Tên lửa Triều Tiên đẩy giá vàng 'bay' tới đâu?

Vụ phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12 của Triều Tiên ngày 29/8 đã gây lo ngại rất lớn cho cộng động quốc tế nói chung và Mỹ, Nhật, Hàn Quốc nói riêng.

Động thái này đã đẩy giá vàng vượt xa ngưỡng 1.300USD/oz. Vậy giá vàng có tiếp tục “bay” cao nữa?

Ten lua Trieu Tien day gia vang 'bay' toi dau?


Sau khi mở cửa tuần này ở mức 1.291USD/oz, giá vàng quốc tế đã nhanh chóng tăng dần và vượt xa ngưỡng 1.300USD/oz lên tới 1.325USD/oz sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản, làm dấy lên nỗi quan ngại mới về chương trình hạt nhân của quốc gia này.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết, động thái phóng tên lửa Hwangsong-12 vừa qua nhằm đối phó với các cuộc tập trận chung của liên quân Mỹ - Hàn trong tuần này và là bước khởi đầu của Triều Tiên nhằm kiềm chế các hoạt động ở đảo Guam của Mỹ.

Giới phân tích cho rằng, tên lửa đạn đạo thế hệ mới của Triều Tiên là một bước tiến vượt bậc, vì sở hữu động cơ nội địa hoàn toàn mới, có sức mạnh đáng kể và đáng tin cậy hơn những phiên bản cũ. Tuy nhiên, sở hữu tên lửa đạn đạo tầm xa không có nghĩa Triều Tiên có thể tấn công chính xác các mục tiêu ở Mỹ.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã khiến USD và chứng khoán giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua. Tuy nhiên, sáng nay USD và chứng khoán đã phục hồi trở lại do tình hình trên bán đảo Triều Tiên bớt nóng và một phần nhờ chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 8 đạt mức cao nhất trong 5 tháng qua. Theo đó, trong phiên giao dịch sáng nay trên thị trường châu Á, giá vàng giao ngay cũng đã giảm về mức 1.307USD/oz sau khi đạt mức cao nhất trong hơn 9 tháng qua.

Ten lua Trieu Tien day gia vang 'bay' toi dau?

Diễn biến giá vàng.

Ông Marlos Kaminis - chuyên gia của Hãng tin Wall Street Greek cho rằng sự kích động của Triều Tiên sáng nay chưa đủ mạnh để đẩy giá vàng tăng giá trở lại, trừ khi Mỹ cũng có một số động thái kích động về mặt quân sự đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, nếu chính quyền Trump chỉ răn đe Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt hơn nữa, thì giá vàng có thể sẽ giảm trở lại.

Ngoài những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và những bất ổn chính trị ở Washington, Chính phủ Mỹ cũng đang đối mặt với vấn đề trần nợ công. Theo Bộ Tài chính Mỹ, nếu Quốc hội Mỹ không quyết định nâng trần nợ công, thì Chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ trong tháng 9 sắp tới. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ cũng cần phải thảo luận để thông qua kế hoạch ngân sách cho tài khóa 2018 sẽ bắt đầu vào ngày 1/10 sắp tới.

Theo số liệu của Ủy ban Giao dịch kỳ hạn (CFTC), mức kỳ vọng giá vàng tăng của các nhà quản lý tài chính đang ở mức cao nhất trong 11 tháng, trong khi mức kỳ vọng giá vàng giảm đang ở mức thấp trong 5 năm.

Về dài hạn, ông Francisco Blanch - Giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Bank of America Merrill Lynch dự báo giá vàng có thể sẽ tăng lên mức cao 1.400USD/oz vào đầu năm tới.

Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ báo xu hướng của giá vàng vẫn còn khá mạnh. Nếu giá vàng vẫn trụ vững trên 1.302USD/oz, thì có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa. Vượt qua 1.325USD/oz, thì giá vàng có thể lên tới 1.334-1.346USD/oz, nhưng sau đó đối mặt với mức kháng cự mạnh tại 1.352USD/oz (Fibo.161,8%).

Ngược lại, nếu không trụ vững trên 1.302USD/oz, thì giá vàng có thể xuống tới vùng 1.270-1.284USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, sự tăng mạnh của giá vàng quốc tế đã tác động mạnh đến giá vàng miếng SJC. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã tăng khá mạnh từ mức 36,33-36,43 triệu đồng/lượng lên mức 36,62- 36,72 triệu đồng/lượng, tăng 290.000 đồng mỗi lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. Tuy nhiên, sáng nay do giá vàng quốc tế “hạ nhiệt”, nên giá vàng miếng SJC cũng giảm xuống mức 36,45-36,55 triệu đồng/lượng.

Theo ghi nhận của các DN kinh doanh vàng, đã từ lâu thị trường trong nước mới chứng kiến nhu cầu vàng gia tăng một cách mạnh mẽ ở cả hai chiều mua và bán như ở phiên giao dịch ngày 29/8/2017. “Đà tăng này phần nào củng cố lại niềm tin của nhà đầu tư trong nước vào kim loại quý ở giai đoạn này và có những hoạch định ở các phiên kế tiếp” - các chuyên gia của Tập đoàn VBĐQ DOJI nhấn mạnh.

Do đà tăng của giá vàng quốc tế mạnh hơn nhiều so với đà tăng của gái vàng miếng SJC, nên khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế quy đổi đã được rút ngắn lại chỉ còn 310.000 đồng mỗi lượng trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Tuy nhiên, sáng nay mức chênh lệch này đã tăng lên khoảng 600.000 đồng mỗi lượng.

Các DN kinh doanh vàng cho rằng, khoảng cách chênh lệch giảm mạnh cũng là một trong những lý do chính khiến nhu cầu vàng trong nước tăng mạnh. 

Ngọc Anh

Theo DĐDN