Siêu thị Beemart: Nhãn mác hàng hóa bị "rơi" có hệ thống

Không chỉ tại siêu thị Beemart ở số 5, đường Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội) bày bán một số sản phẩm không nhãn mác hay nhãn mác thiếu thông tin mà tại 2 cơ sở khác ở phố Lò Đúc và Quan Nhân, cũng có tình trạng tương tự.

Siêu thị Beemart: Nhãn mác hàng hóa bị
Siêu thị Beemart số 246 Lò Đúc (Hà Nội). Ảnh: K.O

“Rơi nhãn mác” khắp nơi?!

Trong số báo 108 ra ngày 9/9, Báo Gia đình & Xã hội đã phản ánh về tình trạng Siêu thị Beemart ở số 5, đường Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội) bày bán cả những sản phẩm không nhãn mác hay nhãn mác thiếu thông tin. Nguyên nhân của tình trạng này được lãnh đạo siêu thị giải thích là do nhãn mác “bị rơi trong lúc vận chuyển hoặc khách hàng đánh rơi”.

Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy tình trạng này không chỉ xảy ra ở cơ sở số 5 đường Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội) mà còn xuất hiện tại 2 cơ sở khác của hệ thống là tại số 246 Lò Đúc (Hà Nội) và số 6 ngõ 68, phố Quan Nhân (Hà Nội).

Cụ thể, tại cơ sở số 6 ngõ 68, phố Quan Nhân (Hà Nội) có nhiều sản phẩm không nhãn mác như hạt hướng dương gói 100gr, hạt sen gói 100gr, hạt bí gói 100gr, bột kem sữa, các loại khuôn lò xo, khuôn Sing... Nhiều sản phẩm có tem mác thì cũng chỉ được ghi “Xuất xứ Việt Nam” hay “Xuất xứ Beemart”. Một số sản phẩm được giới thiệu là hàng nhập khẩu từ nước ngoài cũng không có nhãn phụ.

Còn tại cơ sở số 246 Lò Đúc, cũng lặp lại tình trạng như trên, điều này khiến nhiều khách hàng lúng túng khi lựa chọn sản phẩm. Theo quan sát của PV, mỗi lần tìm mua những sản phẩm này tại siêu thị, khách hàng đều phải nhờ đến sự trợ giúp của nhân viên bán hàng.

Lần đầu tiên tập làm bánh Trung thu cho cả gia đình, tìm đến Siêu thị Beemart tại số 246 Lò Đúc nhưng chị Nguyễn Hồng Vân (Bạch Mai, Hà Nội) khá lúng túng khi chọn nguyên liệu. “Tôi không hiểu sao một số sản phẩm họ không dán nhãn mác để chúng tôi có thể dễ dàng lựa chọn, sử dụng hơn. Có những sản phẩm tôi đã phải cầm ra tận nơi để hỏi nhân viên bán hàng. Điều này rất bất tiện và tôi cũng không biết được sản phẩm mình mua có nguồn gốc, xuất xứ ở đâu”, chị Vân phàn nàn.

Tại thời điểm chúng tôi khảo sát ở cơ sở 246 Lò Đúc (Hà Nội), siêu thị Beemart còn đang tiến hành nhập hàng mới để bày lên kệ. Nhân viên lấy những chiếc khuôn lò xo từ chiếc thùng giấy chằng chịt chữ nước ngoài, không có bất cứ một thông tin nào được viết bằng tiếng Việt.

Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của những sản phẩm này thì được nhân viên xác nhận đây là hàng Trung Quốc. “Do hàng Trung Quốc có mẫu mã đa dạng mà giá thành lại rẻ hơn các loại khác nên bọn em nhập về bán để cho khách hàng được đa dạng lựa chọn”, một nhân viên bán hàng giải thích.

Lỏng lẻo trong khâu quản lý

Siêu thị Beemart: Nhãn mác hàng hóa bị
Một số mặt hàng không nhãn mác tại siêu thị Beemart 246 Lò Đúc (Hà Nội).

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết siêu thị Beemart tại số 6 ngõ 68, phố Quan Nhân (Hà Nội) đã được bán lại cho một chủ khác. Tại buổi làm việc ngày 07/09, bà Vũ Thúy Liên – đại diện siêu thị Beemart cho hay:

“Bên Quan Nhân bọn em không liên quan, đó là một cửa hàng bán lẻ, không phải thuộc chi nhánh của bọn em nên bọn em không quản lý được. Cơ sở Quan Nhân đã có một người mua lại thương hiệu để bày bán theo mô hình hộ kinh doanh. Mà hộ kinh doanh cá thể họ có thể tự chia sản phẩm để bán mà không bắt buộc phải có nhãn hiệu. Cái này bọn em không thể quản lý được cửa hàng của họ được vì nó đứng tên của một chủ sở hữu khác, không liên quan đến bọn em. Bọn em sẽ chỉ hỗ trợ họ về hình ảnh”.

Thông tin này cũng được bà Tống Thị Ngọc Ánh – Giám đốc Công ty CP Beemart xác nhận: “Quan Nhân bên mình đã bán thương hiệu còn Lò Đúc vẫn là của bên mình. Mình bán cho chủ cơ sở bên đó. Bên mình sẽ báo lại bên đó để kiểm tra lại sản phẩm, chất lượng của sản phẩm bên đấy”.

Theo luật sư Phạm Thị Thoa – Công ty Luật Apolat Legal cho biết: “Trong trường hợp hệ thống siêu thị Beemart bán hàng hóa không có nhãn mác, không ghi tên công ty sản xuất thì Beemart sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa.

Bởi vì, khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng có bất cứ thiệt hại nào, nếu không có thông tin của nhà sản xuất thì họ sẽ khiếu nại đến nhà thương mại cung cấp sản phẩm. Nghĩa vụ của các siêu thị khi cung cấp hàng ra sẽ phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin của nhà sản xuất. Những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn chất lượng, họ sẽ không được phép lưu thông, đặt trên kệ của họ”.

Luật sư Thoa cũng cho biết thêm, Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa phải ghi nhãn cho hàng hóa trừ: Hành lý của người xuất - nhập cảnh, tài sản di chuyển; hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người dùng; hàng hóa đã qua sử dụng; hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa; nhiên liệu, nguyên liệu bán trực tiếp cho người sử dụng…

Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung: Tên hàng hóa; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa…; kích thước của chữ và số phải bảo đảm đủ để đọc bằng mắt thường. Với lương thực, nhãn hàng hóa bắt buộc phải có định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo (nếu có);...

“Đối với trường hợp của siêu thị Beemart có thể áp dụng theo điều 25, Nghị định 80 quy định về vi phạm ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa.

Theo đó, đối với các trường hợp hàng hóa theo quy định phải có nhãn nhưng không ghi nhãn hàng hóa; Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng và đơn vị đo;... thì sẽ phải chịu hai biện pháp xử lý là phạt tiền và buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có nhãn vi phạm hoặc buộc ghi lại nhãn hàng hóa.

Trong đó, mức phạt tiền của phụ thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm. Mức phạt tiền tối đa, tương đương với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng là 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng”, luật sư Phạm Thị Thoa cho biết.

Theo giadinh