Showbiz Việt đang biến trẻ em thành cỗ máy kiếm tiền

Gameshow dành cho đối tượng trẻ em, là sự xuất hiện ngày càng nhiều “tài năng nhí”. Đáng lo là vì lòng tham, người lớn đã cố tình quên các em vẫn đang là trẻ con, mạnh tay đẩy các em vào một cuộc marathon…

Khi trẻ trở thành thương hiệu bán vé

Tối 22/10/2016, đội Tin Tin (tên thật Dương Quốc Anh) đoạt Quán quân Người hùng tí hon mùa 2, và khi công bố thông tin này, đơn vị sản xuất chương trình cũng lập tức giới thiệu “sô diễn cám ơn” mang tên Người hùng tí nị của Tin Tin kèm số điện thoại để khán giả gọi mua vé (!). Thực tế, trước đó, khi có mặt tại chương trình năm nay, Tin Tin đã là cái tên xuất hiện trong nhiều chương trình và sau Người hùng tí hon 2, Tin Tin nhận được hàng loạt lời mời biểu diễn.

Một cái tên khác đang gây sốt là Ku Tin (tên thật là Minh Hoàng, SN 2011). Từ khi xuất hiện trong chương trình Người hùng tí hon mùa đầu tiên, Ku Tin đã được yêu thích và có sô diễn khắp nơi, với mức cát-sê mà bất cứ ca sĩ mới vào nghề nào cũng ghen tị.

Ngay sau Người hùng tí hon, gương mặt nhí này liên tục tham gia các chương trình khác như Thách thức danh hài, Thử tài siêu nhí… và làm khách mời cho một số chương trình nhí. Bấy nhiêu đủ thấy cường độ “chạy sô” của thí sinh nhí này là như thế nào, người lớn đã "vắt sức" em ra sao.

Showbiz Việt đang biến trẻ em thành cỗ máy kiếm tiền
Kutin mệt mỏi ở hậu trường

Tin Tin hay Ku Tin chỉ là hai cái tên trong số không ít trẻ em đang bị người lớn khai thác trong showbiz. Sau khi trở thành quán quân mùa đầu tiên của Vietnam Idol Kids, lập tức Hồ Văn Cường được ca sĩ Phi Nhung nhận làm con nuôi và tiếp đó là lịch diễn của Cường kín mít suốt 15 ngày hè còn lại.

Đồng thời, Cường được “mẹ nuôi” đưa lên TP.HCM làm hộ chiếu, “dẫn dắt” Cường đi nước ngoài biểu diễn. Chỉ sau vài tháng, Hồ Văn Cường giờ đã thành cái tên bán vé, nằm ở vị trí “quảng bá” chương trình của các sân khấu 126, Trống Đồng… Bầu sô T., chuyên tổ chức chương trình ở tỉnh, cho biết hiện nay, mời Cường biểu diễn vào cuối tuần là hoàn toàn không thể, dù cát-sê cao, vì giọng ca nhí này đã kín lịch đến nhiều tháng sau.

Thế nhưng, so với Phương Mỹ Chi, Cường vẫn còn thua một bậc. Không chỉ chạy sô cả trong lẫn ngoài nước, Phương Mỹ Chi còn đi thu âm, quay MV, đóng phim, đóng quảng cáo… Rất nhiều lần người ta thấy Phương Mỹ Chi tất tả chạy từ trường, đồng phục vẫn còn trên người, xuất hiện tại phòng thu hay buổi tập nhạc.

Showbiz Việt đang biến trẻ em thành cỗ máy kiếm tiền
Phương Mỹ Chi - ngủ trong lúc họp fan

Thị trường phía Bắc tuy không sôi động như phía Nam, nhưng những cái tên như Đức Vĩnh - Quán quân Vietnam’s Got Talent, Quang Anh - Quán quân Giọng hát Việt nhí, Gia Khiêm - “soái ca” Vietnam Idol… vẫn đều đặn biểu diễn mỗi cuối tuần. Trong đó, Gia Khiêm còn nhận được khá nhiều hợp đồng quảng cáo, thường xuyên di chuyển giữa Hà Nội - TP.HCM.

Những đứa trẻ không còn là trẻ con 

Để tham gia sân chơi truyền hình thực tế, việc tập luyện đến 11g đêm là rất bình thường. Đó cũng là sinh hoạt bình thường của Ku Tin. Chuyện bé ngủ gục trên tay người nhà khi được chở đến trường quay, oà khóc vì bị đánh thức để tập luyện không hiếm. Theo chị Ngọc Trang - mẹ Ku Tin, có lúc bé phải nghỉ học suốt babốn tháng vì lịch thi, diễn dày đặc. Do vậy, trong khi các bạn của Ku Tin đã nhận diện được mặt chữ thì bé vẫn chưa.

