Tây Ninh: Nhiều cơ sở làm trái quy định khi bán đồ chơi trẻ em

Theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Tây Ninh, trong tháng 8/2015, qua kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh hàng hóa là đồ chơi trẻ em (ĐCTE), phát hiện nhiều sản phẩm và cơ sở làm sai quy định của nhà nước khi kinh doanh mặt hàng này.

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Tây Ninh cho biết, về nhãn hàng hoá, qua kiểm tra 55 mẫu hàng hóa ĐCTE có 17/55 mẫu háng hóa ĐCTE không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và không thể hiện dấu hợp quy trên hàng hóa với tổng số lượng là 1.753 túi của 05 cơ sở kinh doanh hàng hóa ĐCTE.

Về điều kiện đảm bảo chất lượng, kiểm tra 55 mẫu hàng hòa ĐCTE có 51/55 mẫu hàng hóa ĐCTE không lưu giữ hồ sơ chất lượng tại nơi bán hàng của 20 cơ sở. Còn về chất lượng, lấy 03 mẫu hàng hóa ĐCTE để thử nghiệm chất lượng đang chờ kết quả.

Tây Ninh: Nhiều cơ sở làm trái quy định khi bán đồ chơi trẻ em

Nhiều cơ sở kinh doanh ở Tây Ninh bán đồ chơi trẻ em không đạt chuẩn

Với các trường hợp cơ sở chưa xuất trình được hồ sơ chất lượng hàng hóa, Đoàn kiểm tra lập biên bản nhắc nhở, hướng dẫn và yêu cầu bổ sung hồ sơ gửi về Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Tây Ninh.

Đối với 17 mẫu hàng hóa ĐCTE không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và không thể hiện dấu hợp quy trên hàng hóa với tổng số lượng là 1.753 túi, Chi cục ra thông báo tạm dừng lưu thông và yêu cầu cơ sở liên lệ với nhà sản xuất, nhà nhập khẩu khắc phục nhãn hàng hóa.

Qua phối hợp với Thanh tra Sở KH&CN tỉnh Tây Ninh, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Tây Ninh cũng tiến hành kiểm tra 10 cơ sở tổng số phương tiện đo (ptđ) 31 ptđ, kiểm tra 10 ptđ đạt yêu cầu.

Kiểm tra đột xuất 01 cơ sở kinh doanh xăng dầu theo phản ánh từ số điện thoại đường dây nóng và lấy 01 mẫu xăng dầu để thử nghiệm chất lượng. Phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường lấy 01 mẫu Nón Bảo hiểm để thử nghiệm chất lượng.

Cũng theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Tây Ninh, qua công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa ĐCTE lưu thông trên thị thường địa bàn tỉnh cho thấy các cơ sở kinh doanh hàng hóa ĐCTE chưa chấp hành các quy định của pháp luật, còn vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, thể hiện dấu hợp quy trên hàng hóa và không lưu giữ hồ sơ chất lượng tại nơi bán hàng. Việc lưu giữ hồ sơ chất lượng tại nơi bán hàng chưa đầy đủ nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra để xác định hàng hóa được chứng nhận hợp quy theo quy định.

Trước đó vào tháng 7/2015, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Tây Ninh cũng đã kiểm tra 17/20 cơ sở kinh doanh hàng hóa là vàng trang sức, mỹ nghệ (03 cơ sở đã ngưng hoạt động tại thời điểm kiểm tra) với 83 mẫu hàng hóa được kiểm tra.

Ghi nhận về nhãn hàng hóa, có 73/83 mẫu hàng hóa có nhãn hàng hóa chưa phù hợp, trong đó: 26 mẫu có nhãn đính kèm do cơ sở kinh doanh tự gắn nhưng ghi tên và địa chỉ của cơ sở kinh doanh; 44 mẫu hàng hóa không nhãn đính kèm; 02 mẫu hàng hóa không nhãn đính kèm và có hàm lượng vàng, mã ký hiệu của cơ sở sản xuất đóng trực tiếp trên hàng hóa không đúng với hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng; 01 mẫu hàng hóa không nhãn đính kèm và không có mã ký hiệu của cơ sở sản xuất đóng trực tiếp trên hàng hóa.

Kiểm tra hồ sơ 45/83 mẫu hàng hóa không lưu giữ hồ sơ chất lượng tại nơi bán hàng của 11 cơ sở, 72/83 mẫu hàng hóa chưa thực hiện việc thể hiện tiêu chuẩn công bố áp dụng.

01/83 mẫu vàng trang sức, mỹ nghệ chưa thực hiện việc công bố tiêu chuẩn áp dụng (sản phẩm nhẫn trơn do DNTN vàng bạc đá quý Kim Thuận, địa chỉ: Ấp Tân Đông, Tân Thành, Tân Châu, Tây Ninh sản xuất).

Theo Nguyễn Nam (VietQ)