Sự thật sau tin đồn tiêm vắc-xin ung thư cổ tử cung gây tác dụng phụ

Gần đây, trên nhiều diễn đàn sức khỏe rộ lên thông tin tiêm vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung gây ra nhiều tác dụng phụ khiến dư luận hoang mang và không đi tiêm phòng.

Cần duy trì lối sống, sinh hoạt lành mạnh

Các chuyên gia y tế cảnh báo, ung thư cổ tử cung là nguy cơ gây tử vong hàng đầu đối với phụ nữ. Ung thư cổ tử cung là loại ung thư ác tính hình thành trong các mô cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung phát triển khi các tế bào bất thường ở niêm mạc cổ tử cung bắt đầu nhân lên một cách khó kiểm soát và sau đó tập hợp thành một khối u lớn.

90% nguyên nhân dẫn tới ung thư cổ tử cung là do loại virus nhóm papilloma có tên gọi là Human Papilloma Virus (HPV) gây nên. Biện pháp an toàn nhất được khuyến cáo đến thời điểm hiện tại là tiêm vắc-xin phòng ngừa.

Theo tìm hiểu của PV, 2 loại vắc-xin đã được thẩm định và lưu hành tại Việt Nam là Cervarix và Gardasil được cho là phương pháp có khả năng làm giảm đến 70% nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, gần đây trên mạng xã hội lan truyền tiêm vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung gây ra nhiều tác dụng phụ khiến dư luận hoang mang.

Các bác sĩ chuyên khoa khẳng định đó là thông tin sai sự thật. Trao đổi với PV, BS. sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp) khẳng định, phát minh ra vắc-xin HPV là sự tiến bộ của ngành Y tế để chống trả căn bệnh mà trước nay vẫn còn mù mờ, chưa có biện pháp để phòng ngừa.

“Bạn có thể đi tiêm phòng ung thư cổ tử cung mà không cần phải làm bất cứ một xét nghiệm nào bởi việc này không có bất cứ chỉ định nào về làm xét nghiệm”, BS. Dung tư vấn.

su-that-sau-tin-don-tiem-vac-xin-ung-thu-co-tu-cung-gay-tac-dung-phu

Nhiều người lo ngại tiêm vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung sẽ gây ra tác dụng phụ. (Ảnh minh họa).

Cũng theo vị bác sĩ này, việc tiêm phòng HPV sẽ đạt lợi ích tối đa trong độ tuổi tiêm phòng từ 9-26 và chưa từng quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nếu trường hợp từng quan hệ tình dục rồi thì vắc-xin sẽ không có tác dụng nữa. Bạn hoàn toàn vẫn có thể tiến hành tiêm phòng HPV khi đã từng quan hệ tình dục, miễn là vẫn còn trong độ tuổi tiêm phòng.

Trao đổi với báo chí, TS. Phạm Quang Thái, viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, bất kỳ loại vắc-xin nào trước khi được phép lưu hành đều phải trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu và sàng lọc để khẳng định tính an toàn, có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không, sau đó mới xét đến yếu tố hiệu quả. Đối với vắc-xin HPV, trong quá trình lưu hành đã 11 năm nay cho thấy, những trường hợp tiêm phòng có tác dụng phụ tại chỗ như đau nhẹ, sốt nhẹ.

Các chuyên gia y tế nhận định, cũng giống như bất cứ loại vắc-xin tiêm phòng nào, tiêm phòng ung thư cổ tử cung không có tác dụng ngăn chặn bệnh 100%. Do đó, bên cạnh việc tiêm phòng, bạn vẫn cần tự chăm sóc sức khỏe bản thân, duy trì lối sống, sinh hoạt lành mạnh.

Những ai dễ mắc ung thư cổ tử cung?

- Phụ nữ nằm trong độ tuổi 35-40 được phát hiện mắc bệnh ung thư cổ tử cung nhiều.

- Phụ nữ sinh nở từ trên 4 lần cũng nằm trong đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung.

- Phụ nữ có tiền sử mắc bệnh viêm nhiễm đường tình dục do virus Papilloma hoặc Herpes, cũng nằm trong nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao. Đồng thời, việc vệ sinh bộ phận phụ khoa kém cũng là tác nhân ủ mầm bệnh.

- Ung thư cổ tử cung rất hiếm gặp ở phụ nữ dưới 20. Tuy nhiên, quan hệ tình dục ở độ tuổi sớm trước 17 với nhiều bạn tình cũng là một trong những yếu tố hàng đầu gây nhiễm virus HPV.

Các bác sĩ khuyến cáo, ung thư cổ tử cung có thể phát hiện sớm và chữa trị kịp thời bằng các phương pháp như phẫu thuật hoặc xạ trị, hóa trị. Đặc biệt, ở giai đoạn tiền ung thư có thể điều trị đơn giản như đốt điện, khoét chóp. Không gây tốn kém nhiều và hiệu quả bởi ung thư cổ tử cung chỉ xảy ra khi tổn thương đến tế bào đáy. Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh, các bác sĩ đặc biệt lưu ý đến việc tiêm phòng HPV.

N.Giang

Theo Người Đưa Tin