Ít ai biết, gương mặt nhí này từ lâu đã có hẳn một đơn vị quản lý (cũng là công ty quản lý cho nhóm nhạc HKT và một số gương mặt nhí khác như Gia Quý - Quán quân Siêu nhí tranh tài, Minh Khang - Á quân Bước nhảy hoàn vũ nhí…). Để tránh bị dư luận chỉ trích, thông tin này không hề được công bố, nhưng theo các bầu sô, từ lâu công ty này là nơi đưa ra mức giá cát-sê, nhận lịch diễn cho Ku Tin.

“Thường thì đặt lịch diễn Ku Tin qua công ty này, nếu gọi đến Đ.Q (đơn vị sản xuất chương trình Người hùng tí hon - PV) để book sô thì có khi họ còn hét giá cao hơn, vì chỉ là trung gian, chia phần trăm gọi sô”, bầu sô K. nói. Gần đây nhất, vì tham gia cùng lúc quá nhiều chương trình truyền hình lẫn sô biểu diễn, Ku Tin có dấu hiệu khàn giọng, thể trạng suy giảm nên phải bỏ ngang chương trình Thử tài siêu nhí.

“Chị cả” Phương Mỹ Chi cũng không khấm khá gì hơn khi thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu ngủ, nhiều lúc ngủ ngồi trong hậu trường khi chờ đến giờ diễn. Những bữa ăn đủ dinh dưỡng, dĩ nhiên cũng hiếm hoi với giọng ca nhí này. Rất nhiều lần Phương Mỹ Chi phải ăn cơm hộp khô khốc hoặc nhai vội ổ bánh mì để lót dạ trong hậu trường, do không có thời gian để ăn một bữa tử tế.

Showbiz Việt đang biến trẻ em thành cỗ máy kiếm tiền

Gia Khiêm thì phải cắn răng chịu đựng nỗi sợ kinh khủng nhất của mình là đi máy bay. Mỗi khi biết sẽ phải đi máy bay, việc đầu tiên Gia Khiêm hỏi mẹ là liệu có thể đi tàu hỏa hay ô tô được không? Thế nhưng, trung bình mỗi tháng em phải bay vào TP.HCM ít nhất một lần để diễn hoặc đóng quảng cáo…

Vĩ Thanh 

Tháng 4/2016, Tổng cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc đã ra văn bản về việc hạn chế, thậm chí cấm tuyệt đối các chương trình có trẻ chưa đủ tuổi thành niên. Theo cơ quan này, các chương trình truyền hình thực tế đã xâm phạm đến quyền riêng tư của trẻ em, lợi dụng trẻ em để kiếm tiền và lăng xê trẻ em theo kiểu “một bước thành sao”, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Hàn Quốc - nơi công nghệ truyền hình thực tế trẻ em phát triển vượt bậc so với khu vực, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã nhiều lần đặt vấn đề về tình trạng này.

Tại Việt Nam, tình trạng trẻ bị lạm dụng để lên sân khấu làm công cụ kiếm tiền cho người lớn cũng đã được đặt vấn đề ngay từ những ngày đầu tiên xuất hiện chương trình dành cho đối tượng nhí.

Tuy nhiên, thay vì xem xét ở góc độ phát triển toàn diện cho trẻ, đảm bảo quyền lợi của trẻ thì các cơ quan có trách nhiệm vẫn buông lỏng quản lý. Đồng thời, chương trình dành cho người lớn ngày càng kém sức hút, trẻ em càng được tận lực khai thác nhiều hơn.

Sau The voice kids, truyền hình Việt liên tục có thêm Gương mặt thân quen nhí, Vietnam’s Got Talent, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Người hùng tí hon, Siêu nhí tranh tài, Bố ơi mình đi đâu thế, Vietnam idol kids, Siêu hài nhí, Vua đầu bếp nhí, Nhí tài năng, Thử tài siêu nhí, Siêu mẫu nhí, Ước mơ của em, Chung sức nhí... và sắp tới là Biệt tài tí hon, sẽ phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia VTV3.

Nếu ngày đầu xuất hiện, nhiều đơn vị sản xuất còn chọn mùa hè để trẻ tham gia thì hiện nay, các chương trình nhí diễn ra quanh năm. “Các em mất rất nhiều thời gian cho tập luyện và ghi hình, đến khuya mới kết thúc là chuyện bình thường”, ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi cho biết.

Đó là chưa kể, với các chương trình phát sóng trực tiếp, các em phải dồn sức tập luyện, thời điểm kết thúc một tập phát sóng trực tiếp lại là sau 22g, nên các em không chỉ mệt đuối mà còn đói rã người. Đó chưa phải là tất cả những gì các gương mặt nhí trong showbiz Việt phải chịu đựng.

