lúc bấy giờ, người tiêu dùng cũng ít ai để ý tới khái niệm rau sạch, điều họ quan tâm vẫn là giá thành.

Không bán được sản phẩm cho các tiểu thương ngay tại vườn, ông Sơn thuê xe chở rau xuống các chợ đầu mối và nhà hàng ở TP.HCM giới thiệu.

Chỉ trong thời gian ngắn, thành quả lao động của gia đình ông Sơn đã được người tiêu dùng chấp nhận. Nhiều siêu thị lớn và hệ thống nhà hàng, khách sạn tại TP.HCM ăn “quen mùi rau sạch” đã ký hợp đồng nhận bao tiêu lâu dài cho ông.

Cũng từ đó, các mối đặt hàng về rau sạch đến với gia đình nông dân này ngày càng nhiều, không ít đơn vị còn nâng số lượng tiêu thụ sản phẩm.

Thị trường tiêu thụ rau sạch của gia đình ông Nguyễn Lam Sơn được nhanh chóng mở rộng, vươn ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Liên kết sản xuất rau sạch

Để có đủ nông sản sạch cung cấp cho các đơn vị đặt hàng, ông Sơn xây dựng thành chuỗi liên kết sản xuất do chính ông làm chủ.

Nông dân này chịu trách nhiệm lo đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo nhà vườn cung cấp sản phẩm luôn có lời hơn lối canh tác truyền thống.

Điều kiện để được vào chuỗi liên kết phải là những hộ có kỹ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp, chịu sự giám sát kỹ thuật và phải đạt được những tiêu chí về chất lượng sản phẩm do ông đề ra.

Rau sạch Đà Lạt 'gây nghiện' cho khách hàng TP.HCM

Đóng gói rau xuất đi tiêu thụ trong chuỗi liên kết do ông Sơn đứng đầu. Ảnh: Thạch Thảo.

Đến nay, chuỗi sản xuất nông nghiệp do ông Nguyễn Lam Sơn đứng đầu đã quy tụ được trên 20 hộ với diện tích khoảng 80 ha, tập trung tại Đà Lạt, huyện Đức Trọng và Lạc Dương.

Danh mục sản phẩm gồm hàng chục mặt hàng rau, củ, quả các loại. Sản lượng nông nghiệp hàng năm lên tới 20.000 tấn.

Hiện, mỗi ngày ông Sơn đứng ra bao tiêu nông sản cho các hộ trong chuỗi sản xuất của mình trung bình 15-20 tấn.

Để đạt được những tiêu chí về chất lượng, ông luôn chỉ đạo người sản xuất phải kiểm tra dịch hại hàng ngày trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý phù hợp theo từng giai đoạn.

Bên cạnh đó việc tưới tiêu cũng được kiểm soát để loại trừ khả năng sản phẩm nhiễm kim loại nặng, sơ chế đảm bảo theo nguyên tắc một chiều, quản lý chặt trong khâu sơ chế…

Theo Chi cục BVTV Lâm Đồng, sản phẩm sau rạch trong chuỗi sản xuất nông nghiệp do ông Nguyễn Lam Sơn đứng đầu có chất lượng rất tốt. Nhiều năm qua, đơn vị chưa phát hiện mẫu nông sản nào có dư lượng bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Kết quả kiểm tra 100% mẫu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều an toàn. Theo đơn vị này, đây là mô hình sản xuất nông nghiệp sạch cần được khuyến khích, nhân rộng, nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ người tiêu dùng. 

Theo zingnews