'Sốc' với bánh kẹo ngoại: Sô cô la Mỹ giá 15.000 đồng/kg

Cận tết, bánh kẹo đóng thùng được nhiều chủ hàng chào đón là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc,... song giá mỗi kg kẹo ngoại chỉ từ 15.000 - 45.000 đồng.

Tràn lan hàng ‘đội lốt’

Theo Tiền phong, khu vực bán bánh kẹo ở chợ Bình Tây (quận 5, TP HCM), bày la liệt hàng hóa chào mời khách.

Bánh kẹo cả nội lẫn ngoại được sắp trên các quầy và đầy các thùng giấy, khách thích loại nào cứ chọn, tất cả có giá từ 30.000 - 45.000 đồng/kg.

Một nhân hân viên tên Tâm đon đả: “Mua tặng thì chị chọn bánh đã đóng sẵn hộp đi, ngon hơn mà giá không chênh lệch mấy”.

Tâm giới thiệu hộp bánh Danisa của Đan Mạch giá chỉ 50.000 đồng. Giải thích lý do rẻ, Tâm xởi lởi: “Thực ra bánh này có giá cao hơn, muốn làm quen nên em bán giá mềm cho chị.

Hàng này được sản xuất ở Thái Lan, nhưng em bảo đảm rất ngon và chất lượng. Nhìn bên ngoài không ai biết hàng của nước nào đâu”.

‘Sốc’ với bánh kẹo ngoại: Sô cô la Mỹ giá 15.000 đồng/kg

 Hàng bánh kẹo nhập ngoại nhưng rao bán chỉ 15.000 tới 45.000 đồng/kg.

Tại chợ Xóm Chiếu (quận 4, TP HCM), bánh Chocopai nhái theo Chocopie giá 18.000 đồng/hộp. Bà Bé, chủ hàng bánh kẹo cho hay: “Mua làm quà ở quê, thấy hình ảnh, thương hiệu “quen quen” là được rồi, ai quan tâm viết kiểu gì”.

Bà Bé còn tiếp thị thêm kẹo sô-cô-la nhập từ Mỹ 15.000 đồng/kg được chất đống trong rổ nhựa, không tên tuổi, xuất xứ. Bà giải thích, kẹo đóng trong cái bao lớn lắm, đi container từ Mỹ về hẳn hoi, tôi đổ ra để khách dễ lựa chọn.

Tại chợ An Đông, có đủ các loại mứt vỏ bưởi, cà chua, cóc, đu đủ, thơm, kiwi Thái Lan, óc chó, mắc ca, chà là Ấn Độ. Tất cả đều phơi trần trụi, mặc ruồi nhặng, kiến bâu quanh, giá khoảng 50.000 đồng/kg tùy loại.

Thấy có khách, tiểu thương vội cầm tờ báo huơ huơ đuổi ruồi, dùng tay bốc một lát kiwi đưa khách dùng: “Kiwi này được sấy khô tự nhiên, không hóa chất nên em thấy nó ngọt ghê chưa”. Tiểu thương này con tiết lộ, với các loại bánh kẹo muốn đóng bao bì của Úc, Mỹ gì cũng có.  

Theo ghi nhận của báo Giao thông, tại các chợ Đồng Xuân, Hàng Giầy, Hàng Buồm (Hà Nội)... hiện nay đang ngập tràn các loại bánh kẹo bán theo cân, giá rất rẻ, nhưng không có thời hạn sử dụng và không rõ địa chỉ sản xuất.

Chỉ tay vào gần 30 thùng bánh kẹo, chị Minh, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Buồm giới thiệu: “Toàn hàng công ty đấy, hàng chất lượng mà giá rất rẻ”. Bánh kẹo nhập từ Hàn Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ... giá 150.000 – 250.000 đồng/kg.

Phần lớn kẹo đổ đống bán ở chợ Đồng Xuân đa phần là từ làng nghề La Phù, Dương Liễu (huyện Hoài Đức).

Các sản phẩm đều có mẫu mã, tên gọi na ná các thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng, như kẹo Appelene (na ná kẹo sữa béo Alpenliebe); bánh Gosy (bắt chước bánh Cosy....

‘Sốc’ với bánh kẹo ngoại: Sô cô la Mỹ giá 15.000 đồng/kg

Sản xuất bánh kẹo nhái khá nhộn nhịp tài La Phù, Hoài Đức. 

Tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội, mỗi ngày có hàng trăm xe tải chở bánh kẹo nườm nượp rời khỏi các xưởng sản xuất. Trong vai người đi nhập hàng về bán lẻ, chúng tôi được giới thiệu đủ loại bánh kẹo “nhái”.

Tại xưởng Linh Anh, bánh Danisa giá 218.000 đồng/thùng 16 hộp, trong khi loại bánh này trên thị trường giá gần 100.000 đồng/hộp; bánh Henry Luxury có giá 210.000 đồng/thùng 12 hộp, trong khi giá bánh này trên thị trường gần 200.000 đồng/hộp...

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) Củ Chi đã kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo nằm trên đường số 20, ấp Trung, xã Tân Thông Hội (huyện Củ chi, TP HCM) do bà Võ Thị Bích Nga làm chủ.

Tại cơ sở, hơn chục tấn thành phẩm và nguyên liệu đã hết hạn sử dụng gồm kẹo me, ô mai, mãng cầu, xí muội nằm ngổn ngang giữa nền nhà cáu bẩn.

Người làm ở đây cho biết số hàng này chủ yếu cung cấp cho tiểu thương các chợ tại TPHCM và đem về các vùng quê tiêu thụ.

Khó xử lý

Ông Nguyễn Thành Phương, Phòng nghiệp vụ Chi cục QLTT TP HCM thừa nhận, hàng giả không chỉ được sản xuất tại Việt Nam mà còn từ nước ngoài chuyển vào.

“Chỉ có những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa mới có thể nhận diện. Tuy nhiên sự liên kết giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng còn yếu, nên hàng giả vẫn xuất hiện tràn lan”, ông Phương nói.

Để qua mặt cơ quan nhà nước, kẻ gian dùng nhiều thủ đoạn để đưa hàng giả có yếu tố nước ngoài vào Việt Nam.

Cụ thể, chúng đưa hàng giả dưới dạng sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó tiếp tục lắp ráp, đóng gói thành phẩm ở một nơi khác.

Khi có đơn hàng, hàng hóa mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ vào giao cho khách. Hàng sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó nên rất khó phát hiện.

Theo vietq