Showbiz Việt đang biến trẻ em thành cỗ máy kiếm tiền

Phương Mỹ Chi mãi không quên sự cố trong một lần đi diễn ở tỉnh, một nam khán giả đã ném đá lên sân khấu khi em đang hát. Cô bé 13 tuổi này, sau khi buông micro chạy vào hậu trường đã khóc nức nở vì sợ hãi.

Bắt trẻ em chạy quá nhiều sô là vi phạm pháp luật

Điều 17 và điều 18 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: Trẻ em được quyền vui chơi, giải trí, tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật; phát triển năng khiếu. Việc thực hiện các quyền này phải trên cơ sở hài hòa lợi ích của trẻ, đảm bảo sự phát triển bình thường cho trẻ. Mọi hành vi làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ đều bị nghiêm cấm.

Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em liệt kê 10 hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm. Tại điều 10 Nghị định 71/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã cụ thể hóa các hành vi bị nghiêm cấm, có nêu hành vi cản trở việc học tập của trẻ em, trong đó liệt kê sáu hành vi cụ thể:

1. Lợi dụng uy tín, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng vật chất, uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học.

2. Bắt buộc, dụ dỗ trẻ em bỏ học, nghỉ học để gây áp lực, khiếu kiện, biểu tình trái pháp luật.

3. Gây rối, cản trở hoạt động của cơ sở giáo dục, phá hoại cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, giảng dạy của các cơ sở giáo dục.

4. Cố tình không thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho việc học tập của trẻ em theo quy định của pháp luật, không bảo đảm thời gian, điều kiện học tập cho trẻ em.

5. Hủy hoại sách, vở, đồ dùng học tập của trẻ em.

6. Từ chối tiếp nhận hoặc gây áp lực để cản trở việc tiếp nhận trẻ em khuyết tật có khả năng học tập, trẻ em nhiễm, nghi nhiễm, có nguy cơ hoặc có cha, mẹ nhiễm HIV được vào học tại các cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

Như vậy, pháp luật không nghiêm cấm cha mẹ có hành vi lôi kéo con cái tham gia vào các hoạt động biểu diễn nghệ thuật (showbiz), nhưng nếu bắt con cái phải chạy sô biểu diễn hết chương trình này đến chương trình khác, làm ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ đến mức trẻ phải bỏ học hoặc nghỉ học dài ngày thì có dấu hiệu của hành vi cản trợ việc học tập của trẻ em. Hành vi này bị pháp luật nghiêm cấm.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty luật Kinh Luân Đoàn Luật sư TP.HCM)

Showbiz Việt đang biến trẻ em thành cỗ máy kiếm tiền

Hại trẻ mà không biết hoặc giả vờ không biết!

Tôi phản đối việc bóc lột sức lao động trẻ em, coi trẻ em như công cụ kiếm tiền của người lớn. Điều này vi phạm quyền trẻ em được ghi trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Luậ t Bả o vệ , chăm só c và giá o dụ c trẻ em.

Vì thế truyền thông cần lên tiếng phê phán hiện tượng này và tránh đăng bài ca ngợi các em quá nhiều gây “hiệu ứng sao” càng khiến các em bị bóc lột nhiều hơn. Nhà nước cần có những quy định cụ thể càng sớm càng tốt để hạn chế sự bóc lột này.

Tôi phản đối VTV và một số đài truyền hình đang lạm dụng các chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em. Hiện tượng “người lớn hóa” các chương trình trẻ em, cho trẻ em hát và diễn như người lớn hình như để mua vui chứ không còn vì cơ hội phát triển tài năng nhí hay sân chơi chơi lành mạnh, phù hợp với trẻ em như mục đích ban đầu nữa.

Hiện nay, có quá nhiều nơi lợi dụng sự nổi tiếng của các em để làm show, và cũng nhiều người hâm mộ vô tình thêm áp lực, gánh nặng công việc cho các em. Các em cần được vui chơi, ăn uống đầy đủ, ngủ đủ, đi học cùng bạn bè để phát triển cả về thể chất và tinh thần. Những áp lực chạy sô, những bữa ăn tạm, những ngày đêm thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể lực, trí lực và đặc biệt ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ.

Nhân cách của trẻ sẽ ra sao nếu thiếu sự chăm sóc, dưỡng dục tối thiểu cần thiết phù hợp tâm lý lứa tuổi? Đôi khi cha mẹ cũng xót con nhưng đặt trong guồng quay của những lời mời, của sự nổi tiếng, vì ảo tưởng tương lai của con, tương lai tiền bạc của gia đình, các bầu sô chào mời đã vô tình hại con mà không biết.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia)

Theo Vũ Minh/phunuonline