Tại sao CIA sử dụng game để đào tạo các sỹ quan tình báo?

Dungeons and Dragons, Pokémon, game bài (card game) không chỉ là để giải trí – chúng còn là "công cụ" của Cục tình báo trung ương Mỹ, CIA.

'Tại sao CIA sử dụng game để đào tạo các sỹ quan tình báo?

David Clopper là một nhà phân tích cấp cao đã có 16 năm kinh nghiệm với CIA, và cũng là nhà sản xuất game cho CIA. Từ card game đến board game (trò chơi liên quan đến những miếng thẻ hoặc những quân cờ được đặt hoặc di chuyển trên một mặt phẳng, kèm theo các luật chơi tương ứng), Clopper đã tạo ra các game để phục vụ cho đào tạo các đặc vụ CIA, bao gồm sỹ quan tình báo và nhà phân tích chính trị, về các tình huống trong thế giới thực.

"Chơi (game) là một phần trong cuộc sống con người. Tại sao không lợi dụng trò chơi để học?" Clopper nói. Clopper và các sỹ quan CIA khác đã thảo luận cách để CIA có thể dùng game để đào tạo về chiến lược, tình báo và hợp tác.

Clopper đã bắt đầu phát triển các chương trình đào tạo dựa trên game vào năm 2008. Trong game "Collection", game CIA đầu tiên, nhóm các nhà phân tích đã làm việc cùng nhau để giải quyết những khủng hoảng quốc tế. "Collection Deck", game thứ hai, là một game bài dạng như Pokemon, trong đó mỗi thẻ bài là một chiến lược thu thập tình báo hoặc một thử thách như làm một băng đảng hoặc một bộ máy quan liêu.

Theo đó, người chơi có thể rút một thẻ bài để thu thập tình báo qua các bức ảnh vệ tinh, nhưng một thế lực có thể ngăn chặn họ lại bằng cách chơi một thẻ bài đối nghịch. Trò chơi bắt chước các tình huống mà các nhà phân tích có thể gặp trong công việc thực tế của họ.

'Tại sao CIA sử dụng game để đào tạo các sỹ quan tình báo?

Ngoài Clopper, Volko Ruhnke cũng là một chuyên gia đào tạo tình báo của CIA và là một nhà thiết kế game tự do. Ruhnke nói ông đặc biệt thích thú với một thể loại game: trò chơi mô phỏng để đào tạo các nhà phân tích và giúp họ trong các nhiệm vụ phải dùng óc phân tích, nghiên cứu. Trò chơi có thể giúp dự đoán trước các tình huống phức tạp bằng cách buộc người chơi phải giải quyết liên tục nhiều tình huống khác nhau.

Bản thân Ruhnke cũng tạo ra các game board thương mại để bắt chước các xung đột Afghanistan và đưa người chơi qua các tình huống quân sự, chính trị và kinh tế trong khu vực. Game mang lại cho người chơi "cách hiểu năng động hơn nhiều về các vấn đề Afghanistan hiện đại", Ruhnke nói và thêm rằng một trò chơi tương tự có thể sử dụng trong nội bộ CIA.

Theo CNN, hiện nay các game trường học cũ vẫn là nguồn cảm hứng chính cho các chương trình đào tạo của CIA. Nhưng các nhà phân tích dự đoán game thực tế ảo sẽ sớm được ứng dụng trong các chương trình đào tạo. Nhiều đơn vị quân đội đã dùng phương pháp đào tạo thực tế ảo trong nhiều năm, đưa các thành viên vào trải nghiệm cuộc sống thực qua các tình huống bắt chước hình ảnh, âm thanh thực.

"Chúng ta càng nhanh chóng ứng dụng VR trong game, tác dụng sẽ càng tốt", Rachel Grunspan, giám đốc chiến lược của một tổ chức sáng tạo số thuộc CIA, nói. "Nếu muốn các sỹ quan CIA giải quyết các câu hỏi tình báo, VR là một công cụ tuyệt với để làm điều đó".

Theo Hoàng Lan (vnreview)