Sự tàn phá nhan sắc của... mỹ phẩm online

Mua mỹ phẩm qua mạng tiện lợi song tiềm ẩn nguy cơ mua phải hàng giả, kém chất lượng; thậm chí sản phẩm chứa chất độc hại, dẫn đến dị ứng. Trào lưu sử dụng mỹ phẩm online đã được cảnh báo nhưng chị em vẫn bỏ qua.

Bỏng toàn thân khi làm đẹp

Chị T.K.L - một nạn nhân của mua mỹ phẩm qua mạng - chia sẻ: Vốn là một cô gái có làn da bình thường nhưng vì ao ước được trắng sáng để nổi bật và đẹp hơn nên chị đã dại dột nghe lời quảng cáo trên mạng đã tìm đến một cơ sở lột da đông y.

Chỉ sau 2 lần tiến hành “làm đẹp”, chị như suy sụp hoàn toàn khi bệnh viện kết luận da mặt đã bị bỏng hoàn toàn.

Sự tàn phá nhan sắc của... mỹ phẩm online

Sự tàn phá nhan sắc của mỹ phẩm làm trắng da

Chị L nhớ lại: “Tôi còn nhớ rất rõ cái đêm kinh hoàng ấy, mặt tôi nóng rát đến phát khóc, dù đã cố gắng rửa mặt và bôi thuốc làm dịu da nhưng tất cả cũng không thể khiến tôi thôi run rẩy vì cảm giác như bị dội nước sôi vào mặt.

Kể từ thời khắc khuôn mặt bị bỏng nặng, tôi như kẻ đang sống bất giác bị đẩy xuống địa ngục. Chuỗi ngày sau đó, tôi rơi vào tâm trạng hoảng loạn, lo lắng bởi những lời dị nghị của người xung quanh, lo lắng không khỏi được ảnh hưởng đến tương lai”.

Hiện tại, mặc dù khuôn mặt của L. đã may mắn được chữa trị và hồi phục lại bình thường, nhưng L. vẫn còn nguyên những ám ảnh của khoảng thời gian đó.

Sử dụng theo trào lưu

Mới đây, lô hàng trị giá 11 tỷ đồng của Công ty TNHH Thiên nhiên TS VN bị phát hiện có dấu hiệu giả nguồn gốc xuất xứ. Đa phần các mặt hàng của Công ty TNHH Thiên nhiên TS VN được bán trên mạng. Số mỹ phẩm được Công ty TNHH Thiên nhiên TS VN thuê cả dàn sao quảng cáo không có nguồn gốc rõ ràng.

Đây chỉ là một trong rất nhiều công ty, cá nhân sử dụng mạng để kinh doanh mỹ phẩm. Điều đáng nói, nhiều chị em sẵn sàng rút hầu bao mua mỹ phẩm chỉ qua những hình ảnh, lời quảng cáo trên mạng.

Mặt hàng được ưa chuộng nhất là kem trắng da. Đáng chú ý, trong các quảng cáo rao bán mỹ phẩm làm trắng hay thực phẩm chức năng làm trắng da, đa phần chủ hàng đều khẳng định là hàng nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan..., giá bán dao động từ 195.000-1.400.000 đồng/sản phẩm tuỳ xuất xứ.

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn - nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết, nhiều loại mỹ phẩm bán trôi nổi ở Việt Nam không đạt tiêu chuẩn.

Trung tâm thường xuyên tiếp nhận các nạn nhân bị dị ứng mỹ phẩm, có người là do tắm trắng, dùng thuốc nhuộm, masacra… Trong đó, có không ít người gặp tai nạn vì ham mỹ phẩm rẻ mua trên mạng.

“Dị ứng mỹ phẩm không quá nặng có thể chỉ biểu hiện ngoài da, sẩn ngứa vùng bôi mỹ phẩm, viêm da dị ứng. Nặng hơn thì gây lở loét, thậm chí lan ra cả vùng vùng không bôi thành phản ứng toàn thân”, TS Đoàn khuyến cáo.

L.H

Theo laodong