Sản xuất bún chứa hóa chất bị xử lý thế nào?



Hiện nay trên thị trường xuất hiện một vài trường hợp sản xuất bún bằng hóa chất mục đích tẩy trắng và tạo độ dai, kéo dài thời gian sử dụng. Vậy pháp luật sẽ xử lý hành vi này như thế nào?

Chất độc hại thường xuyên được sử dụng trong bún là hàn the. Theo chuyên gia, đây là hóa chất không nằm trong danh mục các loại hóa chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm song chúng thường xuyên được dùng trong quá trình sản xuất bún nhằm tạo độ dai, giòn và lâu hỏng.

Dùng hàn the liều cao có thể gây ngộ độc cấp với biểu hiện nôn mửa, chóng mặt, còn với liều lượng nhỏ tích tụ và gây ngộ độc gan, thận, rất nguy hiểm cho cơ thể. Hàn the khi vào cơ thể không đào thải hết mà tích tụ lại bệnh. Trẻ ăn các thực phẩm có hàn the sẽ chậm phát triển, ảnh hưởng đến gan, thận…

Chất độc hại thứ hai thường xuyên dùng trong bún là Tinopal, chất này được sử dụng nhằm mục đích làm trắng và cải thiện độ bóng bề mặt khiến sản phẩm hấp dẫn hơn.

Khi ăn phải bún, phở có chứa hóa chất này, người tiêu dùng có thể gặp các bệnh lý khác nhau tùy theo nồng độ hóa chất vào cơ thể, thời gian ăn, mức độ đáp ứng của cơ thể.

Ảnh hưởng sớm nhất là tác động đến đường tiêu hóa, niêm mạc ruột gây chậm tiêu, viêm loét ruột, dạ dày. Nếu bị nhiễm kéo dài, người bệnh có thể bị rối loạn quá trình sinh tổng hợp của tế bào ruột, gan, thận và nguy cơ mắc ung thư.

Sản xuất bún chứa hóa chất bị xử lý thế nào?
Bún bán tràn lan trên thị trường không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: Internet

Theo bà Cao Thị Thanh T., một chủ cửa hàng bún: “Bún có hàn the hay chất cấm, sợi bún thường bóng, dai và giòn, bún rất trắng còn bún sạch thông thường màu trắng ngà hoặc trắng đục, sợi dễ gãy, bún có hóa chất để trong tủ lạnh lâu hư, bún sạch để khoảng một ngày là hư”.

“Thông thường nếu mua bún ở các chợ, tôi thường mua những loại bún không quá trắng vì sợ người sản xuất bỏ chất tạo trắng nhưng đa số tôi chỉ chọn mua bún ở một số cửa hàng bán có bao bì, nguồn gốc hoặc vào các siêu thị mua để an tâm hơn” - chị Thanh Tuyền ở Tân Phú cho biết.

Sản xuất bún chứa hóa chất bị xử lý thế nào?
Bún sạch thường có màu trắng ngà hoặc trắng đục, bún có hóa chất thường rất trắng. Ảnh: Internet

Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng hơn với các sản phẩm bún, bánh tươi có màu trắng và độ bóng hơn dưới ánh sáng.

Bạn nên lựa chọn sản phẩm bún, bánh tươi có nguồn gốc rõ ràng của cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được cơ quan chức năng chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Theo luật sư Phạm Quốc Hưng, tại Điều 6 Nghị định 178/2013 của Chính phủ quy định:

Thứ nhất, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng.

Thứ hai, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng.

Thứ ba, phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại.

Người vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm còn bị đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ ba tháng đến sáu tháng và bị tiêu hủy tang vật.

Ngoài ra, Điều 244 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định:

- Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

- Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo plo